Thursday, November 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiAukus “bổ đôi” ASEAN

Aukus “bổ đôi” ASEAN

AUKUS là một trong những sự kiện quân sự đáng quan tâm nhất trong thời gian gần đây. Nhiều người hy vọng, cấu trúc an ninh tay ba này sẽ kiềm chế Trung Quốc. Nhưng cũng không ít người lo lắng: vì nó, ASEAN sẽ càng thêm phân hóa lập trường trong vấn đề Biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ủng hộ hiện diện quân sự phương Tây ở Biển Đông

Sau vài tháng, sự giận dữ của Pháp về việc mất thỏa thuận về bản “hợp đồng thế kỷ”, trị giá tới 37 tỷ USD đóng tàu ngầm cho Australia đang có chiều hướng nguôi dần. Nguôi dần bởi thời gian. Nguôi dần bởi sự đè lấp của các sự kiện mới phát sinh hằng ngày trong thế giới hiện đại, như nguy có tái diễn một làn sóng dịch Covid-19 mới. Nguôi dần bởi những lời trần tình, trấn an, vỗ về của “bộ tam” Aukus với Paris…

Nhưng, Pháp “hạ hỏa” thì các nước ASEAN lại bắt đầu lo lắng khi phán đoán một cách đầy nhạy cảm về những tác động của Aukus với người bạn láng giềng phía Bắc của mình, là Trung Quốc. Các nước ASEAN, dù có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông hay không, nhưng nằm trong khu vực biển giàu tiềm năng này, đều biết, phát biểu của lãnh đạo Mỹ, Anh, Australia nhấn mạnh luận điểm AUKUS hướng đến mục tiêu bảo vệ và giữ vững lợi ích chia sẻ của các bên ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bao la, nhưng trong đó, Biển Đông hạn hẹp hơn mới là trọng điểm của sự quan tâm.

Điều này càng có thể khẳng định thêm khi chú ý Tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định quan hệ đối tác AUKUS “dẫn dắt bởi những ý tưởng bền vững, cam kết chung với trật tự quốc tế dựa trên nền tảng luật pháp”. Không đề cập cụ thể, đích danh, nhưng các đại dương trên thế giới lâu nay, không Biển Đông thì là đâu, đang là khu vực “trật tự quốc tế dựa trên nền tảng luật pháp” có vấn đề, nói thẳng ra là bị chà đạp? Và kẻ chà đạp ngang ngược đó, chẳng nói ra, ai cũng biết, là Trung Quốc. Không thế mà, các nhà lãnh đạo phương Tây tuyên bố “chung chung” thế, Trung Quốc như vận ngay vào, cho rằng “bộ tam” kia nắm tay nhau để “đánh” mình. Và kết quả, Bắc Kinh như nhảy chồm chồm qua tuyên bố của ông Triệu Lập Kiên – người phát ngôn Bộ Ngoại giao, rằng thỏa thuận này là “cực kỳ vô trách nhiệm” và “phá hoại nghiêm trọng hòa bình cũng như ổn định của khu vực, đồng thời thúc đẩy chạy đua vũ trang”.

Thế nên, vốn đã phân tán trong quan điểm về sự hiện diện quân sự của phương Tây trên Biển Đông: Việt Nam, Singapore, Philippines thì ủng hộ, hoặc công khai, hoặc kín đáo; Malaysia, Indonesia thì hoài nghi, lưỡng lự, sự ra đời của Aukus càng làm cho mục tiêu cùng có tiếng nói chung giữa nhóm các quốc gia Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, lâu nay là nạn nhân gây hấn của Trung Quốc, trở nên khó khăn hơn.

Chứng minh cho nhận định trên, có thể căn cứ vào phản ứng của các quốc gia liên quan trực tiếp. Việt Nam thì gật đầu với Aukus một cách gián tiếp qua lời bà Lê Thu Hằng – người phát ngôn Bộ Ngoại giao, rằng “Chúng tôi cho rằng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới là mục tiêu chung của mọi quốc gia và các nước có trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu này”. Philippines, cùng với ủng hộ sự ra đời của AUKUS, còn nhấn mạnh: Trong bối cảnh các quốc gia ASEAN không có đủ năng lực quân sự để duy trì hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á, thì “việc nâng cao năng lực quân sự mới của Australia thông qua quan hệ đối tác an ninh 3 bên sẽ có lợi về lâu dài ngay cả đối với phía bên kia.”

Ngược lại với quan điểm của hai quốc gia được coi là “rắn nhất” chống lại yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, thì, tiếp theo quan điểm đã thể hiện trước đó lo ngại Aukus châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, gần đây, bộ trưởng ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah và ngoại trưởng Indonesia – ông Retno Marsudi, một lần nữa đã tuyên bố với báo chí: “Chúng tôi có quan điểm đồng thuận về vấn đề mới nhất trong khu vực liên quan tới việc một quốc gia láng giềng của chúng tôi đang chuẩn bị mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Dù quốc gia đó không sở hữu vũ khí hạt nhân, chúng tôi vẫn thấy quan ngại”.

Thế nên, có người mới cho rằng: cùng các tác động khác, Aukus hóa ra còn như nhát kiếm “bổ đôi” ASEAN trong lập trường về vấn đề Biển Đông vậy.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới