SSI Research cho rằng giá dầu tăng mạnh đem lại cơ hội đầu tư cả ngắn và dài hạn. Nhóm phân tích khuyến nghị với chiến lược đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư có thể xem xét các cổ phiếu có mức độ tương quan lớn nhất với giá dầu như BSR, PVD, PVS và OIL với tiềm năng tăng giá dự kiến khoảng 5-12% so với thị giá hiện tại.
Giá dầu Brent vừa vượt ngưỡng 90 USD/thùng vào ngày 3/2, đánh dấu mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2014. Động lực tăng giá của dầu Brent tới từ nhu cầu tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn ì ạch bởi Covid-19, trong khi nguồn cung được kiểm soát một cách thận trọng. Đồng thời căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine, khu vực Trung Đông cũng là nguyên nhân thúc đẩy giá mặt hàng này lên cao.
Năm 2022, các tổ chức lớn trên thế giới đều có dự báo lạc quan về triển vọng của giá dầu. Goldman Sachs trong báo cáo hồi cuối tháng 1/2022 dự báo giá dầu sẽ có thể đạt 100 USD/thùng vào nửa cuối năm 2022 và đạt mức bình quân 105 USD/thùng cho cả năm 2023.
Yếu tố hỗ trợ giá dầu chủ yếu là từ ngành hàng không, việc các quốc gia mở cửa trở lại sẽ giúp nhu cầu tăng mạnh. Ngoài ra, bất kỳ vấn đề liên quan đến bất ổn chính trị cũng sẽ kéo giá dầu tăng trong ngắn hạn. Dù vậy, giá dầu vẫn luôn nhạy cảm với những diễn biến mới của Covid-19 nên một số nhà quan sát cho rằng rủi ro giảm giá còn hiện hữu.
Trước đợt tăng giá vừa qua, trong báo cáo mới nhất, SSI Research đã nâng giả định giá dầu Brent năm 2022 từ 70 USD/thùng lên 80 USD/thùng. Điều này thể hiện quan điểm lạc quan của nhóm chuyên gia đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm dầu khí.
Theo đánh giá của SSI Research, biến động giá dầu sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp dầu khí trung và hạ nguồn, chẳng hạn như GAS (tăng/giảm doanh thu và biên lợi nhuận, nhu cầu khí khô từ nhà máy điện do giá điện khí ở mức cao), PLX, OIL (tăng/giảm doanh thu và lãi/lỗ hàng tồn kho) và BSR (tăng/giảm biên lợi nhuận lọc hóa dầu, lãi/lỗ hàng tồn kho).
Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn (PVD và PVS), giá dầu không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng trong ngắn hạn do các doanh nghiệp này phụ thuộc lớn vào các dự án khai thác, mang tính chất dài hạn hơn.
Với các diễn biến tích cực của một số dự án lớn như “siêu dự án” Block B, LNG Thị Vải, mỏ Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2A… SSI Research dự báo mảng khoan của PVD sẽ đem về lợi nhuận tốt trong năm 2022 nhờ hiệu suất sử dụng và giá thuê tăng, tương tự là PVS khi khối lượng công việc trong hoạt động đầu tư thăm dò khai thác gia tăng.
Mặt khác theo SSI Research, đối với các doanh nghiệp sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào như điện khí, đạm, giá dầu tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, tuy nhiên, các doanh nghiệp đạm vẫn có khả năng tăng giá bán do nguồn cung tại Trung Quốc vẫn còn hạn chế.
Đối với điện khí, giá khí tăng có thể chuyển ngang một phần vào sản lượng hợp đồng PPA với tỷ lệ sản lượng hợp đồng năm 2022 là 80% theo kế hoạch của EVN/A0. Song với giá khí cao sẽ làm các nhà máy điện khí kém cạnh tranh hơn và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phần sản lượng chào bán trên thị trường điện cạnh tranh.
Nhìn chung, dù có sự khác nhau về các yếu tố cơ bản nhưng giá cổ phiếu ngành dầu khí đều có tương quan rất chặt chẽ với giá dầu, thực tế cũng đã cho thấy độ “nhạy” của giá cổ phiếu với giá dầu là rất cao.
SSI Research cho rằng giá dầu tăng đem lại cơ hội đầu tư cả ngắn và dài hạn. Nhóm phân tích khuyến nghị với chiến lược đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư có thể xem xét các cổ phiếu có mức độ tương quan lớn nhất với giá dầu như BSR, PVD, PVS và OIL với tiềm năng tăng giá dự kiến khoảng 5-12% so với thị giá hiện tại.
T.P