Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinCựu Đặc khu trưởng Hồng Kông và 'trò bùa' thông tin về...

Cựu Đặc khu trưởng Hồng Kông và ‘trò bùa’ thông tin về Biển Đông

Ông Đổng Kiến Hoa, cựu Đặc khu trưởng Hồng Kông – người vừa có tên trong “Hồ sơ Pandora”, đang đứng đầu các tổ chức tham gia định hướng thông tin phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc, bao gồm vấn đề Biển Đông.

Ông Đổng Kiến Hoa là một Phó chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc AFP

Mới đây, tờ South China Morning Post đưa tin ông Đổng Kiến Hoa và một cựu Đặc khu trưởng Hồng Kông khác là ông Lương Chấn Anh đều có tên trong “Hồ sơ Pandora”.

Trước đó, hồi tuần qua, các tờ báo như The Washington Post, The Guardian, Le Monde đồng loạt đăng bài liên quan “Hồ sơ Pandora”. Đây là hồ sơ tập hợp gần 12 triệu tài liệu rò rỉ từ 14 công ty trên thế giới, được Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) chia sẻ với các đối tác truyền thông để bắt đầu triển khai cuộc điều tra trên quy mô lớn.

Nhà tài phiệt thân thiết với đại lục

Qua đó, hồ sơ cáo buộc nhiều nhân vật giàu có và thế lực ở nhiều nước đã sử dụng nhiều cách thức, đặc biệt là đầu tư bất động sản bí mật ở nước ngoài, nhằm dễ dàng lách thuế, với tổng giá trị được cho là có thể lên đến hàng nghìn tỉ USD. Nằm trong số này, cựu Đặc khu trưởng họ Đổng cùng gia đình được cho là có liên quan ít nhất 72 tài khoản đầu tư thuộc 7 công ty ở nước ngoài, có tổng giá trị nhiều triệu USD.

Ông Lương Chấn Anh đã bác bỏ các cáo buộc, còn ông Đổng Kiến Hoa tuyên bố không bình luận về thông tin liên quan trong “Hồ sơ Pandora” vì không nằm trong giai đoạn ông giữ vị trí lãnh đạo xứ Hương Cảng.

Là Đặc khu trưởng đầu tiên sau khi Hồng Kông được trả về cho Trung Quốc, ông Đổng giữ vị trí này trong 2 nhiệm kỳ, từ năm 1997 – 2005. Trước đó, ông là nhà tài phiệt trong ngành tàu biển, rồi tham gia chính trị ở Hương Cảng. Tài phiệt Đổng cũng được cho là có quan hệ thân thiết với nhiều nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh.

Năm 2005, sau khi rời vị trí Đặc khu trưởng Hồng Kông, ông Đổng Kiến Hoa trở thành Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp Trung Quốc, tương tự với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của Việt Nam). Từ đó đến nay, ông Đổng vẫn giữ vị trí vừa nói và dự kiến kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2023.

Vận động hành lang cho lợi ích của Bắc Kinh

Tháng 10.2007, ông Đổng thành lập China-US Exchange Foundation (CUSEF, Quỹ trao đổi Mỹ – Trung) có trụ sở chính đặt tại Hồng Kông, nhưng lại có nhiều hoạt động nghiên cứu với một số tổ chức tại Mỹ.

Cuối năm ngoái, Quỹ Jamestown (Mỹ), chuyên nghiên cứu và phân tích chính sách quốc tế, đăng tải một báo cáo cho rằng CUSEF là một phần trong các chương trình giúp Trung Quốc gây ảnh hưởng lên cộng đồng quốc tế, thông qua các hoạt động nghiên cứu, nhằm phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh. Trong đó có vấn đề Biển Đông. Theo nghiên cứu của Quỹ Jamestown, một trong các thành viên chủ chốt của CUSEF là ông Lưu Trường Lạc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành của Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông), từng giữ vị trí cán bộ tuyên truyền của quân đội Trung Quốc.

Tương tự, Viện Nghiên cứu Hoover (Mỹ) cũng đăng tải báo cáo cho thấy CUSEF và bản thân ông Đổng đang bỏ ra những khoản tiền lớn để tìm cách tham gia các hoạt động nghiên cứu nhằm định hướng các vấn đề theo quan điểm của Bắc Kinh. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hoover, ông Đổng có nhiều lần viếng thăm các trung tâm nghiên cứu chính sách của Mỹ và gặp trực tiếp các chuyên gia tại đây. Qua đó, cựu Đặc khu trưởng Hồng Kông từng đề xuất các chuyên gia Mỹ phối hợp cùng chuyên gia Trung Quốc để viết bài đánh giá, phân tích tình hình Biển Đông.Thông qua Tập đoàn truyền thông BLJ, CUSEF tổ chức chuyên san trực tuyến mang tên China-US Focus chuyên đăng tải các bài phân tích về quan hệ quốc tế. China-US Focus thường xuyên xuất bản các bài viết của một số chuyên gia có nội dung sai trái về vấn đề Biển Đông. Điển hình trong số này có bà Nong Hong, ông Ngô Sĩ Tồn lần lượt là chuyên gia cấp cao và Chủ tịch của Viện Nghiên cứu quốc gia Nam Hải (Nam Hải là tên Trung Quốc gọi Biển Đông – NV). Theo tờ Foreign Policy, CUSEF chi trả gần 30.000 USD/tháng để BLJ hỗ trợ vận hành chuyên san China-US Focus.

Bản thân ông Đổng Kiến Hoa cũng từng có một số bài viết về Biển Đông được xuất bản trên China-US Focus với nội dung sai trái rằng “Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với quần đảo Trường Sa”, đồng thời ngụy biện rằng Bắc Kinh phải có hành động vì Việt Nam quân sự hóa các thực thể tại quần đảo này. Ở một số sự kiện, ông Đổng cũng từng phát biểu tương tự và thông tin sai lệch về tình hình Biển Đông.

Theo tờ Foreign Policy, CUSEF của ông Đổng Kiến Hoa tìm cách tiếp cận các cơ quan nghiên cứu để tạo ra ảnh hưởng, tác động lên chính sách ở Mỹ, định hướng dư luận theo quan điểm của Bắc Kinh. Quỹ này đã chi hàng triệu USD để thuê công ty Mỹ vận động hành lang ở Washington. Tất nhiên, đại diện CUSEF đã bác bỏ các thông tin được đăng tải bởi Foreign Policy, đồng thời khẳng định CUSEF là một tổ chức độc lập về chính trị.

Ngoài CUSEF, ông Đổng còn thành lập Quỹ Hồng Kông của chúng ta (Our Hong Kong Foundation) vào năm 2014. Quỹ này hoạt động như một cơ quan nghiên cứu chính sách và cũng từng đưa ra phân tích mang tính đổ lỗi liên quan vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới