Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngChạy đua vũ trang bùng nổ khi các nước mạnh tay chi...

Chạy đua vũ trang bùng nổ khi các nước mạnh tay chi cho quốc phòng

Loạt nước công bố ngân sách chi tiêu quốc phòng tăng mạnh cho năm 2022 dấy lên nhiều nguy cơ bùng nổ chạy đua vũ trang trong năm nay.

Ngân sách dành cho chiêu tiêu quốc phòng trong năm được xem là một trong những “thước đo” để đánh giá mức độ ưu tiên cho quân sự của một quốc gia. Tuy nhiên, con số được công bố có thể chỉ là bề nổi, thực tế khó có câu trả lời chính xác. Việc các nước dành nhiều ngân sách cho quốc phòng dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ bùng nổ chạy đua vũ trang, đối đầu quân sự giữa các nước.

“Bạo chi” cho quốc phòng

Đầu tư cho quốc phòng là nhu cầu chính đáng của một nước trong nỗ lực tăng cường tiềm lực quân sự, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Trên thực tế, trên cơ sở dự báo, chiến lược được vạch ra, các nước sẽ tính toán ngân sách cho quốc phòng trong năm. Do đó, việc tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng của các nước cũng là dấu hiệu cho thấy, các quốc gia nhận thức rằng nguy cơ từ bên ngoài ngày càng lớn và nhu cầu phòng thủ cũng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Mới đây (hôm 3/1), trước thềm hội nghị của Liên hợp quốc về không phổ biến vũ khí hạt nhân, các cường quốc hạt nhân gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Pháp cam kết ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và tránh để xảy ra xung đột hạt nhân. Các quốc gia này cho rằng “không có nước nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra”. Tuy nhiên, cam kết là một chuyện, còn việc các nước thực hiện như thế nào khó có thể khẳng định chắc chắn, đó vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.

Mỹ – quốc gia vốn “bơm tiền”, đầu tư nhiều nhất cho quốc phòng, tiếp tục cho thấy ưu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với lĩnh vực này. Theo đó, Mỹ sẽ dành khoản 770 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng trong năm 2022, tăng hơn 5% so với năm trước, trong đó có các khoản chi cho việc tăng 2,7% lương cho quân nhân, mua sắm thêm máy bay và tàu chiến, bên cạnh việc xây dựng các chiến lược đối phó với những nguy cơ địa chính trị từ bên ngoài.

Sự bạo chi của các chính quyền Biden cho thấy Mỹ vẫn là cường quốc số một thế giới về việc rót tiền cho chi tiêu quốc phòng. Điều đáng nói, nhiều chính sách quan trọng của ông Biden gần đây không đạt được thống nhất ở lưỡng viện, như ý định huy động 1,7 nghìn tỷ USD cho chương trình xây dựng hạ tầng toàn cầu và an sinh trong nước, song ông Biden dễ dàng sự đồng thuận của lực lượng chính trị đối lập với chi tiêu quốc phòng.

Điều này cho thấy, giới tinh hoa chính trị Mỹ cùng chung quan điểm về mối nguy Trung Quốc và sự trỗi dậy của Nga. Đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách quân sự của Mỹ đang ngày càng quan tâm hơn đến sự đối đầu với Trung Quốc. Họ muốn đầu tư tiềm lực quân sự, nâng cao tính chiến đấu, hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân nhằm chống lại sự bành trướng quân sự và công nghệ vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh ở châu Á.

Trong khi đó, đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á là Nhật Bản cũng vừa thông qua ngân sách quốc phòng lớn chưa từng thấy. Theo đó, ngân sách quốc phòng của nước này sẽ ở mức 5,4 ngàn tỉ yen (47,2 tỉ USD) cho năm tài khóa 2022. Động thái này diễn ra trong bối cảnh của Tokyo tìm cách tăng cường khả năng phòng thủ và đáp trả trước các mối đe doạ tiềm tàng từ Trung Quốc.

Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida bổ sung 6,75 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng năm 2021. Bộ Quốc phòng Nhật cho biết, khoản ngân sách bổ sung sẽ giúp Tokyo mua sắm tên lửa chống tàu ngầm, máy bay tuần tra biển và máy bay vận tải quân sự. Khoản ngân sách này sẽ giúp nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa trên các đảo giáp biển Hoa Đông và hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 để tạo nên tuyến phòng thủ cuối cùng nhằm đối phó với mối đe doạ tên lửa từ Triều Tiên.

Không kém cạnh, quốc gia láng giềng của Nhật Bản là Hàn Quốc cũng công bố còn số khủng cho quốc phòng trong 5 năm tới. Theo “Kế hoạch trung hạn quốc phòng 2022-2026” được công bố hồi tháng 9, tổng ngân sách quốc phòng 5 năm tới của Hàn Quốc là 315.200 tỷ won (271,37 tỷ USD), tăng thêm 14.500 tỷ won (12,48 tỷ USD) so với kế hoạch công bố năm 2020, trong đó tập trung vào việc tăng cường nguồn lực chiến đấu nhằm hoàn thành bài toán “cải cách quốc phòng 2.0”.

Với ngân sách này, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tham vọng kế hoạch phát triển nhiều loại tên lửa đa dạng, nâng cao về độ chính xác và sức mạnh phá hủy mục tiêu do Hướng dẫn phát triển tên lửa của liên quân Hàn – Mỹ đã hết hiệu lực vào tháng 5 năm ngoái. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng nước này cũng sẽ cải tiến tính năng tên lửa đánh chặn Patriot hiện hành, bố trí tên lửa dẫn đường đất đối không “Cheongung-II” (Thiên cung-II), hệ thống vũ khí dẫn đường đất đối không tầm xa (L-SAM), cũng như bắt tay vào phát triển hệ thống đánh chặn pháo tầm xa “Iron Dome” (Vòm sắt) phiên bản Hàn Quốc.
Trong khi đó, sau “cú sốc” bị Australia huỷ bỏ hợp đồng mua tàu ngầm, Pháp công bố nâng ngân sách dành cho lĩnh vực quốc phòng năm 2022 cao kỷ lục, lên đến 40,9 tỷ, tăng 1,7 tỷ euro so với năm 2021.euro. Với khoản ngân sách này, quân đội Pháp sẽ được bổ sung thêm nhiều khí tài quan trọng như 245 xe bọc thép đa dụng Griffon, Jaguar hoặc Serval, 200 tên lửa tầm trung, 8 máy bay trực thăng NH90, một khinh hạm đa nhiệm, một tàu ngầm lớp Barracuda, 5 máy bay vận tải quân sự cỡ lớn…

Hai lĩnh vực tình báo và không gian mạng được xác định là những “thách thức chiến lược”, được hưởng khoản ngân sách ưu tiên đặc biệt. Ngân sách quốc phòng năm 2022 được xem là cú hích giúp khôi phục vị thế của quân đội Pháp hiện nay. Đặc biệt, kể từ năm 2023, mức tăng dự kiến sẽ được nâng lên 3 tỷ euro mỗi năm.

Bùng nổ chạy đua vũ trang?

Mặc thế giới vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do hệ lụy từ đại dịch COVID-19, kinh tế các nước kiệt quệ song theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2021 tăng 2,6%. Trung bình mỗi quốc gia đã chi 2,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.

Dù chưa công bố chính thức song các khoản chi cho quốc phòng năm nay của Trung Quốc và nhiều quốc gia khác được dự báo sẽ tăng mạnh. Năm ngoái, Bắc Kinh chi 1,35 nghìn tỷ nhân dân tệ (208,47 tỷ USD), tăng 6,8% so với năm 2020. Trung Quốc là quốc gia chịu chi cho quốc phòng đứng thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ.

Với việc các nước không ngần ngại chi đậm cho ngân sách quốc phòng, ưu tiên nâng cao năng lực quân sự khiến nguy cơ về cuộc chạy đua vũ trang hiện hữu hơn bao giờ hết. Trong đó, cạnh tranh giữa 2 cường quốc hạt nhân như Mỹ và Trung Quốc được xem là diễn ra gay gắt nhất. Trung Quốc chắc chắn sẽ không ngồi yên để nhìn Mỹ trang bị khí tài hiện đại, nâng cấp chất lượng vũ khí vượt trội so với nước này, Bắc Kinh sẽ tìm cách để đối trọng với Washington.

Tham vọng bá quyền, dẫn dắt trật tự thế giới theo ý muốn của Mỹ và Trung Quốc đã được thể hiện rất rõ trong thời gian qua. Hai quốc gia này cạnh tranh, “kèn cựa” nhau trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có quốc phòng. Trong cuộc đua này, kịch bản mà thế giới không bao giờ mong muốn là bùng nổ cuộc chiến hạt nhân giữa Washington và Bắc Kinh.

