Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ trỗi dậy, siêu cường Mỹ lung lay

TQ trỗi dậy, siêu cường Mỹ lung lay

Trung tuần tháng 11 vừa qua đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung Quốc theo hình thức trực tuyến. Cũng như các cuộc gặp gần đây, những điểm bất đồng, mâu thuẫn khó có thể giải quyết, mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đều cố gắng kiềm chế, nói những điều tốt đẹp về hợp tác giữa hai nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp trực tuyến và trực tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ở TP New York – Mỹ hôm 23-9

Bao trùm lên cuộc hội đàm là vị thế của người đứng đầu quốc gia đông dân nhất thế giới đang trỗi dậy mạnh mẽ. Đó là thách thức lớn, thể hiện sự cạnh tranh gay gắt vai trò siêu cường của Trung Quốc đối với Mỹ. Đáng chú ý không phải là vấn đề ý thức hệ, hay phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, mà tình hình Biển Đông luôn được xem là vấn đề nóng bỏng gai góc nhất.

Thấy rõ tình hình đó, Mỹ càng ráo riết đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao ở khu vực Đông Nam Á. Mới đây, sau khi kết thúc cuộc họp của G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) tại Anh từ ngày 10 đến 12/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đến Đông Nam Á để thảo luận các vấn đề “nóng” tại khu vực. Ai cũng hiểu vấn đề “nóng” là Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động quân sự, lấn lướt các nước yêu thế trên Biển Đông.

Trong hàng loạt những vấn đề gai góc trong cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Biển Đông, lúc được công khai nói đến, khi hai bên cùng tảng lờ, vẫn nổi lên là một vấn đề đối đầu căng thẳng nhất. Sự căng thẳng bắt đầu rõ nhất kể từ khi Trung Quốc chính thức công khai hóa yêu sách “đường lưỡi bò”.

Mặc dù Tòa trọng tài Liên họp quốc đã bác bỏ đòi chủ quyền phi lý của Trung Quốc khi đòi 80% diện tích Biển Đông, nhưng Bắc Kinh vẫn phớt lờ. Đáng chú ý, những đòi hỏi phi pháp của Trung Quốc, trên thực địa đã rõ như lòng bàn tay, đó là những khu vực biển hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Philippines, Malaysia và một số quốc gia khác.

Trung Quốc cũng liên tục xây dựng các căn cứ quân sự hòng biến các thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Những căn cứ quân sự có cả cảng nước sâu và sân bay này sẽ trở thành bàn đạp để hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền, độc chiếm Biển Đông, không ngoại trừ việc sớm triển khai vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

Trước sự hung hăng của Trung Quốc, Mỹ không chỉ hướng tới lợi ích chiến lược toàn cầu, mà còn phải tìm cách bảo vệ lợi ích cốt lõi ở Biển Đông. Wasinghton ngày càng có ứng phó mạnh mẽ, quyết liệt để ngăn chặn âm mưu trước mắt và lâu dài cũng như những hành động chà đạp luật pháp quốc tế của Trung Nam Hải. Nhà Trắng đã xoay trục chiến lược từ châu Âu về Đại Tây Dương – Thái Bình Dương để ngăn chặn chiến lược “tằm ăn dâu” trên biển của Trung Quốc.

Trên thực địa, Mỹ triển khai “hoạt động tự do hàng hải” (FONOP), điều tàu khu trục mang tên lửa, tàu sân bay tuần tra sát vào các đảo, thực thể Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông nhằm bác bỏ tuyên bố đòi chủ quyền đơn phương của Trung Quốc đối với các thực thể này.

Sau khi gửi Công hàm tới Liên hợp quốc, từ tháng 8-2020 Bộ Thương mại Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với 24 công ty thuộc “danh sách đen” đã “giúp” quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông. Tiêu biểu là công ty con của Tập đoàn Kiến thiết Giao thông Trung Quốc; các doanh nghiệp viễn thông và một đơn vị của Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc.

Hành động kiên quyết nhất để ngăn chặn Trung Quốc làm mưa làm gió trên Biển Đông là, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 20/10 đã thông qua dự án luật mang tên “Đạo luật cấm vận Biển Đông và biển Hoa Đông 2021” (Dự luật S.1657), Dự án luật được Thượng Nghị sĩ Marco Rubio (Đảng Cộng hòa) và Thượng Nghị sĩ Ben Cardin (Đảng Dân chủ) bảo trợ. Dự án được thông qua sẽ cho phép cấm vận mọi cá nhân và thực thể Trung Quốc khi ngang nhiên áp đặt yêu sách biển và lãnh thổ phi pháp tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của Ngoại trưởng Blinken vào dịp cuối năm diễn ra không lâu sau khi chính quyền Tổng thống Biden công bố “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF)” mới, dự kiến bắt đầu thực hiện vào đầu năm 2022. Với IPEF, theo các nhà phân tích, Tổng thống Biden đã bổ sung một yếu tố quan trọng vào chiến lược đối phó ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở châu Á, vốn đã bị sứt mẻ kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tuyên bố chủ đích là bàn thêm, làm sâu sắc thêm về “khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” như thế, nhưng sự thật vẫn là lá bài của Wasinghton nhằm ngăn chặn cái vòi bạc tuộc Trung Quốc trên Biển Đông.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới