Khi lên tiếng bảo vệ hành động bắn hạ chiến đấu cơ Su-Nga của không quân Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/11, có lẽ Tổng thống Erdogan đã quên mất những gì mình giận dữ tuyên bố 3 năm trước.
Ông Tayyip Erdogan
Năm 2012, Thổ Nhĩ Kỳ cũng gặp phải tình huống tương tự như Nga hiện tại: Chiến đấu cơ F-4 Phantom của nước này bị Syria bắn hạ, cũng với lý do “vi phạm không phận”.
Ông Tayyip Erdogan, khi đó là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, đã rất phẫn nộ.
Ông này giải thích, chiếc F-4 Phantom đang bay huấn luyện, kiểm tra hệ thống radar của Thổ Nhĩ Kỳ tại Địa Trung Hải, đồng thời tuyên bố rằng:
“Việc vi phạm biên giới trong thời gian ngắn không bao giờ là cái cớ cho một cuộc tấn công”.
Trong một bức thư gửi cho Hội đồng Bảo An LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi những gì Syria làm là “hành động thù địch”, “mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh trong khu vực”.
Ông Erdogan thậm chí còn cảnh báo Syria rằng, “mọi hành động quân sự của Syria tại biên giới tiếp giáp Thổ Nhĩ Kỳ, gây nguy hiểm và rủi ro về an ninh sẽ được coi như mối đe dọa về quân sự và sẽ bị xử lý như một mục tiêu quân sự”.
Các quốc gia thành viên NATO, trong một tuyên bố chung, cũng đồng loạt chỉ trích hành động của Syria là “không thể chấp nhận được” và khẳng định họ nhất trí đoàn kết, đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thư ký NATO khi đó, Anders Fogh Rasmussen, cáo buộc: “Đây là một ví dụ nữa cho thấy, chính quyền Syria coi thường tiêu chuẩn quốc tế”.
Sự tức giận và những lời chỉ trích thậm tệ này của ông Erdogan với Syria dường như đã đi ngược lại những gì mà chính ông này đã nói sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Nga Su-24 ngày hôm qua.
Chiến đấu cơ Nga Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi
Lần này, ông Erdogan khẳng định, hành động bắn hạ máy bay Nga của quân đội là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với các quy định của nước này.
“Chúng tôi không muốn tình huống như thế này xảy ra, nhưng mọi người đều phải tôn trọng quyền bảo vệ biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Điều đáng chú ý là, trong bức thư mà Wikileak đăng tải, được cho là của Thổ Nhĩ Kỳ gửi LHQ nhằm tường trình về vụ việc, Ankara cho biết Su-24 đã vi phạm không phận của họ trong khoảng thời gian chỉ có 17 giây.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng thể hiện sự ủng hộ đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi nói rằng, “những đánh giá mà chúng tôi có được từ một vài đồng minh phù hợp với” thông tin từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Reuters thì đưa tin, nhiều đại diện các quốc gia thành viên NATO, sau cuộc họp khẩn tại Brussels, cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ nhẽ ra chỉ nên đuổi chiến đấu cơ Nga ra khỏi không phận, thay vì bắn rơi nó.
“Có nhiều cách để xử lý những sự việc như thế này”, một nhà ngoại giao NATO giấu tên nêu ý kiến.
Về phần mình, Nga khẳng định rằng, chiến đấu cơ Su-24 khi đó còn cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 1 km.
Việc Su-24 của Nga thực sự có bay vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ hay không vẫn đang là vấn đề tranh cãi giữa đôi bên.
Thế nhưng, dù chiến đấu cơ Nga đúng là có vi phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ đi chăng nữa, thì khoảng thời gian 17 giây chắc cũng không thể coi là thời gian dài.
Và như vậy, nếu chiểu theo những gì ông Erdogan từng nói cách đây 3 năm trước, thì cũng không nên được dùng lý do để Thổ Nhĩ Kỳ “ra tay”.