Trung Quốc đã quyết định sẽ loại bỏ hệ thống 7 đại quân khu tồn tại nhiều thập niên bằng cách thành lập 5 vùng chiến lược mới thay thế, trong cuộc cải tổ quân đội quy mô lớn do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất.
Quân đội Trung Quốc trong cuộc duyệt binh ngày 3.9.
Ngày 1.1.2016 sẽ là hạn chót cho sự cải tổ lớn của quân đội Trung Quốc. Khi đó, 300.000 binh sĩ sẽ được loại biên và quân đội Trung Quốc chỉ còn là 5 vùng chiến lược.
Một nguồn thông tin tại quân khu Tế Nam nói với South China Morning Post rằng, quân khu này đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” và sẽ bị giải thể cùng các quân khu khác vào ngày 20.12.
“Ứng viên cho vị trí lãnh đạo 5 vùng chiến đấu mới chưa được công bố, nhưng danh sách này sẽ sớm được thông báo”, nguồn tin trên nói thêm.
Dự đoán sẽ tạo ra một “cuộc chiến ngầm” trong giới lãnh đạo quân sự tại Trung Quốc để giành giật vị trí khi mọi kế hoạch cải tổ quân đội chưa hề được công bố rộng rãi và chân dung các vị chỉ huy mới chưa được rõ.
Việc tái cấu trúc các quân khu nằm trong kế hoạch cải tổ quân đội quy mô lớn của ông Tập Cận Bình nhằm biến quân đội Trung Quốc từ một hệ thống mà lục quân là trung tâm sang mô hình chỉ huy chung kiểu phương Tây, trong đó hải, lục, không quân tương đương nhau.
Tuần trước, PLA Daily (tờ báo của quân đội Trung Quốc) đã đăng tải một bài xã luận, trong đó nói rằng hệ thống 7 quân khu hiện thời và 4 tổng cục đã trở nên lỗi thời, quá tập trung và thách thức sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tờ báo cho rằng cuộc cải tổ lần này nhằm củng cố quyền lực của Quân ủy Trung ương và sự kiểm soát của đảng về vũ khí.
Tờ South China Morning Post cũng đưa tin rằng cuộc cải tổ quân đội còn bao gồm các kế hoạch nhằm tái cấu trúc 4 tổng cục hiện thời: Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị.
Theo đó, Quân ủy Trung ương đã thiết lập 3 ủy ban mới và 6 bộ phận, nguồn tin thân cận với quân đội cho hay.
“Ba ủy ban mới và 6 bộ phận sẽ nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Quân ủy Trung ương, và việc tái cấu trúc nhằm giảm sự ảnh hưởng chính trị của các lãnh đạo 4 tổng cục hiện thời và 7 quân khu”, một nguồn tin tiết lộ.
“Ví dụ, Tổng cục Chính trị vốn bị xem là ổ tham nhũng vì cơ quan này quản lý nhân sự, kỷ luật và kiểm soát.
Nhưng theo cơ cấu mới, những nhiệm vụ này sẽ được tách bạch để tạo ra một hệ thống kiểm tra và cân bằng tốt hơn”, nguồn tin trên nói.
Tướng Thái An Dĩnh – Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, dự kiến được đề cử vào vị trí lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu.
Trong khi đó, tướng Lưu Nguyên – Chính ủy của Tổng cục Hậu cần, người đã có công trong việc hạ bệ các nhân vật tham nhũng của Quân ủy Trung ương trước đó, nhiều khả năng sẽ giữ vị trí lãnh đạo Ủy ban thanh tra kỷ luật mới của quân đội.