Thursday, January 2, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiĐã đến lúc hình thành Đối tác Mỹ – Nhật về vấn...

Đã đến lúc hình thành Đối tác Mỹ – Nhật về vấn đề đại dịch

Ngoài trách nhiệm đạo đức, Nhật Bản và Mỹ có những lợi ích hấp dẫn trong việc hợp tác chặt chẽ hơn để ứng phó với đại dịch COVID-19 trên phạm vi quốc tế.

Omicron đang bắt đầu lan tràn khắp hai nước Mỹ và Nhật, làm cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa thủ tướng mới của Nhật Bản, Kishida Fumio, và Tổng thống Mỹ Joe Biden bị hoãn. Tạm thời, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp mặt trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 21/01. Sẽ là khôn ngoan nếu hai bên nhân cơ hội này chuẩn bị cơ sở cho việc khởi động quan hệ Đối tác Đại dịch Mỹ-Nhật nhằm giúp chấm dứt COVID-19 trên khắp thế giới.

Tháng 4 năm ngoái, Biden và Thủ tướng Nhật khi đó là Suga Yoshihide đã thông báo rằng họ sẽ hợp tác để giúp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phục hồi sau đại dịch. Đây là một chiến lược thông minh và phù hợp với trách nhiệm của họ, trong tư cách là nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba thế giới. Nhưng từ đó tới nay, sự hợp tác hiếm khi được thể hiện rõ ràng, ngoài một số phối hợp nhằm hỗ trợ sáng kiến vaccine COVAX, và việc công bố Cơ chế Hợp tác Vaccine Quad (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn) nhằm cung cấp 1 tỷ liều vaccine cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào cuối năm 2022.

Hợp tác hạn chế này diễn ra trong bối cảnh toàn thế giới vẫn còn chật vật ứng phó với đại dịch. Trong khi hơn 70% dân số ở các nước thu nhập cao đã được tiêm chủng đầy đủ, chưa đến 5% người dân ở các nước thu nhập thấp và các nước nghèo nhất thế giới thiếu thốn các thiết bị bảo hộ cá nhân, thiết bị chẩn đoán cơ bản, oxy, và các phương pháp trị liệu vốn phổ biến ở những nơi khác.

Trên thực tế, cộng đồng quốc tế đã không đạt được hết các mục tiêu chính đề ra trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Cơ chế tăng tốc tiếp cận công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) của liên minh các trung tâm phản ứng toàn cầu ước tính rằng: cần phải cam kết tới 38 tỷ USD cho việc chủng ngừa, chẩn đoán và điều trị ở các nước nghèo nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2021, nhưng tài trợ từ các nước mới chỉ bằng một nửa số tiền đó. Các quốc gia hàng đầu thế giới đều tán thành mục tiêu của WHO là tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số ở mọi quốc gia vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, đến cuối năm, chỉ có 7 trong số 54 quốc gia châu Phi hoàn thành chỉ tiêu, với chưa tới 10% dân số lục địa được tiêm chủng đầy đủ.

Mỹ gần như hoàn toàn vắng mặt trên trường quốc tế trong năm đầu tiên của đại dịch, nhưng từ năm 2021, nước này đã tích cực hoạt động để thúc đẩy phản ứng toàn cầu, âm thầm tài trợ quốc tế nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác – tổng cộng là 19 tỷ USD, theo thông tin từ Quỹ Kaiser Family. Một số nước EU cũng viện trợ rất hào phóng, nhưng các nước châu Á giàu có nhất, trong đó có Nhật Bản, lại tụt rất xa trong việc hỗ trợ ứng phó đại dịch toàn cầu.

Khác với Mỹ, chính phủ Nhật đã sớm trở thành nhà tài trợ cho công cuộc ứng phó COVID-19 quốc tế, phù hợp với tầm vóc của một nhà lãnh đạo y tế toàn cầu. Thế nhưng, dù bắt đầu từ sớm, cam kết của Nhật cuối cùng chỉ bằng 1/10 so với Mỹ – chưa đến 2 tỷ USD – trực tiếp hỗ trợ việc thử nghiệm, điều trị, và cung cấp vaccine COVID-19 ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ngoài ra, họ cũng cam kết thêm khoảng 2 tỷ USD dưới dạng các khoản vay và viện trợ không hoàn lại để ổn định kinh tế và hỗ trợ thêm cho các quốc gia bị tổn thương bởi đại dịch.

Ngoài trách nhiệm đạo đức của mình, với tư cách là hai trong số các quốc gia giàu nhất thế giới, Nhật và Mỹ có những lợi ích hấp dẫn trong việc cùng nhau hợp tác sâu rộng hơn để chống lại COVID-19 trên trường quốc tế. Chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc đã cho thấy rõ ràng có những hàm ý địa chiến lược quan trọng khi chứng minh rằng thế giới có thể trông cậy vào các nền dân chủ hàng đầu trong lúc cấp thiết. Và sự lan rộng của các biến thể Delta và Omicron còn nhấn mạnh một nguy cơ, nếu đại dịch lây lan ở các quốc gia nghèo nhất càng lâu, thì càng có nhiều khả năng một biến thể mới, nguy hiểm hơn sẽ phát sinh, đe dọa công dân ở Ohio, Osaka và mọi nơi khác trên thế giới.

