Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 2/3 chỉ trích Trung Quốc “bóp méo” thương mại toàn cầu thông qua các hoạt động kinh tế không công bằng của nước này.
Trong chương trình nghị sự về chính sách thương mại hàng năm, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng nhấn mạnh những nỗ lực của Washington nhằm tăng cường cam kết kinh tế với các nước châu Á thông qua “Khung kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Đây là ý tưởng được Tổng thống Joe Biden công bố vào tháng 10 năm ngoái, trước ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực.
USTR đang lên kế hoạch công bố các chi tiết bổ sung về khuôn khổ này trong thời gian tới, gọi đây là “một phần quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền Mỹ nhằm tăng cường mối quan hệ của Washington với khu vực quan trọng và năng động”.
USTR trích dẫn “loạt các biện pháp không công bằng” của chính quyền Trung Quốc nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp nước này, cũng như cáo buộc Bắc Kinh không đảm bảo các quyền lao động cơ bản.
“Cách tiếp cận thương mại của Trung Quốc tạo nên nhiều rắc rối trong các quan hệ thương mại, không chỉ của chúng ta”, USTR cho biết, đồng thời cho rằng Bắc Kinh đang đặt ra “các mối đe dọa” đối với Mỹ.
“Chúng tôi cũng đang xem xét tất cả các công cụ hiện có và có khả năng sẽ tìm kiếm những công cụ mới khi cần thiết để chống lại những tác hại của các hoạt động phi thị trường”, USTR cho biết thêm.
Về “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương” – dự kiến sẽ được khởi động vào đầu năm nay, USTR nhấn mạnh khuôn khổ này sẽ đề cập đến các lĩnh vực hợp tác chính như thương mại, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và năng lượng sạch.
USTR sẽ dẫn đầu những nỗ lực để tạo ra một “thỏa thuận thương mại” với các bên bao gồm các điều khoản về cam kết lao động tiêu chuẩn cao cũng như hợp tác trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Khuôn khổ kinh tế mới của Mỹ được cho sẽ giúp bù đắp cho việc nước này vắng mặt trong các hiệp định thương mại tự do lớn trong khu vực.
Trong khi đó, Trung Quốc là một phần của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – hiệp định thương mại tự do có sự tham gia của các thành viên bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Bắc Kinh cũng đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định thương mại tự do Thái Bình Dương gồm 11 thành viên được gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, hay CPTPP. Mỹ đã rút khỏi phiên bản đầu tiên của thỏa thuận này vào năm 2017.