Trong cuộc họp báo mới đây, Lầu Năm Góc cho biết đang theo dõi các hoạt động quân sự bất thường của Trung Quốc gần biên giới Ấn Độ.
Cũng theo tuyên bố trên, Lầu Năm Góc (Mỹ) bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc cho xây dựng thêm các căn cứ quân sự gần đường ranh giới tạm thời (LAC) với Ấn Độ trên dãy Himalaya.
Trước đó, các quan chức Ấn Độ đưa ra thông tin cho thấy Trung Quốc tăng cường đáng kể hiện diện quân sự dọc theo LAC và tiến hành nhiều cuộc tập trận hơn trước trong khu vực.
Còn theo tạp chí Foreign Policy, bên cạnh việc xây dựng thêm căn cứ, Trung Quốc cũng lần đầu tiên triển khai một phi đội máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6 đến khu vực này trong tháng 11. Điều này có thể khiến căng thẳng xung quanh biên giới Trung Quốc – Ấn Độ nóng trở lại.
Sau tuyên bố của Lầu Năm Góc, hiện vẫn chưa rõ Mỹ có sẵn sàng hỗ trợ thêm cho Ấn Độ về mặt quân sự để đối phó các hành động bất thường từ Trung Quốc hay không. Có thông tin cho thấy Washington và New Delhi đang tích cực mở rộng các kênh chia sẻ thông tin tình báo sau khi Bắc Kinh tăng cường thêm quân lên trên dãy Himalaya.
Được biết, ngay sau khi có thông tin Trung Quốc mở rộng các căn cứ của nước này gần LAC, quân đội Ấn Độ cũng có động thái phòng bị khi triển khai thêm nhiều khí tài hạng nặng lên trên biên giới, trong số đó có nhiều vũ khí mới mua từ Mỹ.
Việc củng cố lực lượng đồn trú được thực hiện ở khu vực Đông Bắc của Ấn Độ, tập trung vào Cao nguyên Tawang tiếp giáp với Bhutan và Tây Tạng (Trung Quốc). Các loại khí tài do Mỹ sản xuất như máy bay trực thăng Chinook, súng trường, lựu pháo và một hệ thống giám sát thế hệ mới sẽ hỗ trợ quân đội Ấn Độ ở các khu vực giáp với miền Đông Tây Tạng.
Phần lớn khí tài và lực lượng mới của Ấn Độ được triển khai tới khu vực phía Đông, nơi có ít nhất 30.000 binh sỹ đồn trú trong năm qua. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi luôn lo ngại về nguy cơ tái diễn cuộc chiến tranh biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc trên dãy Himalaya năm 1962.
Lo ngại này ngày càng có cơ sở sau cuộc đụng độ giữa lực lượng biên phòng hai bên vào tháng 5/2020 gần Hồ Pangong Tso, khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Dù đã tiến hành đàm phán để giảm căng thẳng, nhưng hai bên vẫn chưa nhất trí về thỏa thuận rút quân khỏi một số điểm nóng quan trọng tại khu vực biên giới tranh chấp.