Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBình luận: Liên kết TQ-Pakistan-Taliban có ý nghĩa gì đối với Hoa...

Bình luận: Liên kết TQ-Pakistan-Taliban có ý nghĩa gì đối với Hoa Kỳ và Ấn Độ

Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có bài phân tích về liên kết Trung Quốc-Pakistan-Taliban được đăng trên trang Epoch Times, liệu liên kết ba bên này có ý nghĩa gì đối với Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Trung Quốc, Nga, Pakistan và Iran vẫn giữ các đại sứ quán của họ ở Afghanistan. Các đại diện của Taliban cũng đã hội kiến các chính phủ đó, cũng như chính phủ của Turkmenistan, trước khi lên nắm quyền. Ngược lại, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã đóng cửa các đại sứ quán và triệu hồi các nhà ngoại giao của họ.

Tại cuộc họp gần đây của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, cả lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Pakistan Imran Khan, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy kết giao với Taliban, đặc biệt là về chủ đề chống khủng bố. Người ta ước tính rằng có khoảng 8,000 đến 10,000 kẻ khủng bố ngoại bang ở Afghanistan, có khoảng 6,000 trong số đó đến từ nhóm khủng bố Tehrik-i-Taliban Pakistan.

Cái gọi là Tình anh em Sắt đá — là mối bang giao giữa Trung Quốc và Pakistan — đã được củng cố bởi việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan khi hai quốc gia này nhận thấy rằng chính quyền Taliban điều hành Afghanistan nhìn chung là phù hợp với các chính sách của họ.

Cả Pakistan và nhà cầm quyền Trung Quốc đều hoan nghênh Taliban lên nắm quyền vì họ hy vọng rằng Taliban có thể giúp kiềm chế chủ nghĩa khủng bố ở các quốc gia tương ứng của họ và bởi vì sự tiếp quản của Taliban sẽ làm phức tạp thêm việc ra quyết định đối với Ấn Độ và Hoa Kỳ. Pakistan hoan nghênh việc Hoa Kỳ rút quân vì điều đó nghĩa là Ấn Độ không còn sự ảnh hưởng ở Kabul.

Trung Quốc và Ấn Độ đã có một số cuộc đụng độ biên giới, dẫn đến tình thế bế tắc kéo dài một năm trên dãy Himalaya. Ấn Độ có quan hệ tốt với chính phủ Afghanistan tiền nhiệm. Mặt khác, Taliban có khả năng trở thành đối thủ của Ấn Độ, đặc biệt nếu nó liên kết với Trung Quốc. Sự can dự của ĐCSTQ với Taliban sẽ bảo đảm rằng Ấn Độ không có ảnh hưởng ở Kabul.

Hoa Kỳ đã chiến đấu chống lại Taliban trong suốt hai thập niên và được cho là sẽ tiếp tục mâu thuẫn với tổ chức khủng bố này. Đồng thời, mối bang giao giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục có sự đối kháng về mặt kinh tế, thương mại và quốc phòng. Do đó, việc ĐCSTQ và Pakistan tăng cường liên kết với Taliban đã đặt Hoa Kỳ vào một tình thế khó khăn.

Pakistan nhận thấy một cơ hội để mở rộng lợi ích địa kinh tế của mình, kết nối Trung Á với Biển Ả Rập tại Cảng Gwadar. Những hy vọng này phụ thuộc vào giả định rằng Taliban có thể ổn định Afghanistan và Taliban có thể và sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công từ Afghanistan vào Pakistan, Trung Quốc và Trung Á. Nhưng cho đến nay, việc rút quân của Hoa Kỳ đã khuyến khích những kẻ khủng bố trên khắp khu vực vì họ coi đây là một chiến thắng lớn. Cơ quan có trụ sở tại Syria của Đảng Hồi giáo Turkistan đã đưa ra một tuyên bố chúc mừng khi Taliban chiếm Kabul.

Mặc dù Taliban hứa sẽ trấn áp các phần tử khủng bố ngoại bang, nhưng họ không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về cách thực hiện điều đó.

