Friday, November 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiChính thức ban hành gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000...

Chính thức ban hành gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỉ đồng

Gói phục hồi kinh tế vừa được Chính phủ ban hành nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Chính phủ đặt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Chương trình này nhằm hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Thời gian hỗ trợ chủ yếu trong các năm 2022 và 2023. Một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tuỳ theo diễn biến dịch bệnh.

Để đạt được những mục tiêu trên, nghị quyết đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, Chính phủ sẽ ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022 – 2023); tiếp tục hướng dẫn và triển khai thực hiện lộ trình mở cửa trở lại du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hoá, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh ở những nơi cần thiết, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ hệ thống y tế cơ sở; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị Covid-19, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.

Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Cụ thể, hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm (thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022).

Thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội, bao gồm: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (10.000 tỉ đồng); Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội (15.000 tỉ đồng); Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập (3.000 tỉ đồng); Cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (9.000 tỉ đồng); Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch (1.400 tỉ đồng).

Đồng thời, hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong các năm 2022 – 2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong giai đoạn 2022 – 2023 (3.000 tỉ đồng).

Thứ ba, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Trong đó, có thể kể tới các giải pháp về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí như: Trong năm 2020, giảm 2% thuế suất cho các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% đối với cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong hai năm 2022 – 2023 thông qua hệ thống ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; Phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong giai đoạn 2022 – 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Thứ tư, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bao gồm việc tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan toả lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế; phấn đấu sớm hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Thứ năm, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bao gồm việc tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới