Thursday, November 7, 2024
Trang chủBiển nóngSắp hết hạn giá FIT điện gió: Bài học từ châu Âu

Sắp hết hạn giá FIT điện gió: Bài học từ châu Âu

Theo chuyên gia, việc xác định tỷ trọng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… trong cơ cấu nguồn điện phải xuất phát từ an ninh năng lượng.  

Đến 22/10/2021, có 28/106 nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại (COD)

Chỉ còn vài ngày nữa sẽ hết hạn giá ưu đãi (giá FIT) cho điện gió, và các dự án điện gió vận hành từ ngày 1/11/2021 sẽ không còn được hưởng mức giá này nữa.

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD). Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là 5.655,5 MW.

Tuy nhiên, tính đến ngày 22/10, mới có 28 nhà máy điện gió với tổng công suất 1.247,4 MW được công nhận vận hành thương mại COD.

Ở thời điểm này, hàng loạt doanh nghiệp đang đứng ngồi không yên. Suốt nhiều tháng qua, các nhà đầu tư điện gió và UBND nhiều tỉnh, thành đã gửi kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công thương xin lùi thời hạn COD. Tháng 9/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có văn bản yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu đề xuất này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức.

Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia năng lượng độc lập – TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) cho biết, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đã khẳng định sẽ không báo cáo Chính phủ việc gia hạn cơ chế giá FIT cho điện gió. Tuy nhiên, với những ý kiến đề xuất của các tỉnh và các chủ đầu tư có dự án đang xây dựng, ông cho rằng Bộ Công thương phải xem xét đến các tác động khiến dự án không kịp đưa vào vận hành để có cơ chế giải quyết.

“Bộ Công thương phải khảo sát, nghiên cứu từng trường hợp để phân loại, tránh “đỏ, đen” lẫn lộn. Như vậy, không có nghĩa dự án nào “chạy” được thì cho, mà phải tạo sự công bằng.

Chẳng hạn, có trường hợp dự án chỉ còn vài ngày nữa được nghiệm thu mà để lỡ, không cho vận hành thương mại thì không đáng. Ngược lại, có thể có trường hợp dự án gian lận ngay từ đầu, “tay không bắt giặc” thì chắc chắn không thể công nhận”, TS Ngô Đức Lâm nói và cho rằng việc xem xét này Bộ Công thương có thể thay mặt Nhà nước giải quyết được.

“Nguyên tắc thì vẫn phải đảm bảo, tuy nhiên phải nghiên cứu kỹ từng trường hợp. Trường hợp nào có khả năng giải quyết được trong phạm vi cho phép thì phải làm”, ông Lâm nhấn mạnh, đồng thời khẳng định không cần lo ngại những chuyện này sẽ ảnh hưởng đến đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bởi lẽ, đầu tư là cả chính sách lâu dài, 5 năm, 10 năm, các nhà đầu tư đã nghiên cứu kỹ.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng nhắc lại, bản thân các nhà đầu tư năng lượng tái tạo không thể chỉ chăm chăm tính xây dựng nhà máy rồi nối lưới, bán điện kiếm lời.

“Không nối lưới bán điện được cho EVN không phải là hết. Nhà đầu tư có thể bán điện cho người dân địa phương, cho các cơ sở sản xuất xung quanh khu vực nhà máy của mình, đó là chuyện hết sức bình thường. Cùng với đó, nhà đầu tư phải chú ý đến vấn đề lưu trữ năng lượng, vốn chưa được các nhà đầu tư coi trọng”, TS Ngô Đức Lâm nêu rõ.

Ông nhắc lại những tranh cãi thời gian qua liên quan đến năng lượng tái tạo, nhất là câu chuyện tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện bao nhiêu là hợp lý.

Theo vị chuyên gia, vấn đề này phải xuất phát từ yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng. Muốn an ninh năng lượng được đảm bảo, trước hết phải làm quy hoạch năng lượng tổng thể, trong đó tính toán điện gió, điện mặt trời, điện than, điện khí… chiếm tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện bao nhiêu là phù hợp để đảm bảo được an ninh năng lượng. Một khi chưa có quy hoạch năng lượng tổng thể thì sẽ còn tranh cãi.

TS Ngô Đức Lâm không đồng tình với quan điểm chuyển đổi hết sang năng lượng tái tạo là tốt nhất. Là người ủng hộ năng lượng tái tạo, nhưng ông Lâm cho rằng quan điểm ấy không hợp lý, còn nhiều yếu tố khác trong đó.

Ông dẫn chứng, trước đây khi Việt Nam phát triển nhiệt điện than, nhiều ý kiến nói rằng nhà máy điện than rải từ Bắc chí Nam, nhà đầu tư Trung Quốc thao túng… Nhưng thực tế bây giờ, điện gió, điện mặt trời mới phát triển dày đặc từ Bắc chí Nam, từ cao nguyên tới bờ biển. Hiện nay, Trung Quốc hạn chế nhiệt điện than, chuyển sang phát triển năng lượng tái tạo và xuất khẩu, họ đầu tư vào rất nhiều dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam, bán máy móc, thiết bị, thậm chí đưa cả lao động sang Việt Nam làm việc…

“Đây là những vấn đề phải lo, vì nó có liên quan đến an ninh. Ấy là chưa kể đến vấn đề công nghệ, vận hành hệ thống sao cho đảm bảo an toàn. Năng lượng tái tạo thiếu ổn định thì phải có hệ thống lưu trữ, lưu trữ thế nào thì đạt yêu cầu, đảm bảo an toàn… Nếu chưa đạt được yêu cầu đó thì không cho phép làm”, ông nói và cho rằng trong các quy định pháp luật về năng lượng tái tạo phải quy định rõ những vấn đề này.

“Đây là khoa học và phải dựa trên quyền lợi đất nước để tiến hành, không thể duy ý chí hay duy tình được”, ông nhấn mạnh.

Vị chuyên gia năng lượng độc lập cũng nhắc tới cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu và Trung Quốc thời gian qua để thấy rằng nền kinh tế trong quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng, từ dựa trên các nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo sẽ tiềm ẩn rất rủi ro, bất ổn.

“Cái gì mới bao giờ cũng nhiều rủi ro. Do đó, phải đi từng bước và phù hợp với điều kiện thực tế, hoàn cảnh của từng quốc gia. Có quốc gia không có điều kiện phát triển năng lượng tái tạo thì phải phát triển nguồn năng lượng khác phù hợp. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Đây là vấn đề dân sinh, trong trường hợp người dân không chịu được thì Nhà nước phải có chính sách như thế nào… Đó là những vấn đề mà người làm luật phải xác định từ trước”, TS Ngô Đức Lâm cho biết và một lần nữa cho rằng phải sửa đổi toàn bộ Luật Điện lực, trong đó cần dành một vài chương về năng lượng tái tạo, thậm chí nếu cần thì tách ra làm luật riêng về năng lượng tái tạo.

RELATED ARTICLES

Tin mới