Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông thông qua yêu...

Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông thông qua yêu sách “đường lưỡi bò”.

Ngày 7/5/2009, trong công hàm gửi Uỷ ban Ranh giới Thềm
lục địa của Liên hợp quốc để phản đối Báo cáo chung Việt Nam – Malaysia và Báo
cáo của Việt Nam về ranh giới ngoài thềm lục địa, phía Trung Quốc đã đồng thời
gửi kèm bản đồ vùng Biển Đông trong đó thể hiện “đường lưõi bò”, còn gọi là “đường
chữ U”, “đường chín đoạn”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức lưu hành bản
đồ thể hiện “đường lưỡi bò” tại LHQ, công khai hoá yêu sách ngang ngược và phi
lý của mình đối với Biển Đông.

   Năm 1947,
Bạch My Sơ, một quan chức của Trung Hoa Dân Quốc đã vẽ “đường lưỡi bò” trong một
atlas cá nhân của mình về biển “Nam Trung Hoa”. Có câu chuyện kể lại rằng trong
những năm 70, ông này (ở Đài Loan) được mời đến Bắc Kinh để giải thích tại sao ông
lại vẽ “đường lưỡi bò” trên bản đồ biển thì ông đã không thể giải thích và không
thể đưa ra một lý do xác đáng nào cho những nét vẽ của mình. Bắt đầu từ năm
1950, nước CHND Trung Hoa chính thức thể hiện “đường lưỡi bò” trên bản đồ
“Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hoà quốc phân tỉnh tinh đồ” và trên các ấn phẩm khác.
Tuy nhiên, kể từ đó đến trước ngày 7/5/2009, Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố chính thức với
thế giới về yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.

  “Đường lưỡi bò”
gồm 9 đoạn (lúc đầu là 11 đoạn, sau này Trung Quốc bỏ đi 2 đoạn trong Vịnh Bắc
bộ), xuất phát từ Vịnh Bắc bộ, chạy sát bờ biển miền Trung của Việt Nam, xuống
vĩ tuyến 4 độ, vòng gần bờ biển Indonesia, Malaysia và Philippines, kết thúc ở
eo biển Luzong giữa Philippines và Đài Loan. Trong các bản đồ của Trung Quốc, “đường
lưỡi bò” thường được thể hiện dưới dạng ký hiệu của đường biên giới quốc gia với
dụng ý cho đó là đường biên giới trên biển.

  Nếu gọi “đường
lưỡi bò” là “vùng nước lịch sử” như Trung Quốc yêu sách thì có thể thấy nó chiếm
đến 80% diện tích Biển Đông, và nếu như vậy có lẽ người ta phải gọi Biển Đông là
cái ao nhà của Trung Quốc. Nhưng thực tế không phải vậy. Biển Đông vốn là một vùng
biển nửa kín, diện tích khoảng 3,5 triệu Km2, được bao bọc bởi chín quốc gia là
Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan,
Campuchia, Brunei và một vùng lãnh thổ là Đài loan. Một số  quốc gia trong số này ít nhiều trong lịch sử đều
đã có những hoạt động từ khám phá, khai thác và thực thi chủ quyền đối với những
vùng biển và quần đảo trên Biển Đông, trong đó không thể không nói tới hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã do Việt Nam khám phá và thực thi chủ quyền từ rất
lâu trong lịch sử.

Công ước LHQ về Luật biển 1982, có hiệu lực từ năm
1994 và đến này đã có 160 quốc gia tham gia, quy định các quốc gia ven biển có
chủ quyền , quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền
kinh tế rộng 200 hải lý và vùng thềm lục địa có chiều rộng tối đa là 350 hải lý
tính từ đường cơ sở. Theo các quy định của Công ước, yêu sách của Trung Quốc về
“đường lưỡi bò” trên Biển Đông đã vi phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa của Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia và Brunei, ngang
nhiên thách thức những quy định trong Công ước mà chính Trung Quốc cũng là một
trong những quôc gia đã sớm tham gia từ năm 1996.  

Trung Quốc cho rằng “đường lưỡi bò” là “vùng nước lịch
sử” của Trung Quốc từ lâu đời nhưng cho đến nay Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được
những bằng chứng lịch sử hoặc pháp lý đủ để thuyết phục thế giới công nhận yêu
sách của Trung Quốc đối với vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò”. Trên thực tế
khái niệm vùng nước lịch sử không được đưa vào trong các quy định của công ước
LHQ về Luật biển 1982, mà chỉ được nói đến trong phán quyết của toà án Công lý
quốc tế (ICJ) ngày 18/12/1951 đối với vụ ngư trường Anh – Nauy trong đó người
ta gọi chung “vùng nước lịch sử là các vùng nước người ta đối xử như các vùng nước
nội thuỷ, trong khi nếu các vùng nước này thiếu một danh nghĩa lịch sử  thì nó sẽ không có tính chất đó”. Như vậy, vùng
nước lịch sử được đặt dưới quy chế của nội thuỷ và không tồn tại quyền qua lại
không gây hại. Nếu coi phán quyết trên là nguồn của luật pháp quốc tế thì cũng
dễ dàng nhận thấy rằng yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với những gì đang
diễn ra là các tầu thuyền thương mại, quân sự.. vẫn hàng ngày qua lại bình thường
trên các tuyến hàng hải thế giới đi qua Biển Đông và qua “vùng nước lịch sử” của
Trung Quốc. Nếu thực sự hơn 80% diện tích của Biển Đông là “vùng nước lịch sử”
của Trung Quốc theo như tiêu chí trong luật pháp quốc tế thì thử hỏi từ bao lâu
nay Trung Quốc đã làm gì, đã thực hiện quyền kiểm soát đến đâu đối với vùng “nội
thuỷ” của mình, nếu không nói đến vài cuộc chiến tranh chớp nhoáng để cướp toàn
bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (năm 1956 và 1974) và cướp một số đảo trong
quần đảo Trường Sa (năm 1988 và 1995), và nếu Trung Quốc thực sự coi vùng biển
trong “đường lưỡi bò” là của mình thì Công ước LHQ về Luật biển 1982 hẳn đã không
tồn tại.

Yêu sách phi lý của Trung Quốc trên biển Đông đã nhận được
nhiều phản ứng của dư luận thế giới, nhất là từ phía những nhà nghiên cứu, những
luật gia của luật quốc tế. Mới đây nhất, tháng 11/2009 Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc
tế với chủ đề “Biển Đông: Tăng cường hợp tác vì an ninh phát triển ở khu vực”.
Hội thảo đã quy tụ hơn 150 học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu đến từ 22 quốc gia
trên thế giới. Tại cuộc Hội thảo này, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã phát biểu ý
kiến của mình đối với yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Giáo sư Rames Amer,
chuyên gia nghiên cứu Biển Đông của trường Đại học Stockholm (Thuỵ Điển) cho rằng
“đường lưỡi bò hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào trong luật pháp quốc tế” và  “không thể chấp nhận được”. Giáo sư tiến sĩ
Yuan-Huei-Song, chuyên gia Học viện nghiên cứu Âu-Mỹ, Học viện Khoa học Đài
loan nói “đường lưỡi bò thực ra không có cơ sở pháp lý nào cả. Đây không phải là
một lập luận phản ánh cơ sở pháp lý, mà chỉ đơn thuần thể hiện ý chí chính trị
của lãnh đạo Trung Quốc”. Giáo sư tiến sĩ Hasjim Djalal, Giám đốc Trung tâm
nghiên cứu Đông Nam Á, Indonesia cho biết: ngay từ cuộc Hội thảo trước về Biển Đông
(năm 1994), ông đã chất vấn các nhà nghiên cứu Trung Quốc về quy chế pháp lý của
“đường lưỡi bò” nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời từ đồng nghiệp
Trung Quốc 

Yêu sách ngang ngược và phi lý của Trung Quốc về “đường
lưỡi bò” trên Biển Đông cần nhận được sự phê phán nhiều hơn nữa của cộng đồng
quốc tế vì chúng không những xâm phạm quyền lợi chính đáng của nhiều quốc gia mà
còn đi ngược lại với những thành quả pháp lý liên quan đến biển và đại dương mà
cộng đồng quốc tế đã mất nhiều công sức xây dựng lên. Ngoài ra, những yêu sách
quá đáng như vậy sẽ là nguyên nhân dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn về các xung đột,
tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông,
gây mất ổn định trong khu vực, ảnh hưởng đến nền hoà bình của nhân loại.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới