Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc khoe năng lực tấn công Guam Mỹ, tham vọng có...

Trung Quốc khoe năng lực tấn công Guam Mỹ, tham vọng có không quân chiến lược

Trung Quốc vừa điều 8 máy bay ném bom H-6K cùng các máy bay hộ tống khác phô trương năng lực tấn công Guam Mỹ và khả năng áp đặt ADIZ.

Tham vọng “bảo vệ hòa bình thế giới”

Ngày 27/11, tại Nam Kinh, người phát ngôn Không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa tuyên bố: “Không quân Trung Quốc cùng ngày đã tổ chức cho nhiều loại máy bay như máy bay ném bom H-6K bay qua eo biển Miyako đến Tây Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện biển xa, vượt qua chuỗi đảo thứ nhất hơn 1.000 km.

Đồng thời, Trung Quốc cũng điều động H-6K và nhiều loại máy bay tiêm kích, máy bay cảnh báo sớm, tiến hành tuần tra cảnh giới ở Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông.

Trong năm qua, Không quân Trung Quốc đã 4 lần đến Tây Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện biển xa, đã nâng cao năng lực tác chiến hệ thống tầm xa cho lực lượng đường không ở biển xa.

Trong 2 năm qua – kể từ khi Trung Quốc (đơn phương) lập ra Vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, Không quân Trung Quốc dựa vào ‘Thông cáo quy tắc nhận dạng máy bay ở Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa’, luôn duy trì tuần tra cảnh giới bình thường.

Đối với các máy bay quân sự nước ngoài xâm nhập vùng nhận dạng phòng không, kịp thời tiến hành nhận dạng, phán đoán chủng loại, đồng thời đã tiến hành theo dõi toàn bộ quá trình.

Đối với những trường hợp trên không khác thường và bất minh, căn cứ vào các mối đe dọa khác nhau ở trên không, áp dụng các biện pháp tương ứng, đã bảo vệ an ninh vùng trời quốc gia.”

Sơ đồ bay của các máy bay Trung Quốc trong cuộc tập trận ngày 27 tháng 11 năm 2015 do Nhật Bản công bố

Cũng trong ngày 27/11, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng đã công bố thông tin về cụm máy bay huấn luyện biển xa của Không quân Trung Quốc.

Trong báo cáo, phía Nhật Bản cho hay, họ đã phát hiện được tổng cộng có 8 máy bay ném bom chiến lược H-6K, 1 máy bay trinh sát điện tử Tu-154MD, 1 máy bay cảnh báo sớm KJ-200 và 1 máy bay trinh sát điện tử GX-2. Trong đó, 8 máy bay ném bom H-6K được chia làm 2 tốp, mỗi tốp 4 chiếc.

Khi đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã điều động các máy bay chiến đấu cất cánh khẩn cấp để tiến hành giám sát đội máy bay Trung Quốc.

Hình ảnh chụp được từ phía Nhật Bản cho thấy, một biên đội H-6K là máy bay thuộc trung đoàn 28, sư đoàn 10 của Không quân Trung Quốc, đơn vị này đóng ở An Khánh, cách Thượng Hải 450 km về phía tây.

Một biên đội đã bay tập trung ở trong Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông. Còn một biên đội H-6K có sự trợ giúp của máy bay cảnh báo sớm KJ-200, đã bay qua quần đảo Ryukyu, bay qua eo biển Miyako, thâm nhập “chuỗi đảo thứ hai”, khoảng cách đã bay 1.000 km.

Biên đội máy bay này đã nhận được sự hỗ trợ của 2 máy bay tác chiến điện tử Trung Quốc gồm 1 chiếc Tu-154MD cải tiến và 1 chiếc máy bay trinh sát Y-8CB, trong đó, Y-8CB cũng có năng lực đối kháng điện tử.

Máy bay tác chiến điện tử GX-2 Trung Quốc do Nhật Bản chụp được

Phát đi những tín hiệu mới

Bình luận về sự kiện này, The National Interest ngày 2/12 cho rằng, hành động này của Trung Quốc nhằm chứng minh “tính nghiêm túc” của ADIZ và cảnh cáo quân đội Mỹ và Nhật Bản phải biết “giữ khoảng cách”.

Bài báo viết: Hành động này có ý nghĩa quan trọng, thể hiện Trung Quốc rất coi trọng việc áp đặt Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông. Ngoài ra, máy bay ném bom H-6K và máy bay chiến đấu Su-30 phiên bản Trung Quốc cũng đã phát đi tín hiệu “giữ khoảng cách” đối với Mỹ và Nhật Bản.

Trong khi đó, tờ Jane’s Defense Weekly Anh ngày 30/11 cho rằng, các máy bay như H-6K Trung Quốc vừa xâm nhập vùng biển “chuỗi đảo thứ hai”, mục đích tập trận lần này của Trung Quốc là xây dựng năng lực tấn công tầm xa và phong tỏa trên biển. Trong tương lai, Quân đội Trung Quốc có thể gia tăng mức độ tuần tra, cảnh báo sớm ở vùng nhận dạng phòng không.

Theo bài báo, “chuỗi đảo thứ hai” là một khái niệm bao vây Trung Quốc do Mỹ đưa ra. Mỹ coi một loạt căn cứ từ Nhật Bản xuống Philippines cùng các đồng minh của Mỹ là “chuỗi đảo thứ nhất” dùng để bao vây hải, không quân Trung Quốc.

Hình ảnh máy bay ném bom H-6K Trung Quốc do Nhật Bản công bố

Sau khi Trung Quốc có năng lực phá hủy các căn cứ chính của chuỗi đảo thứ nhất, Mỹ lại coi vùng biển phía đông chuỗi đảo thứ nhất là chuỗi đảo thứ hai, nhưng ở đó hoàn toàn không có “chuỗi đảo” thực sự.

Căn cứ trung tâm duy nhất của “chuỗi đảo thứ hai” mà Mỹ nói hiện nay chính là Guam ở Thái Bình Dương. Guam cách Trung Quốc khoảng 4.000 km. Vì vậy, máy bay ném bom H-6K Trung Quốc lần này bay ra được cho là phô trương khả năng tấn công Guam bằng tên lửa hành trình tầm bắn 2.000 km.

Thực ra, thủ đoạn tấn công Guam của Trung Quốc không chỉ có máy bay ném bom. Trước đó, Trung Quốc đã triển khai tên lửa Đông Phong-4 ở khu vực đông nam, mục tiêu chính đã bao gồm Guam.

Hiện nay, những tên lửa cũ này đã được tên lửa Đông Phong-26 thay thế. Loại tên lửa có tầm bắn trên 4.000 km này vừa có thể lắp đầu đạn hạt nhân, vừa có thể lắp đầu đạn thông thường.

Ngoài ra, tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới Type 093A Trung Quốc đã trang bị hệ thống bắn thắng đứng tên lửa hành trình. Hơn nữa, hệ thống bắn thẳng đứng của tàu khu trục Type 052D cũng có thể bắn tên lửa hành trình YJ-18 phiên bản tấn công đối đất. Những tàu chiến mặt nước, tàu ngầm này có thể xâm nhập vùng biển Tây Thái Bình Dương rồi tấn công Guam.

Máy bay chiến đấu Su-30MK (nguồn CCTV)

Báo Business Insider, Mỹ ngày 5/12 cũng đã đăng bài viết bình luận “Trung Quốc vừa điều máy bay ném bom tầm xa thâm nhập Thái Bình Dương phát đi tín hiệu: Những gì PLA có thể làm”.

Bài báo cho rằng biển Hoa Đông là một trong những điểm bùng nổ tiềm tàng gây bất ổn nhất ở Đông Á. Bắc Kinh đang tìm cách phô trương ưu thế sức mạnh quân sự của họ ở đó, hầu như có ý đồ đe dọa các đối thủ.

Theo trang Jane’s 360, ngày 27/11, máy bay ném bom Trung Quốc đã bay trong phạm vi cái gọi là Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố.

Bản thân ADIZ không tạo ra bất cứ định chế nào về không phận quốc gia cho Trung Quốc ở Hoa Đông. Nhưng hoạt động của máy bay ném bom cho thấy rõ Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát thành công đối với một số khu vực.

Máy bay ném bom H-6K Trung Quốc (nguồn CCTV)

Nhà nghiên cứu Peter Dalton thuộc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc, Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ cho rằng, hành động lần này đã phản ánh sức mạnh quân sự của Trung Quốc, họ có ý đồ thúc đẩy các mục tiêu chiến lược.

Theo Peter Dalton: “Việc này đang trở nên ngày càng thường xuyên. Cuộc diễn tập này cho thấy, người Trung Quốc đang phát triển năng lực chống can dự, ngăn chặn khu vực, hình thành lực lượng đường không tầm xa”.

Đến nay, Trung Quốc đã có “thực lực quân sự không ngừng phát triển, có thể điều lực lượng tới Tây Thái Bình Dương xa hơn, đồng thời tìm cách gây ảnh hưởng đến kết quả diễn biến tình hình ở khu vực cách xa lãnh thổ”.

H-6K: Máy bay ném bom chủ lực

Theo tờ The National Interest Mỹ ngày 2/12, H-6K là phiên bản nâng cấp sâu sắc của máy bay ném bom “cổ” Tu-16 được Liên Xô sản xuất vào thập niên 1950. H-6K chính là máy bay ném bom chủ lực của Quân đội Trung Quốc.

Mặc dù Tu-16 là một loại “đồ cổ”, nhưng H-6K lại là một loại máy bay hiện đại đã tiến hành cải tiến to lớn đối với thân máy bay, bộ cảm biến và động cơ; được biên chế vào năm 2011.

Máy bay H-6K sử dụng 2 động cơ D-30-KP2 do Nga chế tạo, chứ không sử dụng động cơ WP-8 tự chế, đã sử dụng vật liệu composite. Hành trình đã mở rộng 30%, bán kính tác chiến đạt khoảng 3.500 km (2.200 dặm Anh). H-6K còn được trang bị radar tìm kiếm mặt biển cự ly xa mới và thiết bị ngắm chuẩn quang điện.

Máy bay ném bom H-6K Trung Quốc (nguồn CCTV)

Khác với máy bay ném bom Tu-16 Liên Xô, H-6K được thiết kế để lắp tên lửa hành trình. Máy bay này có thể mang theo 6 quả tên lửa hành trình tấn công đối đất tầm xa KD-20 (DF-10, tầm bắn 2.000 km) hoặc tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 (tầm bắn 250-400 km, tốc độ 4 Mach). Ngoài ra, nó còn có thể mang theo rất nhiều vũ khí dẫn đường chính xác.

H-6K không chỉ tạo ra mối đe dọa cho tàu chiến của Mỹ và đồng minh, mà còn đe dọa các căn cứ mặt đất. H-6K chỉ là một bộ phận của hệ thống chống can thiệp của Trung Quốc nhằm kiềm chế Mỹ. Hệ thống này còn có tên lửa đạn đạo chống hạm.

H-6K là một loại máy bay lắp tên lửa hành trình tương đối tốt, về khái niệm thì nó tương tự máy bay ném bom B-52 của Không quân Mỹ. Nhưng tính năng lại có khoảng cách xa so với Tu-22M hoặc Tu-160 Nga. Trung Quốc muốn có được năng lực tấn công cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ như hai loại máy bay ném bom Tu-22M và Tu-169 Nga.

Trong bối cảnh dần dần bành trướng ra Thái Bình Dương, Trung Quốc có khả năng sẽ nghiên cứu phát triển ra một loại máy bay ném bom siêu âm tương tự như Tu-22M của Nga hoặc phát triển một loại máy bay ném bom tàng hình. Nhưng, Trung Quốc vẫn chưa có điều kiện công nghệ cần thiết để làm như vậy.

Máy bay ném bom H-6K Trung Quốc (nguồn CCTV)

Muốn nhanh chóng trở thành “không quân chiến lược”

Theo Thời báo Hoàn Cầu, những đồn đoán về việc Trung Quốc sẽ nghiên cứu chế tạo máy bay ném bom mới đã xuất hiện từ lâu, nhưng vẫn chưa được xác nhận. Song, điều có thể khẳng định là, Quân đội Trung Quốc nhất là không quân luôn rất coi trọng đối với máy bay ném bom.

Vào năm 2013, Đại tá Ngô Quốc Huy – một phi công ưu tú và là phó giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc cũng cho biết, trong tương lai, Trung Quốc cũng sẽ nghiên cứu phát triển máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới. Các loại dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đã hạ quyết tâm phát triển máy bay ném bom chiến lược thế hệ tiếp theo.

H-6K là máy bay ném bom tiên tiến nhất hiện nay của Trung Quốc, mặc dù được cải tạo hiện đại hóa rất nhiều và có nhiều bộ phận áp dụng công nghệ tiên tiến, nhưng nguyên mẫu của nó là loại máy bay cũ hơn 60 năm trước, tiềm năng tác chiến đã bị khai thác hết, không thể đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ chiến lược của Quân đội Trung Quốc trong chiến tranh hiện đại.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, đối với “nước lớn” như Trung Quốc, máy bay ném bom chiến lược là trang bị không thể thiếu. Trước hết về nhu cầu quân sự, ở khu vực xung quanh Trung Quốc kéo dài vào nghìn km có sự hiện diện của các căn cứ và lực lượng quân sự của các đối thủ tiềm tàng.

Máy bay trinh sát điện tử Tu-154MD do Nhật Bản công bố

Trong chiến tranh tương lai, Trung Quốc nếu muốn chọc thủng sự phong tỏa của các chuỗi đảo, thì phải áp dụng thủ đoạn tấn công đồng loạt không – bộ biển mới có thể tăng cường khả năng chiến thắng.

Do đó, phát triển máy bay ném bom chiến lược có nhu cầu chiến lược rất cấp bách. Đã có nhu cầu quân sự, cần phải tính đến năng lực tài chính, vì phát triển máy bay ném bom chiến lược rất tốn kém.

Chẳng hạn như máy bay ném bom B-2 Mỹ có đơn giá lên tới hơn 2 tỷ USD. Mỹ giàu như vậy cũng chỉ sản xuất được 21 chiếc B-2. Trong khi đó, chương trình máy bay ném bom tầm xa thế hệ tiếp theo dùng để thay thế B-52 của Mỹ dự tính sẽ phải bỏ ra số tiền trên trời là 73 tỷ USD.

Do đó, chỉ có thực lực kinh tế mạnh mẽ thì mới có thể gánh được chi phí phát triển máy bay ném bom chiến lược. Trung Quốc hiện nay đã sơ bộ có được năng lực này. Điều quan trọng cuối cùng là công nghệ.

Chương trình máy bay ném bom liên quan đến rất nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học và sản xuất, sẽ thách thức năng lực thực sự của công nghiệp hàng không Trung Quốc. Trung Quốc còn hạn chế về điểm này, nhất là các lĩnh vực như động cơ. Nhưng Trung Quốc sẽ duy trì hợp tác với Nga, phần nào sẽ khắc phục được điểm yếu này.

Máy bay cảnh báo sớm KJ-200 Trung Quốc do Nhật Bản công bố

Hiện nay, Trung Quốc đang đẩy nhanh xây dựng “không quân chiến lược”, yêu cầu đối với Không quân Trung Quốc là năng lực chiến lược phải thích ứng với lợi ích quốc gia không ngừng mở rộng, thực hiện nhiệm vụ quân sự đa dạng, bảo đảm an ninh trên không tin cậy cho phát triển đất nước.

Tháng 5/2015, Chính phủ Trung Quốc công bố “Chiến lược quân sự Trung Quốc” đã yêu cầu không quân nước này phải đáp ứng yêu cầu chiến lược “thống nhất giữa bầu trời và vũ trụ, kiêm cả tấn công và phòng thủ”, thực hiện chuyển đổi từ phòng không lãnh thổ sang kiêm cả tấn công và phòng thủ.

Theo bài báo, tình hình quốc tế xung quanh Trung Quốc hiện nay vô cùng phức tạp, các đối thủ tiềm tàng đang gấp rút xây dựng các tuyến phong tỏa chuỗi đảo, mối đe dọa an ninh trên không-vũ trụ ngày càng “nghiêm trọng”. Trong tình hình này, Trung Quốc phát triển không quân chiến lược đã trở nên cấp bách, phát triển máy bay ném bom chiến lược mới cũng vô cùng cấp bách.

RELATED ARTICLES

Tin mới