Vị trí địa lí gần đường xích đạo và có bờ biển dài của Việt Nam là lợi thế lớn để các chuyên gia Nga lựa chọn xây cảng vũ trụ ở khu vực Đông Nam Á.
Theo Quân đội Nhân dân, một nhóm các nhà khoa học Nga, bao gồm những tên tuổi nổi tiếng như M. Grigoriev, M. Okhochinsky, S. Chirikov và A. Khramov, đã từng đưa ra lập luận về lợi ích của việc xây dựng sân bay vũ trụ quốc tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương để thúc đẩy sự phát triển sáng tạo vượt bậc trong lĩnh vực không gian của Nga và các đối tác.
Trong đó, Việt Nam được tất cả công nhận là địa điểm chính và khả thi nhất để xây dựng công trình này.
Cảng vũ trụ là gì
Cảng vũ trụ hoặc sân bay vũ trụ là địa điểm để phóng (hoặc nhận) tàu vũ trụ, tương tự như một cảng biển cho tàu hoặc một sân bay cho máy bay. Cảng vũ trụ là nơi phóng tàu vũ trụ vào quỹ đạo quanh Trái đất hoặc trên quỹ đạo liên hành tinh.
Các cảng vũ trụ lớn thường bao gồm nhiều hơn một tổ hợp phóng, có thể là các bãi phóng tên lửa được điều chỉnh cho các loại phương tiện phóng khác nhau. Các vị trí này có thể được tách biệt rõ ràng vì lý do an toàn. Đối với các phương tiện sử dụng nhiên liệu lỏng, cần có các phương tiện bảo quản thích hợp và trong một số trường hợp, cảng vũ trụ sẽ có cả cơ sở sản xuất nhiên liệu. Các cơ sở chế biến tại chỗ cho nhiên liệu đẩy rắn cũng rất phổ biến.
Việc đặt cảng vũ trụ gần xích đạo sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Quỹ đạo cận xích đạo là quỹ đạo nằm gần với mặt phẳng xích đạo của vật thể quay quanh quỹ đạo. Các bãi phóng tên lửa gần xích đạo, chẳng hạn như Trung tâm vũ trụ Guiana ở Kourou, Guiana thuộc Pháp hoặc Trung tâm phóng Alcantara ở Brazil, là những vị trí thuận lợi để phóng tên lửa và tàu vũ trụ vì đây là vùng vĩ độ có tốc độ quay nhanh nhất, khoảng 460 m/s.
Vận tốc lớn sẽ làm giảm lượng nhiên liệu cần thiết để phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo. Vì Trái đất quay về phía đông, chỉ những vụ phóng về phía đông mới tận dụng được tốc độ tăng này. Trên thực tế, các vụ phóng về hướng Tây đặc biệt khó khăn từ Xích đạo vì cần phải chống lại tốc độ quay của Trái đất.
Lợi ích của cảng vũ trụ
Theo chuyên gia Nga, cảng vũ trụ sẽ mang lại lợi ích khổng lồ cho Việt Nam và Nga, không chỉ về kinh tế mà còn về nhiều khía cạnh khác.
Cụ thể, cảng vũ trụ sẽ cho phép các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đi đầu về tốc độ phát triển của thế giới, đồng thời mang lại thu nhập đáng kể. Hàng loạt các tỉ phú thế giới, như Elon Musk, Richard Branson và Jeff Bezos đang tích cực thúc đẩy các dự án không gian gần Trái đất. Điều này chứng tỏ thế giới đã bắt đầu chú ý tới lợi nhuận tài chính thu được từ không gian.
Tận dụng điều này, các nước có hệ tư tưởng tiên tiến như Việt Nam càng có thể và cần chứng tỏ lợi thế của mình trong cuộc cạnh tranh không gian trong thời đại mới.
Chuyên gia Nga cho hay, Việt Nam hoàn toàn không phải là một nước nằm ngoài cuộc trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ. Trên thực tế, phi công vũ trụ Phạm Tuân – một công dân Việt Nam – đã từng tham gia chương trình Intercosmos của Liên Xô.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo chuyên môn, vào năm 1980, ông đã thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Soyuz-37 và trở về Trái đất trên tàu Soyuz-36, cũng như làm việc trên trạm quỹ đạo Salyut-6. Với thành tích vẻ vang này, ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Anh hùng Lao động Việt Nam.
Như vậy, với sự giúp đỡ của Nga, có thể thấy Việt Nam đứng trước cơ hội rất lớn trong ngành không gian.
Xét về mặt địa lý, Việt Nam cũng có lợi thế lớn vì chắc chắn cảng vũ trụ xây tại Việt Nam sẽ gần đường xích đạo hơn đáng kể so với cảng vũ trụ của Trung Quốc. Ngoài ra, cảng Việt Nam sẽ nằm trên bờ phía Đông của vùng biển lớn, gần các tuyến đường giao thương và vận tải, xa khu dân cư. Trong tình huống xấu, các hoạt động tên lửa và tàu vũ trụ cũng sẽ chỉ gây ảnh hưởng tối thiểu tới đời sống của người dân.
Nói cách khác, Việt Nam không phải là đối tượng lựa chọn ngẫu nhiên để xây dựng sân bay vũ trụ trên lãnh thổ của mình. Các tác giả dự án của Nga đã tính toán cẩn thận tới từng chi tiết. Theo họ, mũi Cà Mau rất có khả năng trở thành địa điểm để xây cảng vũ trụ phù hợp nhất.
T.P