Các sự kiện ngoại giao dồn dập của Mỹ những ngày vừa qua với Singapore, Việt Nam, Philippines là dấu hiệu mới cho thấy, Đông Nam Á và Biển Đông quan trọng như thế nào trong chính sách đối ngoại của Washington. Giới quan sát cho rằng: chính Trung Quốc, chứ không phải ai khác, đã “mở đường” cho sự trở lại khu vực này của Mỹ.
Phó tổng thống Harris là quan chức cao cấp nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm khu vực Đông Nam Á, tính tới nay.
Nghe qua, không khỏi có người cả cười mà rằng, Bắc Kinh chưa dại để Washington từ đẩu đâu nhảy bổ vào một nơi mà họ đang có lợi thế có thể ví như “sân nhà”. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia…dù có bướng bỉnh hơn Campuchia và Lào, thì cũng vẫn là các quốc gia láng giềng. Láng giềng, trong tư duy người phương Đông, quan trọng lắm. Không thế, người Việt Nam đã không có câu tục ngữ “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, đồng thời, luôn coi nó như một phương châm sống, kể cả trên bình diện quốc gia, khi xem xét các quan hệ đối ngoại song phương và đa phương.
Trung Quốc cũng biết thế, và không quên nhấn mạnh điều đó trong các diễn đàn ngoại giao khu vực. Đồng thời, một cách có tính toán, họ cũng thể hiện như một quốc gia “duy tình” chứ không “duy lý” thực dụng như các nước phương Tây. Tỷ như trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, chẳng phải ngẫu nhiên, Campuchia, Philippines được Bắc Kinh ưu ái viện trợ vaccine không chỉ nhiều, mà còn trước nhất, so với các quốc gia khác. Tất nhiên, sự ưu ái này, cái chính là cả hai đều thuộc dạng “bảo được”.
Thâm thúy, biết khai thác, khoét sâu cái “tình hàng xóm”, nhưng Bắc Kinh lại quên mất một điều rằng: Sự chân thành mới là cơ sở vững chắc cho một mối thâm tình. Diễn đạt một cách văn hoa hơn, ông Nguyễn Tấn Dũng – nguyên Thủ tướng Việt Nam gọi đó là “niềm tin chính trị”. Không có nó, mọi thề thốt, mọi ngôn từ, dù cao đạo đến mấy, kêu to đến mấy, cũng đều là viển vông, hoang tưởng, sáo rỗng.
Chết nỗi, đấy lại chính là cái khó, quá khó, không thể vượt qua đối với Bắc Kinh. Trung Nam Hải không phải không biết mình phải làm gì. Nhưng ngặt nỗi, có để có được “niềm tin chính trị” từ các quốc gia láng giềng, Trung Quốc phải từ bỏ khát khao cháy bỏng, cũng là nỗi cay cú nhất lâu nay vì chưa làm được, là biến Biển Đông thành “ao nhà”, bất chấp một thực tế không thể chối cãi: Khu vực này, hiện tại, có tới 5 nước, 6 bên cùng tuyên bố và có yêu sách chủ quyền; mỗi bên, mức độ khác nhau, đều đang kiểm soát một số thực thể, trong đó, các thực thể Trung Quốc kiểm soát hiện nay là cưỡng chiếm.
Mục tiêu tội lỗi đó đã sinh ra biết bao hành vi bạo ngược của Bắc Kinh gây ra với Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia. Ngang ngược tới mức, sau vụ mất quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough/đảo Hoàng Nham vào tay Trung Quốc một cách cay đắng, không đừng được nữa, Philippines đã phải kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế (PCA) và Tòa này đã có phán quyết, xử cho Philippines thắng kiện tháng 7 năm 2016. Còn Việt Nam chưa kiện, nhưng là nước thấm thía nhất dã tâm của ông bạn phương Bắc, không ai dám chắc, Hà Nội đang không làm gì để chuẩn bị cho một vụ kiện cũng đình đám không kém, nếu tình thế buộc phải thế – như một quan chức ngoại giao cao cấp của họ đã đề cập.
Một quốc gia tôn trọng luật pháp, văn minh không chỉ coi trọng, mà còn cần tuân thủ phán quyết của PCA. Nhưng với Trung Quốc: còn lâu nhé, khi phán quyết phủ quyết yêu sách tham lam của họ. Thế nên các quốc gia gọi là “láng giềng” thậm chí “núi liền núi, sông liền sông” sao có thể có “niềm tin chính trị” vào một ông bạn suốt ngày gây gổ, đòi hỏi, giành giật những thứ không phải của mình. Tin Trung Quốc đến như Philippines của thời ông Duterte mà rồi cuối cùng cũng, bổ chửng, bỏ của chạy lấy người, gây đây dứt khoát quay trở lại vòng tay của Mỹ nữa là.
Một khi gần mà không tin, chẳng thà, kiếm bạn xa mà chơi, cũng còn tốt hơn. Vì cái lẽ đó, mới thấy dư luận có lý khi nói rằng: Trung Quốc, hay đúng hơn, sự ngỗ ngược, tham lam của Trung Quốc, đã “mở đường” cho sự trở lại của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á vậy.