Friday, November 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhìn lại một năm chống dịch Covid-19 ở Việt Nam

Nhìn lại một năm chống dịch Covid-19 ở Việt Nam

Bắt đầu bùng phát sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta đã đưa ngành y tế vào những tháng ngày chưa từng có trong lịch sử.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho 10.000 công nhân KCN ở ổ dịch Bắc Giang vào ngày 15/5/2021.

Ngày 27/4/2021, nhân viên khách sạn Như Nguyệt (Yên Bái), nơi cách ly các chuyên gia Ấn Độ, được phát hiện dương tính SARS-CoV-2. Chỉ hai ngày sau, một nam thanh niên ở Hà Nam trở về từ Nhật Bản cũng có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, sau khi đã hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung.

Từ “đốm lửa” đầu tiên, dịch bắt đầu lan rộng ra nhiều tỉnh thành, trong đó có nhiều chùm ca bệnh phức tạp. Hai ca bệnh này đã mở đầu cho làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 tại Việt Nam, mà theo đánh giá của các chuyên gia là đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước đến nay.

Miền Bắc: Ổ dịch lớn nhất tại Bắc Giang, Bắc Ninh

Dịch bắt đầu lây lan ở Đà Nẵng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, sau đó xuất hiện tại 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K, khiến 2 bệnh viện này phải cách ly y tế kéo dài. Và cũng từ những chùm ca này, dịch bùng phát mạnh ở Bắc Ninh, Bắc Giang.

Dịch bùng phát tại nhiều khu công nghiệp của hai tỉnh, với số lượng công nhân lên đến hàng nghìn người. Khi đó, cùng một lúc chính quyền địa phương phải tính đến phương án cách ly cho hàng nghìn người. Với đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa biến chủng, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm mạnh hơn khiến số mắc mới tăng lên từng ngày.

Nếu như đợt dịch thứ nhất kéo dài 6 tháng, cả nước chỉ ghi nhận 415 ca, đợt dịch thứ 2 là 1.136 ca, đợt dịch thứ 3 là 1.301 ca thì trong 4 tháng của đợt dịch thứ 4 con số này đã tăng vọt lên gần 400.000. Bắc Ninh là địa phương đầu tiên áp dụng sáng kiến “3 cùng” (3 tại chỗ) trong nhà máy để duy trì sản xuất – ăn cùng, ở cùng, làm cùng. Các nhà máy được yêu cầu giảm mật độ công nhân làm việc tối thiểu 50%, bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân ngay trong nhà máy. Bên cạnh đó là duy trì xét nghiệm sàng lọc 3 ngày và 7 ngày để tầm soát nguy cơ.

Sau hơn 2 tháng nỗ lực, hai ổ dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang đã tạm ổn, tổng số ca mắc hằng ngày vẫn ở mức cao nhưng chủ yếu ở trong khu cách ly, phong tỏa. Và khi những tưởng tình hình dịch có vẻ yên ổn, thì một làn sóng mới bắt đầu nổi lên ở TPHCM và ở các tỉnh phía Nam và cuộc chiến lần này còn khốc liệt và cam go hơn rất nhiều.

Trận chiến cam go nhất tại TPHCM và các tỉnh phía Nam

Với ngày cao điểm trước đó lên đến hơn 13.400 ca/ngày, chúng ta tưởng đó đã là con số kỷ lục. Tuy nhiên, khi dịch bắt đầu xuất hiện tại TPHCM và các tỉnh phía Nam thì nó đã xô đổ mọi kỷ lục từ trước đó về số ca mắc, số tử vong, sự quá tải của hệ thống y tế và sự chung tay của cả hệ thống y tế trên cả nước.

Trong các tỉnh thành phía Nam, TPHCM là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất. Số F0 vượt 450.000 ca chỉ trong vòng 6 tháng, ngày đỉnh điểm ghi nhận 8.499 ca bệnh mới, hơn 17.000 bệnh nhân đã tử vong, chiếm 74% tổng số ca tử vong trên cả nước… là những con số “biết nói” về làn sóng Covid-19 lớn chưa từng có tại TPHCM.

Ngày đỉnh điểm thành phố ghi nhận 340 người tử vong do Covid-19. Sự ra đi đột ngột đã khiến hàng nghìn gia đình lâm vào cảnh ly biệt tang thương.

Ngày 31/5/2021 là một ngày đặc biệt của người dân TPHCM. Một lần nữa, thành phố đông dân nhất cả nước bước vào 2 tuần giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19. Đây không phải lần đầu tiên TPHCM tiến hành giãn cách xã hội nhưng có lẽ là lần lâu nhất, và là lần vất vả, khó khăn nhất với rất nhiều lần gia hạn và thay đổi phương án giãn cách xã hội.

Những cuộc tầm soát quy mô lớn, phân tầng điều trị, điều trị F0 không triệu chứng và nhẹ tại nhà- cấp túi thuốc, cấp túi an sinh, huy động lực lượng y tế trên khắp cả nước, sự tham gia của cả lực lượng quân đội, y bác sĩ quân y… là những gì chúng ta đã làm.

Hơn 25.000 nhân viên y tế được chi viện. Đây là một cuộc huy động nhân lực lớn nhất chưa từng có của lịch sử ngành y tế. “Lịch sử sẽ ghi lại những hy sinh vất vả của các chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến chống dịch chưa có trong tiền lệ này”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ.

Nhớ lại thời điểm điều lực lượng vào TPHCM với con số đến hơn 10.000 người, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thời điểm đó chúng ta đã mường tượng ra cuộc chiến ở TPHCM khốc liệt hơn rất nhiều.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử

Trong “trận chiến” với dịch Covid-19, vaccine phòng Covid-19 là một trong những “mũi nhọn” quan trọng. Việt Nam đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm 23 triệu liều vaccine sởi-rubella cho trẻ. Tuy nhiên, lần này quy mô của chiến dịch lớn hơn nhiều, tiêm hơn 100 triệu liều vaccine. Đây cũng là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước ta.

Vì thế, chiến dịch đòi hỏi có sự tham gia của các bộ, ngành. Tất cả các lực lượng đều vào cuộc để vận chuyển, bảo quản, phân phối vaccine và tiêm chủng. 8 kho bảo quản vaccine được thiết lập, gồm một kho tại Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và 7 kho tại 7 Quân khu trong toàn quốc. Ngay khi vaccine về sân bay sẽ vận chuyển về các kho này bảo quản, từ đó các xe lạnh vận chuyển vaccine tỏa đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.

Sáng 10/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên toàn quốc. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau thời gian chuẩn bị chu đáo, tập huấn kỹ lưỡng, chúng ta chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.

Bên cạnh việc chú trọng đàm phán, tiếp nhận nguồn vaccine từ nước ngoài, Bộ Y tế đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ để sớm chủ động, tự lực nguồn vaccine trong nước đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch.

Không chỉ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, đến nay Việt Nam đã triển khai tiêm cho trẻ 12 đến dưới 18 tuổi, đồng thời tiêm thêm liều bổ sung, tiêm mũi nhắc lại cho những người đã tiêm đủ liều cơ bản để củng cố miễn dịch. Việt Nam đã đảm bảo bao phủ mũi một cho dân số từ 18 tuổi trở lên và cơ bản bao phủ mũi 2 (khoảng 90%).

Đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho rằng điều thực sự ấn tượng là Việt Nam đã có thể bảo đảm hơn 160 triệu liều vaccine và cung cấp hơn 140 triệu liều vaccine cho người dân đủ điều kiện trong một thời gian ngắn như vậy.

Dù vậy, trong quá trình tiêm chủng cũng xảy ra sự cố đáng tiếc như tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, một trạm y tế đã tiêm nhầm vaccine Pfizer cho 18 trẻ 2 – 6 tháng tuổi. Rất may mắn, sau một thời gian theo dõi sức khỏe các bé ổn định, được cho về nhà và sẽ được ngành y tế tiếp tục theo dõi sau đó.

Thích ứng an toàn linh hoạt- cuộc chiến vẫn còn ở phía trước

Với tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 đạt tỷ lệ cao, Việt Nam chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch sang thích ứng, an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19. Không còn những đợt giãn cách diện rộng trên cả nước, một tỉnh, thành hay những chiến dịch tầm soát quy mô lớn mà chúng ta chấp nhận sống chung với dịch bệnh, khoanh vùng dập dịch ở phạm vi nhỏ nhất có thể.

Bên cạnh đó, để ứng phó với số ca mắc có thể tăng cao, Việt Nam cũng tiếp tục củng cố hệ thống điều trị.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có hơn 1,7 triệu ca nhiễm (chủ yếu ghi nhận trong đợt dịch thứ 4), đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/ một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu người có 17.706 ca nhiễm). Việt Nam cũng ghi nhận 32.610 trường hợp tử vong do Covid-19, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch Covid-19 trên cả nước vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục gia tăng ở nhiều địa phương, đặc biệt đã ghi nhận các ca nhiễm biến chủng Omicron.

Thời gian tới, thời tiết chuyển mùa Đông – Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus. Nguy cơ xâm nhập thêm các trường hợp nhiễm biến chủng mới. Đồng thời tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác vẫn có tại một bộ phận người dân, cơ sở trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch và đặc biệt sự gia tăng di chuyển của người dân trong dịp nghỉ lễ.

Số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã tăng 44% trong tuần trước so với tuần trước đó. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo một “cơn sóng thần” Covid-19 có nguy cơ khiến các hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới