J-20 là máy bay tiêm kích tàng hình hai động cơ thế hệ thứ 5 của Không quân Trung Quốc, được truyền thông Trung Quốc cho rằng là máy bay chiến đấu có sức mạnh lớn và do Trung Quốc tự sản xuất. Tuy nhiên, một cuốn sách mới xuất bản đã củng cố thêm nghi ngờ rằng J-20 chưa đủ an toàn để vận hành.
J-20 được phát triển và sản xuất bởi Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 11/1/2011.
Để kỉ niệm 11 năm J-21 thực hiện chuyến bay đầu tiên, ĐCSTQ ra mắt cuốn sách “Chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc”. Cuốn sách do Nhà xuất bản Tân Hoa xã Thiểm Tây và Nhà xuất bản Nhân dân Thiểm Tây công khai trên tài khoản WeChat “Aviation Industry” vào ngày 11/1.
Theo Epoch Times, cuốn sách đã tiết lộ những sự thật ít người biết về những biến cố trong toàn bộ quá trình J-20 bay thử nghiệm.
Một sự cố điển hình đã xảy ra vào 9h40 sáng ngày 18/12/2012 khi J-20 chuẩn bị thử nghiệm taxi tốc độ cao (high-speed taxi test, máy bay chạy tốc độ cao trên đường băng và không cất cánh).
Trước khi cuộc thử nghiệm diễn ra, máy phát đo từ xa (telemetry transmitter) trên máy bay J-20 đã được bật, tín hiệu của hệ thống giám sát an ninh mặt đất hoạt động tốt.
Khoảng 10 giờ sáng, màn hình giám sát hiển thị dữ liệu bất thường và đèn cảnh báo toàn diện báo động. Tuy nhiên màn hình hiển thị trên máy bay vẫn bình thường. Chỉ huy mặt đất đã ra lệnh chấm dứt cuộc thử nghiệm và bắt đầu phân tích nguyên nhân dẫn đến sự cố. Kết quả phân tích chí ra rằng, nếu đưa ra quyết định dừng cuộc thử nghiệm chậm 2-3 phút thì có thể một tai nạn lớn đã xảy ra.
Một tai nạn khác đối với J-20 được ghi nhận vào ngày 17/5/2016. Sau khi nhiều phần mềm giám sát cảnh báo lỗi, phi công đã được yêu cầu ngừng bay, rất may là không có tai nạn nào xảy ra.
Trong khi J-20 vẫn còn bị nghi ngờ về tính an toàn, vào ngày 13/10/2019, Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng không quân Trung Quốc, người phát ngôn của lực lượng phòng không nói rằng J-20 đã được xếp vào nhóm máy bay chủ đạo và sự thành công của J-20 cho phép Trung Quốc gia nhập ngành hàng không đẳng cấp thế giới.
Các nhà quan sát và chuyên gia chỉ ra rằng J-20 nhái lại F-22 của Mỹ, vì thế nhiều phương tiện truyền thông thường so sánh khả năng của J-20 với năng lực chiến đầu của F-22.
Justin Bronk, một chuyên gia hàng không Anh nói với Business Insider vào năm 2019 rằng, ngay cả khi J-20 là máy bay chiến đấu tốt nhất của Trung Quốc, nó sẽ không thể so sánh ngay cả với máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ. Ông tin rằng Trung Quốc còn lâu mới có thể chạm đến ngưỡng cải thiện được hiệu suất của J-20. Do đó, loại máy bay này không thể sánh được với F-15 hay Typhoon, chứ đừng nói đến F-22.
Sau khi Trung Quốc trình diễn J-20 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải năm 2016, truyền thông Nga cũng đã chỉ ra rằng J-20 nhái công nghệ của Nga và Mỹ. Su Bi, một người Trung Quốc 51 tuổi, bị Hoa Kỳ bỏ tù vào năm đó, đã thừa nhận tội âm mưu cùng với quan chức Trung Quốc đánh cắp công nghệ sản xuất máy bay chiến đấu F-35, F-22 và máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 của Mỹ.
Konstantin Dushenov, nhà bình luận về tình hình chính trị Nga cho biết: J-20 sao chép công nghệ của máy bay thử nghiệm MiG-1.44 của Nga và công nghệ của máy bay chiến đấu F-35 và F-22 của Mỹ.
Ngày 8/11/2018, SCMP dẫn lời một nguồn tin quân sự cho biết động cơ WS-15 được Trung Quốc chế tạo riêng cho J-20 hoạt động rất không ổn định nhưng các kỹ sư không tìm ra nguyên nhân chính.
Máy bay chiến đấu J-20 được trưng bày tại Triển lãm Hàng không Chu Hải được trang bị động cơ AL-31 của Nga.
Trang Sina đưa ra nhận định vào tháng 3/2021 rằng, Trung Quốc sẽ phải mất từ 5 đến 15 năm nữa để giải quyết vấn đề động cơ cho J-20, ngoài ra, năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ máy bay của Trung Quốc đang thua kém Hoa Kỳ 30 năm.
T.P