Friday, November 22, 2024
Trang chủBiển ĐôngNhìn từ biển vào: Các quan điểm về bờ biển Bắc và...

Nhìn từ biển vào: Các quan điểm về bờ biển Bắc và Trung Việt Nam (Phần 2)

Vùng đất Giao Chỉ và bờ biển Bắc và Trung Việt Nam đã từng có mỗi liên hệ thương mại chặt chẽ với các quốc gia Hồi Giáo từ cổ sử. Tạp chí Phương Đông trích dịch phần tiếp theo nghiên cứu của học giả Li Tana để làm rõ hơn chủ đề thú vị này.

Giao Chỉ có vị trí trung gian chiến lược trong thương mại giữa Trung Hoa và các nước Hồi giáo.

Giao Chỉ Dương trong phối cảnh quốc tế: quan hệ với người Hồi

Các thương gia Hồi, một danh xưng gộp chung chỉ các thương nhân có gốc miền Nam Á – và sau này vùng Trung Đông – cũng đã có các sự tiếp xúc quan trọng với Đại Việt. Từ thời nhà Hán trở về sau, các thương nhân gốc Hồi được khích lệ đến thăm viếng Giao Châu, bởi giá trị chính yếu của nó [đối với Trung Hoa] là về thương mại. Thí dụ, dưới thời cai trị của Thái Thú Sĩ Nhiếp (Shixie) trong thời khoảng giữa các năm 187-226, vài chục người Hồi được ghi chép đã hộ tống cỗ xe của ông và đốt các nén hương dọc con đường bất kỳ khi nào ông đi ra ngoài. Giao Châu là nơi mà các thương nhân và quan chức Trung Hoa có thể gặp gỡ các thương nhân ngoại quốc ở giữa đường. Một truyền thống trung gian như thế xem ra vẫn còn được giữ lại sau khi dân Việt giành lại nền độc lập của họ trong thế kỷ thứ X. Khi các sứ giả Mông Cổ đến thăm viếng Đại Việt năm 1266, họ nhận thấy một số khá đông các người Hồi cư ngụ tại đó. Sự khám phá này đưa đẩy đến một bức thư được viết bởi hoàng đế Mông Cổ Kublai gửi Đại Việt trong năm 1267, trong đó ông ta chỉ trích triều đình Việt về việc không cho phép nhiều người Hồi tiếp xúc với các sứ giả của ông trong cuộc thăm viếng của họ. Trong năm 1268, Kublai tiếp tục một nỗ lực khác để tiếp xúc với người Hồi Hột tại Đại Việt, đòi hỏi rằng Hoàng Đế Trần Thánh Tông phải gửi các thương nhân người Hồi sang Trung Hoa để ông ta có thể hỏi thăm họ về tình hình tại Trung Đông. Vua [Trần] Thánh Tông trả lời một cách né tránh, tuyên bố rằng chỉ có hai thương nhân gốc Hồi trong xứ sở, nhưng cả hai đều đã chết, nên yêu cầu của Kublai không thể đáp ứng được, điều mà hoàng đế [Mông Cổ] đã tức giận tố cáo như một sự nói dối.

Như các biên niên sử của chính Việt Nam đã chứng minh, Kublai đã có lý khi nói các sự móc nối đã hiện hữu giữa Đại Việt, Trung Hoa và vùng Trung Đông. Bộ Toàn Thư chép rằng trong năm 1274, không lâu sau khi có biến cố nêu trên, một đoàn khoảng 30 chiếc thuyền đi biển đã đến từ Trung Hoa. Trên các con thuyền là các di dân mang theo tài sản và gia đình của họ. Họ tự gọi mình là “Hồi Kê, từ ngữ gần như chắc chắn là một danh từ gọi sai của từ ngữ Hồi Hột. Hẳn phải có một số lượng đáng kể người dân cùng gốc với họ đã sống tại Đại Việt mới khiến họ làm một cuộc di chuyển lớn như thế. Sự hiện diện văn hóa vùng Trung Đông tại nước Đại Việt thời nhà Trần cũng được ghi rõ trong cùng nguồn tài liệu này. Thực tế, trong năm 1268, chính năm mà vị Hoàng đế Mông Cổ yêu cầu một cuộc thăm viếng của các thương nhân gốc Hồi từ Đại Việt, nhà vua trị vì Trần Thánh Tông và người em của ông được nói đã nhảy múa theo điệu Hồ [trong nguyên bản, chứ không phải là Hồi, chú của người dịch] tại cung điện hoàng gia để làm trò vui cho vua cha, Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông. Bộ Toàn Thư đặc biệt ghi chép rằng Thái Thượng hoàng đã thay đổi để mặc áo choàng bằng vải trắng trong dịp này. Điều cần ghi nhận rằng mặc quần áo vải trắng tại một buổi lễ không phải là phong tục của Trung Hoa hay Việt Nam vào thời điểm đó; đúng hơn, nó có vẻ phù hợp với tập quán của vùng Trung và Nam Á là ‘mặc đồ trắng trong dịp mừng lễ và đồ đen trong dịp để tang”.

Con của Thánh Tông, Hoàng Đế Trần Nhân Tông, đã nhiều lần đến thăm viếng xứ Chàm trong tư cách cá nhân như một Phật tử. Nơi đó ông gặp gỡ nhiều người đến từ vùng Trung Đông, điều sẽ mở cánh cửa cho các ảnh hưởng văn hóa của Hồi. Chỉ trong một bối cảnh như thế chúng ta mới có thể hiểu được các sự ghi chép xem ra có tính cách biệt lập hay ngẫu nhiên trong bộ Toàn Thư, chẳng hạn như sự đề cập trong năm 1304 về “các nhà sự thiền định đến từ xứ Chàm, chỉ uống sữa không thôi”. Trong năm 1311, có một nhà sư gốc Hồi khác xưng mình đã sống 300 tuổi, và được nói có khả năng đi trên mặt nước và thực hiện các hành vi siêu nhiên khác chẳng hạn như lộn ngược bên trong ra ngoài để phơi bày nội tạng của mình. Đây là cuộc thăm viếng thứ nhì của ông ta tại Đại Việt; lần này ông mang theo cô con gái và đã gả cho Hoàng Đế Anh Tông. Cuộc hôn phối này nhiều phần được sắp xếp bởi vua Nhân Tông, người đã tiếp nhà sư trong kỳ thăm viếng đầu tiên của ông ta. Triều đình Đại Việt có các sự tiếp xúc thường xuyên với xứ Chàm và xa hơn thế cũng đã được chứng minh bởi các kỹ năng ngôn ngữ của giới quý tộc nhà Trần, tiếp thụ được nhờ ở vị thế trung gian của Đại Việt trong sự hải hành: Tướng quân Trần Quang Khải, thí dụ, thông thạo nhiều ngôn ngữ, giống như người anh em của ông, ông Hoàng Trần Nhật Duật. Ông Hoàng kể sau đã có thể nói chuyện với các sứ giả từ Temasek (Singapore ngày nay) bằng ngôn ngữ của họ, theo Toàn Thư; đây có thể là tiếng mã Lai, nhưng cũng có thể là tiếng Ba Tư hay Ả Rập.

Dân Việt chắc chắn đã khai thác vị trí trung gian của họ giữa các nước hải ngoại với Trung Hoa. Một trong những sản phẩm của Đại Việt trong thế kỷ thứ XIII là các vòng đeo tay có mùi thơm. Để chế tạo các vòng đeo tay này, dân Việt sẽ trộn các bột hương liệu với đất bùn, nặn đất sét thành hạt và xâu chúng bằng sợi lụa màu, được nghĩ thu mua được từ các thương nhân vùng Tây hay Nam Á. Các chuỗi hạt này sau đó được mang sang Trung Hoa để bán và rất được ưa chuộng bởi phụ nữ ở đó. Các vòng đeo tay này cũng có thể đã được tái xuất cảng từ Trung Hoa sang các nơi khác của Đông Nam Á; các đồ gốm của Việt Nam được tìm thấy trong một chiếc thuyền bị đắm tại miền Nam Philippines bao gồm các hạt bằng thủy tinh.

Đảo Hải Nam và các liên hệ Hồi Giáo

Liên hệ tổng quát của Hồi Giáo với vùng này trở nên rõ ràng hơn khi đảo Hải Nam được đặt trong khung cảnh này. Giao Chỉ đã có các liên hệ chặt chẽ với Hải Nam; vị nữ thần địa phương chính yếu của Hải Nam là Lê Mẫu (Mẹ của sắc dân Lê), thí dụ, đã được mô tả như sau: “Bà ăn trái cây của vùng núi đồi và sống trên các vòm cây. Rồi thì có một người đàn ông từ Giao Chỉ vượt biển và đến đảo Hải Nam để để thu gom gỗ trầm [một hương liệu]. Bà Lê Mẫu đã kết hôn với ông ta và họ có sinh ra nhiều con cháu. Chỉ khi đó họ mới khởi sự khai khẩn đất đai và nuôi trồng thực phẩm”. Điều đáng chú ý, khu vực của bà ta, Lê Mẫu Sơn, là địa điểm của gỗ trầm hương tốt nhất. Thần thoại địa phương này không chỉ ra dấu về nguồn gốc của gỗ trầm hương của Giao Chỉ, mà còn về các quan hệ đan kết và thân mật hơn giữa Giao Chỉ và đảo Hải Nam. Các tài liệu khác về thời nhà Tống cũng chứng thực rằng người Dan từ Đại Việt có đến thăm viếng Hải Nam để góp nhặt gỗ trầm, mặc dầu mậu dịch với dân Hải Nam là một nguồn cung cấp đáng tin cậy hơn cho loại sản vật này. Sắc dân Lê ở đó “sống bằng nghề mua bán gỗ trầm”, theo tập Zhufanzhi. Bởi thế, một số “các kẻ thu nhặt” từ Giao Chỉ có thể là những người Việt Nam đến đảo Hải Nam để mua bán.

Các loại gỗ trầm này, tạo thành bộ phận quan trọng trong hàng hóa Việt Nam, sẽ tái xuất hiện tại địa điểm mậu dịch ở Qinzhou trong tỉnh Quảng Tây, nơi chúng được trao đổi lấy lụa với các thương nhân Trung Hoa đến từ những nơi xa xôi như tận Tứ Xuyên: Mọi đồ nhật dụng của Giao Chỉ tùy thuộc vào Qinzhou, chính vì thế các con tàu thường xuyên qua lại giữa hai nơi. Bãi mua bán nằm phía Đông con sông, bên ngoài thị trấn. Những người đến với hải sản để đổi lấy gạo và vải bông trong số lượng nhỏ được gọi là sắc dân “Dan của Giao Chỉ”. Những thương nhân giàu có đến mua bán từ khu vực biên giới [của Đại Việt] thuộc huyện Vĩnh Yên đến Qinzhou, những người này được gọi là “mối hàng nhỏ” (xiaogang). “Mối hàng lớn” (dagang) để chỉ các sứ giả được phái đi bởi triều đình [Đại Việt] để mua bán tại đây. Các sản phẩm mà họ mậu dịch là vàng, bạc, đồng tiền bằng đồng, gỗ trầm, nhiều loại gỗ có mùi thơm khác nhau, ngọc trai, ngà voi và sừng tê giác. Các nhà mậu dịch cỡ nhỏ bên phía chúng ta đến để trao đổi giấy, bút viết, gạo và vải bông với dân Giao Chỉ không đáng để ý mấy; nhưng có các thương nhân giàu có mà hàng gấm từ vùng Shu (Tứ Xuyên) đến Qinzhou để trao đổi lấy hương liệu mỗi năm một lần, thường liên quan đến cả hàng nghìn đồng quan bằng tiền mặt… Giao Chỉ là bên tham gia quan trọng nhất trong công cuộc mậu dịch trên bờ biển Trung Hoa nằm trong Vịnh Bắc Việt và các sự trao đổi thực hiện tại khu vực này đã được phát triển và hoàn chỉnh. Công cuộc mậu dịch này có thể được xem hoặc có tính chất cấp miền hay địa phương, với sự di chuyển một khoảng cách ngắn bằng thuyền. Mậu dịch chắc chắn là một phần cốt yếu trong đời sống của nhiều người dân trong vùng này.

Tuy nhiên, liên hệ sinh tử nhất của Hải Nam với thế giới bên ngoài là người Chàm; bắt đầu từ thời Tống, các sứ giả Chàm thường ghé chân đầu tiên tại Hải Nam trước khi tiến vào lục địa. Điều được xác định từ lâu rằng các thương nhân tích cực nhất tại đảo Hải Nam đến từ hay xuyên qua xứ Chàm, nơi mà các nhà mậu dịch Hồi Giáo có thiết lập các trạm như một mắt nối kết trong sợi dây xích mậu dịch chạy dài của họ.

Trong khung cảnh này, điều không tưởng tượng được là các nhà mậu dịch Hồi Giáo lại không để lại các dấu vết bao quanh khắp Vịnh Bắc Việt, tại Qinzhou, Hải Nam và xứ Chàm, nhưng cách nào đó bị trôi tuột mất bởi Đại Việt trong hàng ngàn năm mua bán và liên lạc của họ tại khu vực này – xong đây là có vẻ là điều mà văn liệu hiệu hữu cho chúng ta hay. Như tác giả Kenneth Hall đã nhận xét, mọi sự tham chiếu của người Việt về các trung tâm đô thị phương bắc đã bị pha màu bởi các thành kiến của các sử gia Khổng học sau này, đặc biệt bởi tư tưởng hoài nghi nói chung của họ đối với công cuộc mậu dịch. Trong các tình huống như thế, các liên hệ với Hồi Giáo sẽ bị tẩy xóa với nhiệt tình gấp đôi bởi các sử gia Khổng học bởi các mối liên kết này sự mang lại sự hỗn loạn và không mạch lạc trong sự xây dựng của họ một lịch sử dân tộc hợp lý cả về mặt ý thức hệ lẫn chủng tộc. Hậu quả, một phần quan yếu trong lịch sử Việt Nam bị đánh mất, như được chứng minh bằng chính bộ Toàn Thư: ít nhất trong hai trường hợp, danh xưng của sắc dân và xứ sở nước ngoài đã bị ghi chép sai lạc; một là trường hợp Huihu (Hồi Hồ) nêu trên, và trường hợp kia là Temasek. Bởi lý do này, hai đối tác mậu dịch quan trọng của Đại Việt vào lúc này đã biến mất dạng vào trong các danh xưng lạ lùng và không quen thuộc mà người ta đã giả định là không quan trọng và có tính cách địa phương. Sự kiện này kế đó củng cố hơn nữa cảm tưởng về Đại Việt như là một nước tù túng về thương mại quốc tế và là một nơi ít có các sự dính líu đến phần còn lại của thế giới. Được viết ít nhất 150 năm sau các biến cố đã được trình bày và dưới thời mà ý thức hệ Khổng Học ở địa vị không chế, các nhà biên tập bộ Toàn Thư biểu lộ ít sự quan tâm đến các danh xưng của các dân tộc mà các tổ tiên người Việt của họ đã thương thảo trên một căn bản khá thường xuyên. Một bộ phận bằng chứng có tính chất quyết đoán cho thấy làm sao các nền văn hóa và truyền thống khác nhau đã nuôi dưỡng và định hình xã hội Đại Việt chính vì thế đã bị phân tán và vùi lấp dưới lớp bụi bặm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới