Saturday, December 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLàm gì để đánh thức kinh tế TP. HCM sau đại dịch?

Làm gì để đánh thức kinh tế TP. HCM sau đại dịch?

Kinh tế Việt Nam đang đối diện với thách thức lớn nhất trong 30 năm qua khi các làn sóng Covid-19 liên tục ập đến và kéo dài. TP. HCM từ nơi có nền kinh tế năng động nhất cả nước nay trở thành “tâm dịch” khốc liệt. Gian nan vẫn còn phía trước nhưng không ngăn được khát vọng rằng đầu tàu kinh tế này sẽ lại vững chãi ra khơi.

Cái giá phải trả về kinh tế

Để ứng phó với sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nước ta chọn cách đóng cửa. Tuy nhiên, thời gian giãn cách xã hội ở một số địa phương lên tới 2-3 tháng đã khiến nền kinh tế chịu những thương tổn nặng nề.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM (HUBA), cho biết thu ngân sách của thành phố trong những tháng xảy ra dịch bệnh đã giảm một nửa. Tỷ lệ người nghèo cần trợ cấp lên đến 40%—50% dân số TP. HCM. Đặc biệt, trên 60% các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải ngừng hoạt động, kéo theo số người lao động mất việc ngày càng gia tăng.

Cung – cầu đang mất cân đối, hàng hoá tiêu dùng của cả nước nói chung, TP. HCM nói riêng đôi lúc phải nhập khẩu. Nguyên do là các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thiếu hụt nguồn lao động khiến các doanh nghiệp trong nước không thể đáp ứng năng lực sản xuất. Dự báo về bức tranh GDP của TP. HCM trong năm nay, nhiều chuyên gia nhận định khả năng cao sẽ ở mức -2,8%.

Song, Chủ tịch HUBA cho rằng, chỉ số này phụ thuộc rất nhiều vào những chuyển biến của thành phố trong quý IV. Bởi, ở quý I và II, TP. HCM vẫn tăng trưởng rất tốt và chỉ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào các tháng 6, 7, 8, 9. Từ tháng 10 đến cuối năm, ông Dũng đánh giá các doanh nghiệp sẽ đạt được 50%-70% năng lực sản xuất.

Đóng góp vào ngân sách cả nước gần 30%, sự sụt giảm của TP. HCM dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng đối với kinh tế quốc gia. Nhiều dự báo cho rằng GDP của cả nước trong năm nay chỉ khoảng 3-4%, chênh lệch rất lớn với mục tiêu 6,5% đã đề ra.

“Ngoài tác động trực tiếp trên, sẽ còn những tác động gián tiếp vì kinh tế TP. HCM có sức lan toả đến toàn bộ khu vực. Đầu tàu kết nối bị đứt gãy, kinh tế của khu vực và các tỉnh lân cận cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiệu ứng domino này sẽ làm xấu hơn nền kinh tế của cả nước”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đừng mở cửa rồi lại đóng

Mở cửa trở lại là sự trông ngóng của toàn dân, toàn doanh nghiệp tại thành phố. Song, Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng đề cao tầm quan trọng của tính bền vững, tránh mở rồi lại đóng. “Doanh nghiệp TP. HCM nói riêng, doanh nghiệp cả nước nói chung không thể chịu nổi việc đóng mở nhiều lần nữa. Nếu mở cho bằng được mà không cân nhắc kỹ sẽ tự làm hại chính mình. Chúng ta đã chịu đựng được đến đây rồi thì phải quyết sách cho đúng để đảm bảo an toàn”, ông Dũng nói và hi vọng với độ phủ vắc xin rất cao của thành phố (mũi 1 trên 91%, mũi 2 trên 25%) và tinh thần trách nhiệm, ý thức tự bảo vệ mình của người dân, từ tháng 10, TP. HCM sẽ có những chủ trương nới lỏng để chuyển đổi trạng thái từng bước một.

Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn phải chống chọi với muôn trùng khó khăn. Thiếu vốn, nguồn nhân lực, tìm cách phục hồi chuỗi cung ứng, tổ chức sản xuất lại theo điều kiện mới… là những thách thức lớn đặt ra khi doanh nghiệp đã sức cùng lực kiệt.

“Thậm chí, một bộ phân doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục sản xuất được nữa. Nếu vậy sẽ lại ảnh hưởng đến những bộ phận khác vì nằm trong chuỗi sản xuất. Tuỳ theo mức độ kiểm soát dịch bệnh, nhưng có lẽ phải mất khoảng 2 năm nữa các doanh nghiệp và kinh tế TP. HCM mới có thể phục hồi”, ông Dũng nhận định.

5 giải pháp phục hồi kinh tế

Thử thách và gian nan còn nhiều phía trước, nhưng TP. HCM luôn là thành phố trẻ, năng động và sáng tạo. Vẫn còn đó những dư địa của các dự án đầu tư đã được chuẩn bị, có điều kiện nhưng chưa kịp khai thông. Nguồn đầu tư công của thành phố nếu được tập trung sẽ kích thích nền kinh tế. TP. HCM còn là nơi hội nhập quốc tế, cửa ngõ giao thương, chiếm 30% cảng xuất khẩu của cả nước.

Các doanh nghiệp sở hữu năng lực đổi mới, sáng tạo, vượt lên trên khó khăn thách thức. Và hơn hết là sự đoàn kết, hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền với doanh nghiệp nơi đây. Những điều này là vốn liếng vô cùng quan trọng để “đánh thức” đầu tàu kinh tế của cả nước sau chuỗi ngày kiệt quệ.

Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng kì vọng chính quyền TP. HCM và Chính phủ thực hiện một cách mạnh mẽ, quyết liệt 5 nhóm giải pháp để giúp thành phố nhanh chóng phục hồi.

Một là nhà nước cần tạo điều kiện để các công ty tiếp cận nguồn vốn mới với chi phí vay thấp nhất.

Hai là thành phố cần đồng hành với các doanh nghiệp để thu dụng lao động, mời họ từ quê trở lại làm việc, đồng thời đào tạo nhân lực để phù hợp với những điều kiện của tình hình mới, trong đó có việc hỗ trợ tiêm vắc xin.

Ba là đào tạo doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ để thích ứng với tình hình mới.

Bốn là việc lưu thông toàn quốc phải được khai thông toàn diện, không được để mỗi nơi một hình thức “ngăn sông cấm chợ”.

Năm là giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

“Trong giai đoạn này, doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ của nhà nước như giảm giá điện, giá nước, chi phí cảng biển, kho bãi, hạ tầng, thu phí đường bộ… để giảm thiểu chi phí sản xuất, từ đó nâng sức cạnh tranh, tạo điều kiện phục hồi”, ông Dũng nêu.

Về phía hiệp hội, ông Chu Tiến Dũng cam kết HUBA sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, lắng nghe và tiếp thu đầy đủ những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp. Trong giai đoạn thách thức này, hiệp hội gắn kết các doanh nghiệp tạo thành những chuỗi cung ứng, hợp tác, chia sẻ vốn với nhau.

Hiệp hội còn là cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng, thị trường; tổ chức các hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước. Đồng thời, HUBA đã đang và sẽ tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm thông tin, kiến thức để có thể tái cấu trúc, xây dựng chiến lược phát triển tốt hơn.

“Doanh nghiệp nước ngoài có thể chuyển đi nơi khác, nhưng doanh nghiệp trong nước không có lựa chọn nào ngoài con đường yêu nước, tin tưởng vào nhà nước để tiến lên phía trước. Chúng ta có một không gian rộng mở với thị trường thế giới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã trưởng thành hơn rất nhiều… chúng ta hoàn toàn có thể tự tin rồi TP. HCM phục hồi mạnh mẽ, vực dậy nền kinh tế của cả nước”, ông Dũng lạc quan.

RELATED ARTICLES

Tin mới