Đó là lý do tại sao việc khởi động Quan hệ Đối tác Đại dịch Mỹ-Nhật mới là rất quan trọng. Lý tưởng nhất, nó sẽ bao gồm năm thành phần.

Đầu tiên và quan trọng nhất, là phối hợp để cung cấp thêm kinh phí cho hoạt động ứng phó toàn cầu. Mỹ đã sử dụng hầu hết các khoản tài trợ sẵn có, nhưng chính quyền Biden đang cân nhắc việc yêu cầu Quốc Hội tăng thêm ngân sách. Dưới con mắt của cộng đồng y tế toàn cầu, Biden đã chính thức nắm quyền điều hành phản ứng quốc tế nhờ Hội nghị Thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu vào tháng 9/2021 và cam kết rằng Mỹ sẽ đóng vai trò là kho vaccine của thế giới. Ông dự kiến sẽ nhóm họp Thượng đỉnh COVID-19 lần thứ hai vào mùa xuân, có lẽ là vào giữa đến cuối tháng 3, và đó sẽ là một bối cảnh hoàn hảo để Kishida có thể bắt kịp Mỹ trong việc đưa ra cam kết tài trợ mới – lý tưởng là thêm 1 hoặc 1,5 tỷ USD nữa – cho các tổ chức đa phương đang đóng vai trò cốt lõi trong phản ứng toàn cầu. Sự hào phóng hơn của Nhật Bản, phối hợp với các cam kết mới của Mỹ, sẽ là những bằng chứng quan trọng trong việc truyền tải cam kết song phương thực sự đối với cuộc chiến.

Thứ hai, Mỹ và Nhật cũng cần tích cực hơn trong việc mở rộng sản xuất vaccine trong nước và toàn cầu. Cách đây khoảng 80 năm, cả hai quốc gia từng tiến hành một cuộc huy động toàn thể các ngành công nghiệp trong nước để gây chiến với nhau, thế nên thật khó hiểu là họ đã không sử dụng cùng một mức năng lượng như vậy trong trận chiến COVID-19 để cứu hàng triệu sinh mệnh. Chính phủ Nhật đang hy vọng hồi sinh ngành công nghiệp vaccine nội địa của mình, vì vậy nỗ lực này có thể còn giúp ích nhiều hơn cho chính họ.

Thứ ba, sẽ là khôn ngoan nếu Nhật tham gia cùng Mỹ trong việc hỗ trợ phát động một quỹ chuẩn bị cho đại dịch mới. Hàng loạt các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu đã kết luận rằng một trong những cải cách cấp bách nhất thời hậu COVID là tạo ra một cơ chế phân bổ nguồn lực để tăng cường các nỗ lực giám sát đại dịch, chuẩn bị năng lực sẵn sàng ứng phó trên toàn thế giới, và yêu cầu một ủy ban cấp cao của G-20 tán thành kế hoạch tạo ra một cơ chế tài trợ mới, với ngân sách hàng năm là 10 tỷ USD. Quốc Hội Mỹ đã phân bổ 250 triệu USD cho quỹ này và Biden đã hứa sẽ tìm kiếm thêm tài trợ. Việc Nhật trực tiếp tham gia cùng dẫn đầu nỗ lực biến đề xuất này thành hiện thực sẽ càng có lợi cho y tế toàn cầu – và là một biểu hiện không thể chối cãi của tinh thần đoàn kết.

Thứ tư, Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong việc thúc đẩy bảo hiểm y tế toàn dân (UHC), cả trong và ngoài nước. Quốc gia này có bề dày thành tích trong việc giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình đi theo con đường tiến tới UHC của mình. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) nên phối hợp tốt hơn với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), và hỗ trợ công việc lâu dài của tổ chức này nhằm tăng cường hệ thống y tế, giúp các xã hội ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa như đại dịch COVID-19.

Cuối cùng, đại dịch đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ và Nhật trong việc đầu tư vào các hoạt động giao lưu và đối thoại giữa người dân với nhau. Một số lượng đáng ngạc nhiên các quan hệ nghiên cứu và hợp tác giữa Nhật và Mỹ trong các lĩnh vực khoa học và y học đã giúp các nhà nghiên cứu nhanh chóng chia sẻ các phát hiện về COVID-19, và việc tái khẳng định cam kết chung với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, vốn là nơi nảy sinh các quan hệ này, cũng rất quan trọng. Đồng thời, rõ ràng cũng cần làm sâu sắc hơn các cuộc đối thoại và trao đổi về mặt chính sách, chẳng hạn như giữa các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách, tập trung vào các vấn đề y tế-sức khỏe, phát triển, và quy định toàn cầu ở mỗi quốc gia. Đầu tư vào những lĩnh vực này sẽ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng con người cho sự hợp tác trong tương lai.

Tất cả các thông cáo báo chí lớn của Nhật-Mỹ trong hai năm qua đều là các cam kết hợp tác về đại dịch COVID-19. Khởi động Quan hệ Đối tác Đại dịch Mỹ-Nhật và dành nguồn lực thực sự cho 5 ưu tiên kể trên sẽ cho phép Biden và Kishida vượt ra ngoài những lý thuyết suông và chứng tỏ rằng mình nghiêm túc trong việc khai thác tiềm năng của liên minh hai nước.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới