Chiều ngày 26/11/2015, báo Tuổi Trẻ của Việt Nam đưa tin ngày 13/11, tại khu vực đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép, hai tàu hải cảnh số 2305 và 35115 của Trung Quốc đã vây ép tàu tiếp tế Hải Đăng 05 của Công ty bảo đảm An toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo của Việt Nam đang đi qua khu vực này.
Không chỉ dừng lại ở đó, vài tiếng sau, Trung Quốc lại tiếp tục điều thêm tàu chiến số 995 cùng hai tàu trên để vây ép, đe dọa và xua đuổi tàu Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, tàu 995 còn mở bạt pháo 37 mm, dàn đội hình chiến đấu 10 người và chĩa súng AK vào tàu Hải Đăng 05 của Việt Nam. Trong ngày 27/11/2015, các báo chí của Việt Nam đồng loạt đưa ra thêm các thông tin về vụ việc, thậm chí cả đoạn video về việc tàu Trung Quốc bám đuổi, uy hiếp tàu của Việt Nam cũng đã được công bố.
Thực tế cho thấy, việc Trung Quốc cố tình khiêu khích, quấy rối tàu của các quốc gia trong và ngoài khu vực hoạt động trên Biển Đông không phải là điều gì mới mẻ. Ngay cả với Mỹ, tàu chiến Trung Quốc cũng đã cắt ngang mặt tàu chiến của Mỹ đang hành trình ở khu vực Biển Đông, suýt dẫn tới va chạm giữa hai bên. Còn đối với Việt Nam, cách đây hơn 1 năm, trong vụ giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc dùng tàu hải giám, hải cảnh chạy trước các tàu của Việt Nam rồi bất ngờ dừng lại nhằm tạo ra va chạm. Trong vụ việc ngày 13/11 vừa qua cũng vậy. Sau khi ép cả phía trước và phía sau tàu Hải Đăng 05, hai tàu 2305 và 35115 của Trung Quốc thi nhau cắt mũi tàu Việt Nam nhằm ngụy tạo tình huống tàu Việt Nam cố tình đâm vào tàu Trung Quốc. Chỉ cần phía Việt Nam thiếu kiềm chế, có hành động đáp trả nào đấy thì lập tức Trung Quốc sẽ ngay lập tức lu loa lên rằng Việt Nam tấn công, gây tổn hại cho Trung Quốc, sử dụng cớ này để có thể biện minh cho các hành động quân sự của mình trên biển.
Có thể nói, hành động gây hấn mới nhất này của Trung Quốc một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho các nước trong khu vực Biển Đông cũng như toàn thể cộng đồng quốc tế về âm mưu ngày càng bộc lộ và bước đi hung hăng, quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Đồng thời, nó cũng cho thấy thái độ sẵn sàng chà đạp những thỏa thuận “còn chưa ráo mực” và những lời hứa, cam kết mới “thoát khỏi đầu môi” của Trung Quốc.
Chắc các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế còn nhớ, mới hơn một tuần trước, vấn đề Biển Đông đã trở thành trọng tâm thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ (15 – 16/11), Diễn đàn hợp tác kinh tế (APEC) tại Philippines (18 – 19/11) và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Malaysia (21 – 22/11) cho dù tính chất và mục đích của các hội nghị này không nhằm xử lý vấn đề Biển Đông. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tham dự các hội nghị nêu trên.
Tại Hội nghị G20, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cho dù nhấn mạnh quan hệ Nhật – Trung đang được cải thiện dần dần, song cũng không thể làm ngơ trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là việc xây dựng các công trình nhân tạo ở Trường Sa, đã thúc đẩy việc thảo thuận về hành vi gây hấn trên biển của Trung Quốc, khẳng định các hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông gây ra “mối quan ngại ở khu vực”. Còn tại Hội nghị APEC, cho dù Trung Quốc vận động tích cực để vấn đề Biển Đông không được đưa ra thảo luận, đích thân Tổng thống Mỹ Barak Obama đã kêu gọi Trung Quốc phải dừng ngay mọi hoạt động cơi nới, xây dựng đảo nhân tạo cũng như các hành động quân sự ở Biển Đông. Đồng thời, ông Obama cũng ủng hộ tiến trình trọng tài để giải quyết các tranh chấp biển trong khu vực và “các bước đi mạnh mẽ nhằm giảm căng thẳng”. Còn tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á (EAS), không chỉ dừng lại ở thảo luận, bày tỏ quan ngại về việc quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây ở Biển Đông, Tuyên bố Chủ tịch EAS còn “hoan nghênh cam kết của phía Trung Quốc như được Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ trong chuyến thăm Mỹ gần đây về việc Trung Quốc không có ý định theo đuổi việc quân sự hóa ở Biển Đông”.
Bên cạnh đó, hành động gây hấn vừa qua của Trung Quốc còn cho thấy thái độ coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 và các công ước về hàng hải quốc tế. Việc Trung Quốc sử dụng nhiều tàu quân sự để chèn ép, gây nguy hiểm hành hải cho tàu dân sự của Việt Nam, hơn nữa còn dàn đội hình chiến đấu, để lộ nòng pháo và chĩa súng sang tàu Việt Nam rõ ràng là hành động phô trương sức mạnh và đe dọa sử dụng vũ lực, đi ngược lại quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản về quan hệ giữa các quốc gia. Hành động này cũng cho thấy Trung Quốc đã phớt lờ cam kết của mình khi ký Tuyên bố DOC với các nước ASEAN mà theo đó, các bên không được tiến hành những hành động có thể làm phức tạp tình hình Biển Đông.
Cho dù là quốc gia luôn đi gây hấn, gây bất ổn định trong khu vực, song Trung Quốc vẫn coi mình là “nạn nhân của khu vực” và “Trung Quốc đã rất kiềm chế nhằm duy trì hòa bình và ổn định” – lời mà ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu ngày 17/11/2015, trước khi diễn ra Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Liệu cộng đồng quốc tế có thể tin lời nói ấy không khi mà chỉ 4 ngày trước đó, tàu Trung Quốc khiêu khích và chĩa súng vào tàu Việt Nam?
Cảnh giác trước các hành vi gây hấn này của Trung Quốc, các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt là những nước có tranh chấp ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, cần có bước xử lý khôn khéo trên biển, tránh va chạm và rơi vào bẫy khiêu khích của Trung Quốc, không để Trung Quốc có cớ để tiến hành các hành động cực đoan khác. Đồng thời, các quốc gia trong khu vực nên tập hợp và chia sẻ thông tin cho nhau các vụ việc mà Trung Quốc gây hấn, để qua đó không chỉ vạch trần hành động “vừa ăn cướp vừa la làng” của Trung Quốc mà còn xây dựng các biện pháp để bảo vệ quyền lợi biển hợp pháp của mình.
Tham khảo:
http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/1879230/japans-abe-sees-gradual-improvement-relations-china
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/11/151118_obama_china_must_stop_land_reclamation