Viễn cảnh cuộc chiến hạt nhân là điều không bên nào muốn, song nguy cơ bùng phát một cuộc chiến như vậy giữa Mỹ và Trung Quốc hoàn toàn có thể xảy ra. Tính toán chiến lược sai lầm, thậm chí một trục trặc của hệ thống chỉ huy có thể sẽ châm ngòi cho xung đột vũ trang, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh được cho là đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Lầu Năm Góc dự báo Trung Quốc sẽ sở hữu 1.000 đầu đạn vào năm 2030.

Trong bối cảnh nhiều nước đang có dấu hiệu gia tăng đầu đạn hạt nhân, Washington sẽ phải duy trì, đảm bảo năng lực răn đe hạt nhân của mình. Điều đó sẽ khiến cho cuộc chạy đua hạt nhân nguy cơ tiếp diễn căng thẳng trong thời gian tới.

Dấu hiệu đáng quan ngại hơn hiện này là cuộc đua vũ khí siêu thanh giữa Trung Quốc và Mỹ thời gian qua. Một khi các vũ khí siêu thanh này được gắn thêm đầu đạn hạt nhân thì hiểm họa sẽ là khôn lường bởi đầu đạn hạt nhân có thể phóng đi các hướng khác nhau. Điều này rất nguy hiểm và sẽ là thách thức lớn cho các nước, trong đó có cả Mỹ.
Các nước ‘bạo chi’ cho quốc phòng, chạy đua vũ trang bùng nổ trong năm 2022? – 3

Tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được xem là mối nguy hiểm tiềm tàng đối với nhân loại.

Mới đây rộ lên những thông tin cho rằng Trung Quốc thử nghiệm tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn đến đâu bất kỳ đâu trên lục địa Mỹ. Ngay sau động thái của Trung Quốc, Mỹ tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa bội siêu thanh, thậm chí là lên kế hoạch chế tạo vũ khí laser công suất mạnh chưa từng có, nhằm hạ gục hàng loạt mục tiêu, trong đó có tên lửa siêu vượt âm của đối thủ.

Trong cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước, châu Á – Thái Bình Dương được xem là điểm nóng. Trên khắp châu Á, các nước âm thầm tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang để tránh bị bỏ lại phía sau. Các quốc gia trong khu vực đang mua hoặc phát triển các loại khí tài mới, bắt nguồn từ những lo ngại an ninh từ Trung Quốc, cũng như mong muốn giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Chính sách ngoại giao và đường lối hiếu chiến của Trung Quốc trong những năm qua đang khiến các nước láng giềng cảnh giác và quan ngại. Mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn thể hiện cam kết, tiếp tục thực thi sáng kiến “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” song nhiều nước ở khu vực giờ đây muốn tự chủ trong việc bảo vệ chủ quyền hơn là “cậy nhờ” Mỹ.

Nguy cơ xung đột vũ trang ở châu Á không chỉ dừng lại ở cuộc đối đầu Mỹ và Trung Quốc, mà còn vươn đến nhiều không gian, khu vực khác ở châu lục. Trong đó, bùng nổ đối đầu trực diện về quân sự liên quan đến bán đảo Đài Loan vẫn luôn thường trực, trong khi nguy cơ leo thang căng thẳng ở mức “không kiểm soát” giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới hai nước không loại trừ. Mới đây, Ấn Độ sắp lắp xong hệ thống tên lửa S-400 sát biên giới Trung Quốc.

Dù được xem là quốc gia chi mạnh tay cho ngân sách quốc phòng song Trung Quốc vẫn luôn lớn tiếng đòi hỏi các nước giảm đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc cho rằng, Nga và Mỹ vẫn sở hữu 90% số đầu đạn, cần thu nhỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Bắc Kinh cũng tuyên bố duy trì năng lực hạt nhân ở mức tối thiểu để bảo đảm an ninh quốc gia, đồng thời tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân để bảo đảm độ an toàn.

Chạy đua vũ trang giữa các quốc gia khó có thể kết thúc “một sớm một chiều”, thậm chí khả năng bùng nổ ở mức độ cao hơn trong năm 2022 khi loạt nước tăng mạnh ngân sách quốc phòng. Kịch bản tái diễn chiến tranh thế giới khó có thể xảy ra song xung đột, đụng độ ở quy mô nhỏ giữa các nước, ở các khu vực là điều không ngoại trừ.

RELATED ARTICLES

Tin mới