Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHậu quả từ đập thủy điện TQ trên sông Mekong

Hậu quả từ đập thủy điện TQ trên sông Mekong

Nhiều chuyên gia và nhà môi trường học cho rằng, 11 con đập mà Trung Quốc đã xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong là một trong những nguyên nhân gây ra các đợt lũ lụt, hạn hán lịch sử, làm sụt giảm mực nước con sông.

Số lượng cá tại hạ nguồn sụt giảm

Đối với nhiều người, sông Mekong không chỉ đơn thuần là một dòng sông mà còn là “mẹ của nước” – nơi cung cấp thực phẩm, năng lượng và kế sinh nhai, nuôi dưỡng sự sống của con người.

“Đó không chỉ là một dòng sông mà còn là toàn bộ hệ thống hỗ trợ sự sống”, Pianporn Deetes – điều phối viên tại Thái Lan của International Rivers, tổ chức bảo vệ các dòng sông và cộng đồng ven sông, chia sẻ.

Sông Mekong là một trong những tuyến đường thủy dài nhất thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chạy dài hơn 4.000km, từ thượng nguồn xuống hạ nguồn, chảy qua các nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Hàng chục triệu người đã dựa vào con sông này để có thực phẩm, nước uống, năng lượng và nguồn thu nhập. Nhưng giờ đây, Pianporn Deetes – người tự gọi mình là “đứa con của sông Mekong” đang nỗ lực đấu tranh để cứu dòng sông mà bà gắn bó từ khi sinh ra. Hai bên bờ sông được bao quanh bởi các loại cây trồng, các đàn gia súc và những cây cầu phao tại các làng chài, nhưng số lượng các loài cá đang sụt giảm. Ủy hội sông Mekong – một tổ chức liên chính phủ gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam – ước tính rằng số lượng cá tại đoạn sông này giờ đã ít hơn 40% so với 10 năm trước.

Nhiều chuyên gia và nhà môi trường học cho rằng, 11 con đập mà Trung Quốc đã xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong, trong biên giới nước này, là một trong những nguyên nhân gây ra các đợt lũ lụt, hạn hán lịch sử, ảnh hưởng đến khu vực sinh sản của các loài cá và cuộc sống của người dân dọc theo con sông. Theo các nhà môi trường học, dòng chảy tự nhiên của con sông có thể bị phá vỡ do kế hoạch xây dựng thêm 11 con đập khác ở khu vực hạ lưu, phần lớn trong số này do các công ty Trung Quốc tài trợ.  

Bà Pianporn Deetes cho biết: “Chúng tôi không nói về một, hai người hay một hai vấn đề. Điều chúng tôi muốn nói đến là số lượng lớn người dân và nền kinh tế trong khu vực”. Sự suy giảm trữ lượng cá đã tạo ra nhiều thách thức đối với cuộc sống của các ngư dân. Ngôi làng đánh cá ở huyện Chiang Saen đã trở nên thưa thớt đến nao lòng. Có 18 cầu phao cho tàu thuyền nhưng chỉ có 5 ngư dân sinh sống. Ông Singkham Wantanam, 64 tuổi, người đã theo nghề đánh cá từ năm 12 tuổi chia sẻ rằng, có những ngày ông không bắt được một con cá nào.

“Cứ 2 đến 3 ngày lại tiếp diễn tình trạng như vậy”, ông nói.

Nhà bảo vệ môi trường Niwat Roykaew, 61 tuổi, người sáng lập Nhóm bảo tồn Rak Chiang Khong: “Khi dòng sông gặp vấn đề, những người sinh sống bên cạnh dòng sông cũng đối mặt với rất nhiều vấn đề. Họ không có thức ăn vì không có cá”.

báo hệ lụy từ đập thủy điện Trung Quốc

Đối với các con đập mà Trung Quốc đã xây dựng, ông Niwat Roykaew khẳng định, điều quan trọng là phải giảm tác động tiêu cực của chúng. “Cần phải có những cuộc thảo luận về khối lượng nước được xả ra, cách thức xả nước như thế nào và thời gian thực hiện điều này”.

Theo Ủy hội sông Mekong, mực nước tại con sông này đang ở mức thấp nhất trong hơn 60 năm qua. Phía Trung Quốc cho rằng, biến đổi khí hậu và lượng mưa giảm là nguyên nhân gây ra tình trạng đó. Trung Quốc cũng phủ nhận việc các con đập của nước này đã dẫn tới việc sụt giảm số lượng cá ở hạ nguồn và bác bỏ cáo buộc họ đã không báo trước cho các nước hạ lưu sông Mekong về hoạt động của các con đập.

Căng thẳng liên quan đến Mekong ngày càng thu hút sự chú ý của khu vực và toàn cầu. Năm 2021, Ủy hội sông Mekong và ASEAN đã tổ chức cuộc họp chính thức đầu tiên về đảm bảo an ninh nguồn nước, trong đó có sự tham gia của tất cả các nước thuộc khu vực sông Mekong, ngoại trừ Trung Quốc.

Vấn đề sông Mekong cũng trở thành một điểm nóng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm 2020, Mỹ đã công bố thiết lập Quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Theo chuyên gia Niwat Roykaew, có nhiều dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh đang cố gắng thay đổi cách tiếp cận của mình khi đối mặt với phản ứng trong khu vực. Chuyên gia Niwat Roykaew cũng nói rằng ông vẫn hy vọng từ việc các nhà hoạt động Thái Lan đẩy lùi kế hoạch của Trung Quốc vào năm 2020 nhằm biến nhiều khu vực trên sông Mekong thành “một con kênh” cho các tàu container khổng lồ

RELATED ARTICLES

Tin mới