79/646 doanh nghiệp nhà nước báo cáo lỗ với tổng số lỗ lên tới 15.412 tỉ đồng. Có tập đoàn, tổng công ty báo cáo lỗ hơn 1.000 tỉ đồng.
Vốn nhà nước đầu tư gần 1,6 triệu tỉ đồng
Báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2020 cho biết, cả nước có 807 doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước, bao gồm: 459 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 187 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn và 161 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn.
Tính tới hết năm 2020, tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại 807 doanh nghiệp là hơn 1,597 triệu tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2019. Trong đó, doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là hơn 1,445 triệu tỉ đồng và các doanh nghiệp còn lại là 151.522 tỉ đồng.
Tổng doanh thu đạt 1,986 triệu tỉ đồng, giảm 12% so với năm 2019. Lãi phát sinh trước thuế đạt 162.904 tỉ đồng, giảm 22% so với năm 2019.
Báo cáo của Chính phủ cho hay có 119/807 doanh nghiệp (chiếm 15% tổng số doanh) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 15.740 tỉ đồng. Trong đó, có 79 doanh nghiệp nhà nước (nhà nước nắm giữ từ 50% vốn trở lên) với tổng số lỗ phát sinh là 15.412 tỉ đồng (chiếm 97,8%).
Có 169/807 doanh nghiệp (chiếm 21% tổng số doanh nghiệp) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 33.750 tỉ đồng. Trong đó, có 124 doanh nghiệp nhà nước với tổng số lỗ lũy kế là 30.935 tỉ đồng.
5 tập đoàn, tổng công ty lỗ hơn 3.000 tỉ đồng
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, với nhóm 73 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ – con, báo cáo của Chính phủ cho biết, có 5 tập đoàn, tổng công ty (bao gồm số lỗ phát sinh của công ty mẹ và công ty con của tập đoàn, tổng công ty) là 3.262 tỉ đồng.
Cụ thể, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ phát sinh 1.656 tỉ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ phát sinh 1.182 tỉ đồng, Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ phát sinh là 77 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV 622 – Bộ Quốc phòng lỗ phát sinh 29 tỉ đồng và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn lỗ phát sinh 318 tỉ đồng.
Có 11 tổng công ty, tập đoàn nhà nước còn lỗ lũy kế là 11.464,2 tỉ đồng và 7 công ty mẹ còn lỗ lũy kế hơn 6.000 tỉ đồng.
Cụ thể, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ lũy kế 5.392,8 tỉ đồng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ lũy kế 3.170,9 tỉ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ 1.257,3 tỉ đồng, Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 848,5 tỉ đồng, Tổng công ty 15 lỗ lũy kế 655 tỉ đồng, Tổng công ty Du lịch Hà Nội lỗ 46,9 tỉ đồng, Tổng công ty Thái Sơn lỗ lũy kế 26,7 tỉ đồng, Công ly TNHH MTV 622 – Bộ Quốc phòng lỗ lũy kế 23,3 tỉ đồng, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn lỗ lũy kế 21 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Đầu tư và PTNN Hà Nội lỗ lũy kế 17,2 tỉ đồng, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô lỗ lũy kế 4,6 tỉ đồng.
Với 386 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ở các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, có 44 doanh nghiệp có lỗ phát sinh lên tới 153 tỉ đồng. 78/386 doanh nghiệp độc lập còn có lỗ lũy kế năm 2020 với số lỗ lên tới 1.733 tỉ đồng.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam lỗ phát sinh 11.178 tỉ đồng
Với 187 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, báo cáo của Chính phủ cho hay, có tới 30 doanh nghiệp báo cáo lỗ phát sinh với tổng số lỗ 12.003 tỉ đồng.
Trong đó, một số doanh nghiệp có vốn nhà nước có số lỗ phát sinh theo báo cáo họp nhất lớn như Tổng công ty Hàng không Việt Nam lỗ phát sinh 11.178 tỉ đồng, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (Đài Truyền hình Việt Nam) lỗ phát sinh 265 tỉ đồng, Tổng công ty Lương thực Miền nam lỗ phát sinh 210 tỉ đồng, Tổng công ty cổ phần Xây dựng và công nghiệp Việt Nam lỗ phát sinh 154 tỉ đồng, Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp lỗ phát sinh 102 tỉ đồng, Công ty Cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình lỗ phát sinh 20 tỉ đồng, Công ty cổ phần Giày Thượng Đình lỗ phát sinh 14 tỉ đồng.
Theo báo cáo hợp nhất, có 35/187 doanh nghiệp (chiếm 19%) với tổng số lỗ lũy kế là 17.739 tỉ đồng.
Ở các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn, báo cáo Chính phủ cũng cho biết, có 39/161 doanh nghiệp báo lỗ với tổng số lỗ phát sinh là 322 tỉ đồng. Bên cạnh đó, 44/161 doanh nghiệp lỗ lũy kế 2.809 tỉ đồng.