Các cuộc tấn công khủng bố vào các đối tượng người Hoa của Trung Quốc là rất hiếm, nhưng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) là một mục tiêu rõ ràng, yếu ớt. Các dự án của CPEC đã từng bị tấn công trong quá khứ, bởi vì lực lượng Taliban ở Pakistan phẫn nộ với sự hiện diện của Trung Quốc ở Pakistan hoặc để trả đũa cho sự đàn áp của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Nhóm khủng bố Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP), vốn lập liên minh với Taliban ở Afghanistan, đã gia tăng các cuộc tấn công của họ ở Pakistan, làm thiệt mạng 7 binh sĩ Pakistan gần biên giới Afghanistan và trong một vụ khác làm thiệt mạng 13 dân thường trên một chiếc xe buýt, cũng như tuyên bố nhận trách nhiệm về một vụ tấn công tự sát ở Quetta, thủ đô của Balochistan. Do đó, nhóm TTP này đã được xác định là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định ở Pakistan.

Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Shah Mahmood Qureshi đã đề nghị ân xá cho các thành viên TTP nếu họ hứa không dính líu vào các hoạt động khủng bố, nhưng lời đề nghị đã bị từ chối. Kể từ đó, ông bày tỏ hy vọng rằng Taliban sẽ giúp thuyết phục các thành viên TTP từ bỏ cuộc nổi dậy vũ trang của họ. Trong khi đó, có nguồn tin cho rằng các tay súng TTP đã được phóng thích khỏi các nhà tù ở Afghanistan khi Taliban lên tiếp quản đất nước.

Taliban nói rằng họ muốn gia nhập Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Mặc dù đây có vẻ là một tình huống đôi bên cùng có lợi, nhưng chuyện này sẽ đòi hỏi phải cung cấp thêm đầu tư và chịu nhiều rủi ro hơn bởi Bắc Kinh. Có thể Taliban sẽ hợp tác với nhà cầm quyền Trung Quốc, theo một cách hữu hảo nào đó, hành động ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố để đổi lấy sự công nhận và hỗ trợ tài chính. Nhưng không rõ liệu Taliban có sức mạnh hay sự sẵn sàng để làm điều đó hay không.

Một động lực để Taliban thực hiện tốt lời hứa với Bắc Kinh là họ hy vọng Trung Quốc sẽ khai thác từ 1 nghìn tỷ USD đến 3 nghìn tỷ USD khoáng sản — bao gồm cả lithium cho pin xe hơi điện — đang nằm im bất động dưới lòng đất ở Afghanistan. Hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc thậm chí còn trở nên quan trọng hơn đối với Afghanistan khi các tổ chức tài chính quốc tế đã đóng băng tài khoản ngân hàng và các tài sản khác ở hải ngoại, và các nhà tài trợ quốc tế đã ngừng gửi tiền.

Bởi vì rất có thể sẽ không có tiền từ phương Tây, nên Taliban biết rằng Trung Quốc có thể là nguồn tài trợ chính và duy nhất của họ. Nhưng điều này không bảo đảm sự an toàn cho các khoản đầu tư của Trung Quốc. Trong quá khứ, những lời hứa của Taliban về việc bảo vệ các dự án của Trung Quốc đã chứng minh tính không hiệu quả. Trong khi đó, ngoài các cuộc tấn công của Taliban, các khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ dễ bị tấn công bởi các nhóm phiến quân khác — các nhóm ngoại bang hoặc các nhóm chống Taliban.

Ngay cả dưới sự ổn định tương đối của sự can dự của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã đạt được rất ít tiến bộ đối với các khoản đầu tư hiện có của họ ở Afghanistan và thậm chí còn chưa bắt đầu khai thác các khoáng chất đất hiếm của Afghanistan. Mặt khác, Bắc Kinh có thể được khuyến khích đầu tư vào Afghanistan chỉ để mở rộng một con đường huyết mạch kinh tế cho đất nước. Có lẽ Trung Quốc không cần một quốc gia bị bài xích, một Bắc Hàn khác, ở biên giới của mình.

Ngoài những lo ngại về khủng bố và an ninh, sự liên kết giữa ĐCSTQ và Taliban có thể có tác động kinh tế đối với việc thống trị các thị trường Trung Á và địa chính trị. Khi ảnh hưởng của Nga giảm dần trong khu vực, Ấn Độ hy vọng sẽ được hưởng lợi, lấp vào một vài khoảng trống. Năm 2016, Bắc Kinh đã thiết lập một căn cứ quân sự ở Tajikistan một thời gian ngắn để tiến hành các hoạt động chống lại lực lượng ly khai dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Bắc Kinh đã tăng cường can dự và ảnh hưởng ở Trung Á, nỗ lực chống lại các phong trào đòi độc lập của Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan để không gây mất ổn định cho khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này đã lấn át đầu tư của Ấn Độ, và Bắc Kinh hy vọng sẽ nới rộng khoảng cách này.

Bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ  đang khai thác việc Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan như một tín hiệu về việc làm suy giảm quyền bá chủ, quân sự và địa chính trị của Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã cảnh báo cả Đài Loan và Ấn Độ rằng Hoa Kỳ có thể không còn là một đồng minh đáng tin cậy. Cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng nói tương tự rằng “ông Biden đã giáng một đòn vào an ninh quốc gia của Ấn Độ” và rằng kết quả là mối liên kết giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ sẽ chịu ảnh hưởng.

Tuy nhiên, tờ Times of India, một kênh truyền thông tin tức hàng ngày bằng tiếng Anh của Ấn Độ, đã giải thích việc rút quân của Hoa Kỳ hơi khác một chút, nói rằng Taliban đã không chiến thắng trong một cuộc chiến. Họ chỉ đơn giản là “đã khai thác các chính sách sai lầm của một tổng thống Mỹ thiếu năng lượng,” hơn là chính Hoa Kỳ. Liệu Delhi có quay lưng lại với Hoa Kỳ hay không vẫn còn phải chờ xem. Ấn Độ có hơn 3 tỷ dollar đầu tư vào Afghanistan, mà nước này có thể muốn gìn giữ.

Có lẽ Ấn Độ và Hoa Kỳ có thể cho phép một Afghanistan do Taliban lãnh đạo, miễn là họ chấm dứt được chủ nghĩa khủng bố trong khu vực. Ấn Độ cũng là một đấu thủ kinh tế lớn. Vì vậy, Taliban có thể sẵn sàng tiếp xúc về mặt kinh tế với Ấn Độ như một cách để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden đã chuyển chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ ra khỏi việc xây dựng quốc gia ở hải ngoại, thay vào đó, tập trung vào việc duy trì vị trí ưu thế của Hoa Kỳ, trước Trung Quốc và Nga. Như vậy, Hoa Kỳ có thể hài lòng với một Afghanistan ổn định và chấm dứt chủ nghĩa khủng bố quốc tế, thay vì lo lắng về các vấn đề nội bộ của Afghanistan hoặc liệu Trung Quốc và Pakistan có duy trì phần lớn ảnh hưởng ở nước này hay không.

Bất chấp những cảnh báo của Bắc Kinh đối với các đồng minh của Hoa Kỳ, không có lý do gì để tin rằng việc rút quân khỏi Afghanistan báo hiệu sự giảm bớt các cam kết của Hoa Kỳ với các đối tác và đồng minh, bao gồm cả Ấn Độ. Ấn Độ hiện đang tham gia Đối thoại An ninh Tứ giác, một trong những chiến lược chính do Hoa Kỳ dẫn đầu để kiềm chế Bắc Kinh.

Nhiệm vụ tạo ra một nền kinh tế vận hành và một xã hội dân sự ổn định ở Afghanistan hiện sẽ rơi vào tay Pakistan và Trung Quốc, cả hai quốc gia này đều không có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực này. Có thể nhiệm vụ đó sẽ là một nhiệm vụ tốn kém và khó nhọc đối với họ, cung cấp cho Hoa Kỳ và Ấn Độ nhiều cơ hội hơn để lập kế hoạch và điều động.

RELATED ARTICLES

Tin mới