Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBàn cờ chiến lược Trung-Đài-Mỹ

Bàn cờ chiến lược Trung-Đài-Mỹ

Còn hai tuần nữa là bước sang năm 2022. Chính quyền và người dân trên hòn đảo Đài Loan được ví là xác thuộc Trung Quốc nhưng hồn thì không ai có thể nắm giữ được. Trung Quốc từ lâu đã hung hăng tuyên bố sẽ tấn công toàn diện Đài Loan vào năm 2025.

Từ nay đến cái mốc định mệnh kia còn ba năm nữa. Ba năm ấy vật đổi sao dời, chưa biết những gì sẽ xảy ra. Bắc Kinh liệu có dám nhắm vào đối phương bằng súng đạn? Và Mỹ sẽ ngó lơ hay lao vào cuộc chiến? Nhật Bản và Hàn Quốc – đồng minh Mỹ- sẽ phản ứng ra sao? Câu hỏi không còn xa nữa mà phải tư duy, trả lời ngay từ bây giờ.

Mới đây, một bản Báo cáo của cơ quan phòng vệ Đài Loan đã đưa ra kịch bản có thể xảy ra nếu Trung Quốc tấn công toàn diện hòn đảo này trong vài ba năm tới. Theo Báo cáo, Trung Quốc có thể mở một cuộc tấn công bất ngờ bằng cách biến các cuộc tập trận chung gần hòn đảo thành các hoạt động tác chiến quy mô toàn diện. (Tờ South China Morning Post đưa tin hôm 13/12).

Cơ quan phòng vệ xứ Đài cảnh báo: Quân đội Trung Quốc (PLA) nhiều khả năng sẽ sử dụng cách tiếp cận đa chiều. Cách tiếp cận này nhằm mục đích phát động một cuộc tấn công tổng lực chiếm Đài Loan trong thời gian ngắn nhất, tiêu hao lực lượng, vật chất ít nhất. Theo đó, việc đầu tiên PLA có thể lấy cớ dàn dựng các cuộc tập trận chung giữa không quân, hải quân, lục quân trên bờ biển phía đông và nam của Trung Quốc. Nơi tập trận kế bên lãnh hải Đài Loan, do vậy Bắc Kinh có thể nắn gân và xem Đài Bắc phản ứng ra sao.

Kế đó, quân đội Trung Quốc với cách hành xử truyền thống “lấy thịt đè người” sẽ điều các loại tàu chiến hiện đại đến Tây Thái Bình Dương, nhằm “đuổi cổ” bất kỳ lực lượng nước ngoài nào đến viện trợ cho Đài Loan. Một công đôi việc, PLA cũng sẽ áp đặt một vòng vây chiến lược để ngăn cản các lực lượng nước ngoài đến tiếp sức.

Khi đã tạo xong thế vây hãm, tấn công, quân đội Trung Quốc sẽ biến các cuộc tập trận thành các hoạt động thực chiến. Đó là, cùng lúc bắn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình vào các vị trí phòng không, trạm radar và trung tâm chỉ huy của Đài Loan. Lực lượng hỗ trợ chiến lược của lục quân có nhiệm vụ làm tê liệt, hoặc hạn chế khả năng sử dụng phương tiện điện tử trong các cơ sở quân sự quan trọng của Đài Loan.

Khi đã giành được ưu thế trên biển và trên không, tàu đổ bộ, máy bay vận tải và trực thăng của PLA sẽ tấn công các căn cứ quân sự quan trọng của đối phương. Toàn bộ các hoạt động này sẽ diễn trong thời gian ngắn nhất, bất ngờ nhất, trước khi các thế lực nước ngoài (ám chỉ Mỹ) can thiệp.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan khẩn thiết kêu gọi chính phủ của bà Thái Vân Anh tăng cường hỗ trợ ngân sách phòng vệ, mua thêm các loại vũ khí nhằm tăng cường các nhiệm vụ “phòng không, phản công, kiểm soát trên không và trên biển” để đẩy lùi hành động xâm lược của Đại lục.

Về động thái của Bắc Kinh và những báo cáo mới nhất của Đài Loan, Wasinghton có vẻ như đã quá thuộc bài. Nếu Trung Quốc phiêu lưu quân sự, điều đầu tiên Mỹ phải tính đến: Ai là đồng minh của Bắc Kinh ở khu vực? Và, đằng sau Mỹ luôn là Nhật Bản, Hàn Quốc, (đương nhiên là “chủ nhà” Đài Loan). Ngoài ra còn một số quốc gia khác ở châu Âu.

Tuy nhiên, việc Mỹ giang tay bảo vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công từ phía Trung Quốc là vấn đề phải tính toán kỹ lưỡng, vì nó “rất nhạy cảm”. Từ trước đến nay Mỹ đã có nhiều cam kết với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan. Wasinghton không dễ nuốt lời trước những cam kết sắt đá qua các đời Tổng thống với Bắc Kinh, trong đó nổi bật là khẳng định: Đài Loan là lãnh thổ thuộc về Trung Quốc, một nước nhưng hai chế độ. Chính phủ Mỹ phải tuân theo các đạo luật liên quan tới Trung Quốc và Đài Loan, điển hình là Đạo luật quan hệ với Đài Loan năm 1979.

Khi Quốc hội Mỹ yêu cầu chính phủ chuyển giao vũ khí cho Đài Loan cũng phải dựa trên “các mối đe dọa hiện thời và tiềm tàng từ CHND Trung Hoa”, nếu không Lầu Năm Góc cũng sẽ “ê mặt” khi bị xem là âm mưu xâm lược, gây căng thẳng quân sự ở Đài Loan, trên thực tế là thuộc Trung Quốc.

Dù bất cứ lý do gì, Mỹ không được có các hành động làm thay đổi hiện trạng, và chỉ được thực hiện các giải pháp hòa bình mà cả Đài Loan lẫn Trung Quốc đều chấp nhận. Những quan điểm này của Mỹ kể cũng khá mập mờ. Song, chính sự không rõ ràng này sẽ vừa ngăn cản được Đài Loan tuyên bố độc lập, vừa cảnh báo Trung Quốc, đừng có mà liều lĩnh!

Bởi những lùng nhùng nêu trên mà những ngày cuối năm này, cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc đều thận trọng quan sát. Hai bên đều không chắc chắn Washington sẽ phản ứng ra sao. Và đều tự nhắc: Hãy thận trọng, kiềm chế hành động bất lợi!

Giả sử Mỹ chọn giải pháp không động thủ trong trường hợp Đài Loan bị tấn công, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không để yên. Họ sẽ xem lại những cam kết của Mỹ trong các hiệp ước đồng minh đã ký. Vấn đề không phải là chi phí thiệt hơn bao nhiêu mà là giá trị niềm tin và địa chính trị chiến lược. Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nhưng sẽ luôn tránh tuyên bố bảo vệ hòn đảo này bằng mọi giá.

Bàn cờ chiến lược Trung-Đài- Mỹ vẫn liên tục đảo quân, gầm ghè, mồi nhử nhau. Nhưng quãng thời gian ba năm thì trôi đi nhanh lắm!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới