Một hãng bay đưa ra mức thu nhập tối đa lên tới 13.300 USD/tháng cho cơ trưởng dòng máy bay thân rộng B787. Con số này cao hơn nhiều so với thời điểm trước dịch.
Trao đổi với Dân trí, đại diện Bamboo Airways cho biết trong bối cảnh thị trường hàng không dần hồi phục, thị trường quốc tế mở cửa trở lại, hãng đang tuyển thêm nhân sự nhằm phục vụ khách hàng và mở rộng đường bay, mạng lưới bay. Hãng này thông báo tuyển dụng nhiều vị trí từ bộ phận tiếp viên đến bộ phận văn phòng trên website.
Theo đó, hãng này đưa ra mức thu nhập tối đa lên tới 13.300 USD/tháng (tương đương khoảng 300 triệu đồng) cho cơ trưởng dòng máy bay thân rộng B787, cơ phó là 8.000 USD/tháng (khoảng 180 triệu đồng); thu nhập tối đa cho cơ trưởng và cơ phó ở dòng máy bay thân hẹp Airbus và Embraer 190 lần lượt khoảng 10.450 USD/tháng (khoảng 236 triệu đồng) và hơn 6.300 USD/tháng (khoảng 142 triệu đồng).
So với thu nhập bình quân của cơ trưởng dòng máy bay thân rộng thời điểm trước dịch (khoảng 250 triệu đồng), con số tối đa mà hãng này đưa ra đã có sự tăng trưởng và được đánh giá ở mức khá cao.
Đối với thông báo tuyển tiếp viên 5 sao, hãng đưa ra thu nhập lên đến 1.500 USD/tháng (khoảng 34 triệu đồng), tiếp viên trưởng 3.000 USD/tháng (khoảng 68 triệu đồng).
Tương tự, Vietjet Air cũng đang thông báo tuyển cơ trưởng, cơ phó cho các dòng máy bay Airbus A320F và A330 đến hết năm nay.
Đại diện Vietravel Airlines cũng thông tin hãng đang tìm thêm phi công cho dòng Airbus A320, cùng số lượng lớn tiếp viên hàng không. Tuy nhiên, thu nhập không được hãng tiết lộ.
Hãng hàng không du lịch đầu tiên tại Việt Nam khẳng định đang chủ động bổ sung nguồn lực chất lượng cao, với việc tuyển dụng và đào tạo một loạt vị trí nhằm phục vụ cho kế hoạch mở rộng đội bay của hãng lên 6 tàu bay và khai thác thêm nhiều đường bay quốc tế mới đến Đông Bắc Á và Đông Nam Á từ quý III.
Dẫu vậy, Vietravel Airlines đánh giá khi thị trường phục hồi, nhu cầu tuyển dụng của các hãng hàng không bắt đầu tăng cao, bên cạnh việc hiện nay, một số dự án thành lập hãng hàng không mới cũng đang được triển khai rất rốt ráo.
“Dự báo trong năm nay, nhân lực hàng không trong nước sẽ trở lại khan hiếm và xuất hiện hiện tượng cạnh tranh nguồn nhân lực, điều này cũng sẽ tạo ra những khó khăn nhất định cho kế hoạch mở rộng đội ngũ chất lượng cao của hãng”, đại diện Vietravel Airlines nói.
Số liệu thống kê cho thấy trước khi mở lại các đường bay quốc tế thường lệ, trung bình khách quốc tế đi/đến Việt Nam là khoảng 40.000-50.000 khách/tháng. Kể từ thời điểm thí điểm mở lại các đường bay quốc tế từ tháng 1, lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam tăng lên hơn 103.000 khách trong tháng 1 và cập nhật đến hết ngày 14/2 là 153.000 khách.
Tại tọa đàm mới diễn ra, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, nhìn nhận quyết định mở lại các đường bay quốc tế từ 15/2 và mở cửa du lịch từ ngày 15/3 sẽ tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như hành khách, đồng thời tạo lực đẩy cho sự phát triển kinh tế.
Đồng quan điểm, ông Bùi Minh Đăng – Phó trưởng phòng Vận tải Hàng không – Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng việc khôi phục hoạt động hàng không, du lịch không phải chỉ là cơ hội, mà đã hiện hữu. Theo kịch bản lý tưởng, năm 2022 thị trường hàng không Việt Nam đón 42-43 triệu hành khách, trong đó có khoảng 8 triệu khách quốc tế, 6 triệu khách du lịch.
T.P