VinFast và nhiều hãng xe trên thế giới giống nhau, còn Tesla thì “đi đường khác”, nhưng ai đúng?
Một trong những công nghệ nổi trội lên trong thời công nghiệp 4.0 hiện nay là trí tuệ nhân tạo. Bằng cách khai phá thêm khả năng của máy móc, con người đang có cho mình những công cụ ngày một hiện đại và thông minh. Một ứng dụng đáng chú ý của trí tuệ nhân tạo chính là công nghệ tự lái mà nhiều nhà sản xuất và công ty công nghệ đang phát triển.
Hình dung một cách cơ bản, hệ thống tự lái trên xe ô tô có thể biến con người thành hành khách, giúp chúng ta có thêm thời gian rảnh rỗi, hoặc nghỉ ngơi, hoặc làm việc… trong khi chiếc xe tự chính nó đưa chúng ta tới nơi cần tới một cách an toàn.
Nhưng còn rất xa mới tới tương lai đó, và các nhà sản xuất xe, cũng như các công ty công nghệ, vẫn đang miệt mài nghiên cứu cách thức để tới cái đích đó.
TESLA MUỐN GIỐNG CON NGƯỜI
Tesla dường như có được khởi đầu tương đối sớm và được sử dụng phổ biến nhất, khi toàn bộ các mẫu xe của hãng đều có thể được trang bị hệ thống tự lái. Xét trên thang đánh giá 5 cấp độ tự lái của Hiệp hội Kỹ sư Ô tô Hoa Kỳ (SAE) thì công nghệ tự lái của Tesla mới chỉ đạt tới cấp độ 2+, nhưng đã có thể hoạt động tương đối tốt tại các cung đường trường, với đường đô thị thì vẫn đang vừa thử vừa làm – tức là người dùng được phép sử dụng khi mà công nghệ vẫn chưa hoàn thiện, và với dữ liệu của người dùng thì hệ thống sẽ dần tốt lên.
Quan điểm của Elon Musk, Giám đốc Điều hành của Tesla, là nếu như con người chỉ cần tới đôi mắt thì những chiếc xe của Tesla cũng chỉ cần có camera là có thể tự lái được. Từ quan điểm này, Tesla nói Không với Radar đặt ở phía trước xe, và với LiDAR – thứ mà VinFast và rất nhiều hãng xe đang thử nghiệm và/hoặc ứng dụng trên các mẫu xe của hãng.
ELON MUSK: LIDAR LÀ THỨ PHÍ TIỀN
Nhưng LiDAR là gì mà Tesla lại “chối đây đẩy”?
LiDAR là viết tắt của cụm từ “Light Detection and Ranging”, tạm dịch là Dò tìm và định vị bằng tia laze. LiDAR (Dò tìm và định vị bằng tia laze) và RADAR (Dò tìm và định vị bằng sóng vô tuyến) có cái tên giống nhau có lẽ là bởi cách hoạt động tương đồng: Cảm biến sẽ đo thời gian chùm tia laze/chùm sóng vô tuyến được phát ra và phản xạ lại để nhận biết khoảng cách với vật cản.
So với camera thì LiDAR có thể tính toán được chính xác khoảng cách từ chiếc xe với vật cản. Tuy nhiên, trong khi LiDAR cho về tín hiệu dạng điểm thì camera cho về tín hiệu dạng hình ảnh, giúp hệ thống trí tuệ nhân tạo nhận dạng vật thể tốt hơn.
Có lẽ chính vì ưu điểm đó mà trong sự kiện AI Day 2019, Elon Musk đã từng chê các nhà sản xuất sử dụng LiDAR là ngốc và chê LiDAR là thứ phí tiền.
Chưa biết được liệu chỉ sử dụng camera như Tesla thì có giúp một chiếc xe đạt tới tự lái cấp độ 5 hay không, nhưng Tesla và hệ thống tự lái của mình hiện tại thì vẫn cứ mắc lỗi đầy ngớ ngẩn và gặp tai nạn như AI Addict ghi nhận được và đăng tải hôm 03/02.
KỆ ELON MUSK
Mặc cho những gì ông tỷ phú có tài sản lớn nhất nhì thế giới hiện tại nhận định, số lượng các hãng xe lựa chọn công nghệ LiDAR vẫn đang tăng lên. Theo thống kê mới nhất của Bloomberg, hiện trên toàn thế giới đã có 17 hãng xe với 21 mẫu xe trang bị LiDAR, cả thử nghiệm và sử dụng thực tế. Không rõ con số 17 trên có bao gồm VinFast hay không, biết rằng thông tin VinFast công bố sử dụng LiDAR cho công nghệ tự lái đã có từ đầu năm 2021.
Tháng 1 vừa qua, Mercedes đã bắt đầu thương thuyết với Luminar (một trong những công ty hàng đầu thế giới về LiDAR) để ứng dụng công nghệ trên các mẫu xe tương lai của Mercedes.
Cũng là Luminar, Volvo (hãng xe lâu đời có gốc từ Thụy Điển) đã thông báo sử dụng công nghệ LiDAR của Luminar trên các mẫu xe sắp tới của hãng.
Nhưng dù cho số đông nhà sản xuất lựa chọn LiDAR và Tesla thì đi một đường khác, khi chưa hãng nào công bố rằng đã đạt tới cấp độ 5 và sẵn sàng cho khách hàng sử dụng thì tranh cãi xem LiDAR có phí tiền đầu tư như Elon Musk chỉ trích hay không, công nghệ camera của Tesla có tốt hay không có lẽ vẫn sẽ tiếp diễn. Liệu Tesla có sai, liệu VinFast và các hãng xe khác sử dụng LiDAR có đúng?
T.P