Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Liêu - Sơn rẽ sóng, Tokyo giật mình”

“Liêu – Sơn rẽ sóng, Tokyo giật mình”

Là lối nói tắt. Đầy đủ, Liêu Ninh và Sơn Đông – hai tàu sân bay của Trung Quốc – rất có thể sẽ có các cuộc diễn tập ở biển Hoa Đông, khiến Nhật Bản buộc phải cảnh giác.

Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc

Trung Quốc và Nhật Bản bấy nay vẫn gầm gừ, vờn nhau trên biển Hoa Đông. Thời điểm hiện tại, cả hai đều là đối thủ xứng tầm, cùng chín lạng, một cân cả. Về mặt kinh tế, Trung Quốc lẫn Nhật Bản từng, đang và sẽ là những đối tác thương mại lớn. Giận thì giận, nhưng Tokyo và Bắc Kinh chắc chắn khó có thể tuyệt tình nhau về thương mại, bởi những lợi ích đưa lại cho mỗi bên đều quá lớn. Thế nên, giận dỗi, làm mình làm mẩy, đủ độ rồi, hai bên lại đuề huề.

Nhưng câu chuyện quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản), Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) trên biển Hoa Đông thì chịu: cả hai bên, Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền, cùng coi là “thiêng liêng”, không thể nhân nhượng, cho dù, tới nay, quần đảo này “vắng như chùa Bà Đanh” không một mống người.

Nhật Bản lợi thế hơn ở chỗ được Mỹ trao quyền quản lý từ hơn 50 năm trước, hiện vẫn đang kiểm soát. Tuy nhiên, Trung Quốc đâu có vừa, nhất là từ ngày lớn phổng, béo tốt, sau thời kỳ “ngủ đông” ốm yếu. Đòi lại bằng được Điếu Ngư – đó là điều Bắc Kinh luôn tuyên bố. Chính thế, biển Hoa Đông, từ bấy đến nay, trở thành một khu vực nhạy cảm mỗi khi, hoặc Trung Quốc, hoặc Nhật Bản có những động thái quân sự, như tập trận, thử tên lửa, thả thủy lôi…Thậm chí, các lần tập trận của mỗi bên, trên đất liền, cũng trở nên đáng ngờ, bị bên kia soi mói xem có mô phỏng thực địa Senkaku/Điếu Ngư hay không.

Động thái quân sự của Trung Quốc vừa qua không diễn ra trên đất liền, mà trên biển. Thời báo Hoàn Cầu, trong một ngày cuối năm 2021, nêu rằng: Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gần đây đã cử một nhóm tác chiến tàu sân bay đi qua eo biển Miyako vào Thái Bình Dương. Theo đó, dư luận thì nhận định chuyến đi này của tàu sân bay Trung Quốc có khả năng là một cuộc tập trận thường lệ, có thể bao gồm các cuộc tập trận gần đảo Đài Loan và ở Biển Đông.

Nhưng người Nhật đâu có khờ khạo, dễ tin. Ngay sau đó, phía Nhật Bản cho biết, Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF), từ hôm 15/12 đã “phát hiện một đội tàu Hải quân Trung Quốc gồm 4 tàu chiến là tàu sân bay Liêu Ninh (tàu sân bay đầu tiên Trung Quốc cải hoán từ một tàu mua lại của Ucraina), tàu khu trục cỡ lớn Nam Xương lớp Type 055, tàu hộ vệ tên lửa Nhật Chiếu lớp Type 054A và tàu tiếp tế hậu cần tổng hợp Hô Luân Hồ lớp Type 901”. Đội tàu này sau đó đã đi qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako rồi đi về phía Nam hướng ra Thái Bình Dương vào hôm 16/12.

Nếu chỉ có thế, cũng không mấy quan ngại. Nhưng, cũng trong thông cáo báo chí, phía Nhật cho biết: họ phát hiện “trong quá trình di chuyển, nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận cất hạ cánh máy bay trực thăng trên tàu ở Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương.”

Nói ra Biển Đông để tập trận thường lệ, sao bỗng nhiên lại cất cánh, hạ cánh trên tàu sân bay tại biển Hoa Đông? Và người Nhật không thể không thể không đặt câu hỏi: Với hành động đó, Trung Quốc định toan tính gì? Nó có liên hệ nào tới cụm đảo Senkaku/Điếu Ngư?

Nếp tẻ ra sao chưa biết, nhưng việc cần làm ngay là người Nhật tức tốc cho các tàu chiến và máy bay chiến đấu, kể cả tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo mới được hoán cải thành tàu sân bay, bám sát sự di chuyển của nhóm tàu chiến Trung Quốc. Động thái của Tokyo, một mặt đề phòng một sự cố bất ngờ mà một đối thủ như Bắc Kinh, có thể không từ; mặt khác, khẳng định Senkaku là của Nhật Bản, không thể nhân nhượng.

Sau “trò chơi nhào lộn” trên tàu sân bay Liêu Ninh, phía Nhật Bản hẳn càng sốt ruột và cảnh giác hơn khi có chuyên gia dự đoán rằng: những diễn tập quân sự gần đây với sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh, là chưa đủ. Tham vọng, cũng là mục tiêu của Trung Quốc, là phải tăng cường các cuộc diễn tập quân sự có “cả đôi” tàu sân bay – tức Liêu Ninh và Sơn Đông – mà nước này đang sở hữu tham gia, tại các vùng biển mà họ có tranh chấp, vừa để khoe khoang, vừa để uy hiếp bất kỳ đối thủ nào không chịu khuất phục. Chẳng lâu đâu, đà này, việc ấy sẽ diễn ra nay mai thôi!

Thế nên, Nhật Bản giật mình, cảnh giác cũng là phải!

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới