Sunday, November 24, 2024
Trang chủQuân sựTQ khoe vũ khí công nghệ cao

TQ khoe vũ khí công nghệ cao

Sự xuất hiện của vũ khí siêu thanh đã buộc các quốc gia phải tìm kiếm các biện pháp đối phó. Nhật Bản được cho là đã quyết định phát triển “súng điện từ” khi đối mặt với các mối đe dọa siêu thanh đang nổi lên và đây sẽ không phải là quốc gia duy nhất làm như vậy.

Theo bình luận của Ashish Dangwal, Thạc sĩ về nghiên cứu Đông Á tập trung vào các vấn đề quốc phòng và địa chính trị, trên trang Thời báo Á-Âu (eurasiantimes.com) ngày 12/2, railgun là loại vũ khí (súng) điện từ có khả năng bắn đạn với vận tốc Mach 7 – gấp bảy lần tốc độ âm thanh – và được cho là có khả năng tiêu diệt tàu, tên lửa và máy bay.

Nhưng ngược lại, đường đạn di chuyển nhanh và dòng điện cao áp của nó có thể tạo ra sự bào mòn đường ray hoặc thành bên trong, làm giảm tuổi thọ và độ chính xác của súng.

Giờ đây, Trung Quốc dường như đã tìm ra câu trả lời cho một số vấn đề đang gây khó khăn với loại súng này.

Wang Xiaohe, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Thử nghiệm Vũ khí Hoa Nam, ở tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc, tuyên bố rằng các nhà nghiên cứu nước này đã đưa ra một số giải pháp khả thi trong những năm gần đây.

Chương trình railgun của Trung Quốc cần phải trải qua một số quy trình chứng nhận trước khi có thể được sử dụng trong các trận chiến trong tương lai.

Wang và các đồng nghiệp của ông nhấn mạnh rằng khối lượng và cường độ của các thử nghiệm này sẽ vượt đáng kể so với bất kỳ thử nghiệm nào trước đó, nói rằng một số lượng lớn các phát súng sẽ được bắn “không ngừng ở mức năng lượng cao nhất” để phát hiện và giải quyết các vấn đề.

Chương trình railgun của Trung Quốc không phải là mới. Năm 2018, một số hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy một vũ khí lớn, chưa từng được biết đến trước đây được đặt trên tàu đổ bộ lớp Type 072III, Haiyang Shan.

Một tài khoản Weibo đã xác minh hình ảnh trên là từ một sĩ quan hải quân Trung Quốc đã nghỉ hưu, đề cập đến khả năng trang bị một khẩu súng điện từ trên tàu chiến.

Ông này nói rằng dự án chế tạo một khẩu súng điện từ gắn trên tàu đã được ủy quyền từ nhiều năm trước, có thể với sự giúp đỡ của Viện Công nghệ Bắc Kinh và Viện Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc.

Mỹ là quốc gia tiên phong trong việc phát triển súng điện từ và Lầu Năm Góc đã khởi xướng chương trình railgun hiện đại của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tháng 7 năm ngoái, Lầu Năm Góc tuyên bố rằng họ đã ngừng chương trình railgun để giải phóng nguồn lực cho nghiên cứu vũ khí siêu thanh.

Bên cạnh những hạn chế về tài chính, một trong những nguyên nhân chính là do phải thay nòng súng sau 20 phát bắn do mòn và các vấn đề khác.

Sau nhiều thập kỷ phát triển và hơn 1.000 lượt thử nghiệm, các nhà nghiên cứu Mỹ đã đạt được nhiều tiến bộ về công nghệ và kỹ thuật giúp mở rộng tầm bắn của loại vũ khí lên hơn 100 hải lý với tốc độ đạn bay nhanh gấp 7 lần tốc độ âm thanh.

Tuy nhiên, vấn đề của loại vũ khí này là dù có tầm bắn xa nhưng vẫn khiến tàu chiến Mỹ phải đối mặt với hỏa lực của đối phương. Điều này có thể gây tử vong khi đối mặt với một đối thủ (Trung Quốc) có khả năng triển khai các tên lửa hiện đại.

Wang tuyên bố rằng nghiên cứu ở Mỹ và các quốc gia khác đã mang lại lợi ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Trung Quốc đang sử dụng kim loại lỏng trong đường ray để giảm mài mòn. Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã sử dụng một số mô hình mà các chuyên gia về súng railgun của Mỹ sử dụng để mô phỏng và phân tích khả năng xảy ra hư hỏng.

Tuy nhiên, theo ông Wang, khẩu súng điện từ của Trung Quốc có một số thiết kế độc đáo chưa từng thấy trước đây.

Thiết kế của Trung Quốc, không giống như hầu hết các loại súng railgun, sẽ không có một cơ cấu bổ sung nào được gắn vào họng súng để triệt tiêu tia lửa điện. Để đạt được hiệu suất ổn định hơn với mức hư hỏng tối thiểu, nó sẽ sử dụng một công nghệ phủ đặc biệt.

Năm 2018, Trung Quốc đã tiến hành cuộc thử nghiệm trực tiếp ngoài khơi đầu tiên trên thế giới với một khẩu súng railgun đặt trên tàu chiến.

Một quả đạn 25kg được cho là đã được bắn với tốc độ Mach 7,3 và trúng mục tiêu cách đó 250 km bằng railgun. Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang nghiên cứu các tên lửa siêu thanh có thể được phóng từ một khẩu railgun và có thể tự tìm kiếm các mục tiêu.

Trung Quốc cũng tuyên bố đã phát triển tên lửa siêu thanh tầm nhiệt, tên lửa này có thể được sử dụng để tấn công tàu sân bay và các phương tiện đang di động. Tuy nhiên, vũ khí siêu thanh rất tốn kém để vận hành.

Tháng trước, có thông tin cho rằng Nhật Bản đã quyết định phát triển một hệ thống vũ khí điện từ để đánh chặn tên lửa siêu thanh của đối phương. Quyết định phát triển “railgun” được đưa ra khi Tokyo đang cân nhắc cách đối phó với mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Triều Tiên và Nga.

Kế hoạch của Nhật Bản là bổ sung tên lửa đánh chặn railgun vào hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có. Tổng cộng 6,5 tỷ yên (56 triệu USD) đã được Nhật Bản trích ra trong ngân sách tài khóa 2022 để phát triển các công nghệ súng điện từ sử dụng cho mục đích quân sự. Hệ thống sẽ được đưa vào hoạt động trong những năm tới.

Hơn nữa, theo báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, Bộ Quốc phòng nước này sẽ bắt đầu nghiên cứu và phát triển toàn diện vũ khí vi sóng năng lượng cao (HPM) trong năm tài chính 2022, bắt đầu từ tháng 4 tới.

Tin tức được đưa ra vài ngày sau khi truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này đang nghiên cứu chế tạo vũ khí laser cho máy bay tàng hình J-20 Mighty Dragon.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới