Chưa qua chuyện tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut (SSN-22) của Mỹ va phải “vật thể lạ” khi đang hoạt động gần khu vực quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam), thì mới đây, lại chuyện Trung Quốc thả “cá đuối do thám” xuống biển.
“Cá đuối do thám của Trung Quốc đang được thả xuống Biển Đông
Bắc Kinh quá hà tiện thông tin, chỉ rò rỉ chút ít rằng: “Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Tây Bắc (NWPU) ở Tây An, miền Trung nước này, đã hoàn thành cuộc thử nghiệm robot sinh học có hình dáng, cách bơi giống như cá đuối. Đây là thử nghiệm ngoài biển khơi đầu tiên của robot này trong khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông”.
Dù là thử nghiệm, nhưng thử nghiệm tại Biển Đông thì sao dư luận có thể không lo ngại. Thêm nữa, thông tin về thử nghiệm diễn ra sau vụ tàu ngầm tấn công hạt nhân Mỹ SSN-22 bị vỡ mũi vì cái gọi là “vật thể lạ”, nên dư luận càng phải chú ý. Hơn cả chú ý, còn phải cố phân tích để trả lời câu hỏi: Đi liền với nó, đằng sau nó, là chuyện gì?
Loại robot sinh học nêu trên được các nhà khoa học Trung Quốc theo đuổi từ vài năm gần đây, nhưng gần như bí mật. Ngoài trường Đại học Bách khoa Tây Bắc (NWPU) nêu trên nghiên cứu, còn có một vài trung tâm nghiên cứu hàng đầu khác của Trung Quốc được giao nhiệm vụ. Robot sinh học vừa được “thả” của NWPU có trọng lượng 470 kg, sải cánh dài 3m, lặn sâu được tới 1.025m.
Thế giới, nhiều quốc gia nghiên cứu, phát triển loại robot sinh học. Có thể kể, chương trình Manta Ray của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến Mỹ (DARPA), dự án Raydrive của Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh và chương trình MantaDroid của các nhà khoa học Singapore. Tất cả các quốc gia đều khẳng định, mục đích nghiên cứu, phát triển robot sinh học biển là phục vụ nghiên cứu đại dương. Tuy nhiên, giải thích chỉ là giải thích. Còn về dư luận, đa phần cảm thấy thật khó thuyết phục. Thế nên dư luận hướng phán đoán vào việc những chú “cá đuối” nhân tạo đó phục vụ cho các mục đích quân sự. Khả nghi càng tăng thêm, nếu người “thả” cá là Trung Quốc và khu vực “thả” là Biển Đông.
Đừng trách cộng đồng quốc tế và dư luận định kiến.
Mọi sự có lý do của nó.
Ai cũng biết, Trung Quốc là là chủ nhân yêu sách cái gọi là “đường 9 đoạn” ngang ngược. Ngang ngược tới mức, “đường 9 đoạn” này nuốt tới 85% Biển Đông; vì thế, thay vì gọi là “đường 9 đoạn”, cộng đồng quốc tế thường mỉa mai gọi là “đường lưỡi bò”.
Để hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc, bấy lâu nay, như một kẻ phát cuồng, tìm đủ mọi cách, làm đủ mọi điều để thỏa mãn lòng tham, bất chấp sự phê phán, phản đối, khinh rẻ của cộng đồng quốc tế; bất chấp cả phán quyết của Tòa trọng tài PCA năm 2016. Họ cưỡng chiếm trái phép các đảo, đá của Việt Nam. Họ dùng thủ đoạn, lừa chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough/ đảo Hoàng Nham từ Philippines. Họ bồi đắp, quân sự hóa các thực thể chiếm được. Họ tổ chức vô hồi các cuộc tập trận, kể cả thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Họ cho tàu thực hiện cái gọi là “khảo sát địa chấn” tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia. Họ phản đối, đấu khẩu choang choác với Mỹ, Anh, Pháp, Úc…- những quốc gia đưa tàu chiến tới Biển Đông thực hiện tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế, cho rằng, như thế là xâm phạm lợi ích chủ quyền của Trung Quốc…
Đồng thời với các các hoạt động quân sự hung hăng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc chắc chắn còn âm thầm, bí mật tiến hành các hoạt động trinh sát dưới đáy biển. Vụ việc tàu ngầm tấn công hạt nhân của Mỹ va phải “vật thể lạ” ngày 2/10 khiến dư luận quốc tế củng cố thêm phán đoán trên, và cho rằng: mặc cho Mỹ chưa chính thức xác nhận, “vật thể lạ” nhiều khả năng là một thiết bị do thám đáy biển phục vụ mục đích quân sự của Bắc Kinh.
Chưa hết ầm ĩ câu chuyện “vật thể lạ”, thì nay, lại thêm vụ “cá đuối do thám”. Mới càng thấy vấn đề Biển Đông phức tạp như thế nào. Trong hoàn cảnh đó, cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia duyên hải liên quan trực tiếp vấn đề Biển Đông không thể không than thở: chẳng biết sắp tới, Trung Quốc rồi sẽ bày thêm những trò gì nữa?