Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngTQ tăng cường sức mạnh quân sự, tiếp tục tham vọng bành...

TQ tăng cường sức mạnh quân sự, tiếp tục tham vọng bành trướng Biển Đông

Không chỉ tăng mạnh ngân sách quốc phòng, Trung Quốc còn đang tìm cách tăng cường “bảo vệ pháp lý mạnh mẽ hơn đối với an ninh và quyền” của nước này trong các khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, bao gồm nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp như Biển Đông.

Hôm qua (12.3), tờ South China Morning Post đưa tin ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, vừa tham dự hội thảo 2 ngày về quân sự. Tham dự hội thảo có nhiều đại biểu đến từ quân đội (PLA) và lực lượng vũ cảnh (cảnh sát vũ trang – PAP) của nước này. Tờ báo dẫn lời ông Tập Cận Bình phát biểu tại hội thảo cho rằng: “Trung Quốc nên xây dựng cơ quan toàn diện hơn về các luật và quy định quân sự liên quan nước ngoài, để bảo vệ lợi ích quốc gia thông qua việc sử dụng luật tốt hơn”.

Hợp thức hóa chiêu trò phi pháp

Phát biểu tại hội thảo, ông Vương Kiện Thành, cựu chỉ huy Chiến khu nam bộ của PLA và hiện là thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước này, đề xuất “sử dụng tốt các vũ khí hợp pháp để duy trì an ninh quốc gia”.

Đồng quan điểm với ông Vương, nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc cần tăng cường xây dựng “các biện pháp pháp lý” để bảo vệ lợi ích của nước này trên toàn cầu, bao gồm cả các khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, cũng như các lợi ích khác của nước này trên thế giới cũng như khi quân đội nước này tham gia các hoạt động ở nước ngoài. Trong đó, nhiều đại biểu nhấn mạnh các công cụ pháp lý trải dài từ các hiệp ước quốc tế về triển khai quân sự ở nước ngoài, thông qua các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, cho đến biện minh pháp lý cho hành động quân sự ở các khu vực tranh chấp, chẳng hạn như Biển Đông.

Vào tháng 6.2020, Trung Quốc sửa đổi luật đưa PAP nằm dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương (CMC). Mà hải cảnh thuộc PAP nên xem như hải cảnh trở thành một phần của lực lượng quân sự. Được trang bị nhiều tàu có kích thước lớn và mang theo vũ khí hạng nặng, máy bay trực thăng vũ trang tác chiến đa nhiệm, lực lượng hải cảnh nhiều năm qua thường xuyên quấy rối ở Biển Đông, thậm chí đâm chìm tàu cá VN một cách phi pháp. Chính vì thế, khi đặt dưới CMC thì hải cảnh càng được “hậu thuẫn” trực tiếp mạnh mẽ hơn.

Đến đầu năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua luật hải cảnh mới của nước này. Trong đó, điểm nổi bật là hải cảnh có trách nhiệm xua đuổi tàu thuyền các nước khác, thậm chí sử dụng vũ khí nhằm vào tàu các nước khác ở khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Nhận xét về luật này, TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định: “Điều này cho thấy Bắc Kinh đang muốn tiến thêm một bước trong việc sử dụng “cơ bắp” để đảm bảo điều mà họ xem là “lợi ích” của Trung Quốc”. Ông lo ngại luật hải cảnh mới của Trung Quốc có khả năng gây mất ổn định ở Biển Đông và biển Hoa Đông. “Thêm vào đó, khi Bắc Kinh vẫn phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đối với Biển Đông thì việc trao thêm quyền cho hải cảnh Trung Quốc như vậy sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”, ông Swee Lean Collin Koh đặt vấn đề.

Tương tự, ông Greg Poling, Giám đốc chương trình AMTI – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), lo ngại thông qua luật hải cảnh mới, thì “các “tàu chấp pháp” của Trung Quốc sẽ được sử dụng vũ khí ở bất cứ khu vực nào, vào bất cứ lúc nào mà họ cho là cần thiết, như ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, rồi sau đó lại tự biện minh để hợp thức hóa hành động”.

Rồi đến tháng 8.2021, Trung Quốc công bố áp dụng các quy định mới về khai báo đối với một số loại tàu thuyền đi vào vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Với chiêu trò này, Trung Quốc tự đặt ra quyền thẩm vấn, lên và khám xét bất kỳ tàu nào quá cảnh qua Biển Đông.

Tăng ngân sách quốc phòng lên mức cao

Trong một diễn biến khác, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Trung Quốc vừa công bố tăng ngân sách quốc phòng năm 2022 lên 7,1%, đạt mức 1.450 tỉ nhân dân tệ (tương đương 230 tỉ USD). Mức tăng này ít hơn so với mức 8,1% của năm 2018 và 7,5% của năm 2019, nhưng cao hơn năm 2020 (6,6%) và năm 2021 (6,8%).

Trả lời Thanh Niên ngày 12.3, TS Satoru Nagao cho rằng việc Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng thêm 7,1% trong năm nay cho thấy Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi tham vọng lâu nay. Hiện tại, chi tiêu quân sự của Trung Quốc là số 2 thế giới sau Mỹ. Và ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific), chi tiêu quân sự của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với bất kỳ nước láng giềng nào khác. Ngoài ra, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự lên 76% trong giai đoạn 2011 – 2020, bất chấp việc Mỹ giảm 10%. Tổng ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2022 tăng 2% so với năm 2021, nên Trung Quốc cũng tăng chi tiêu quân sự với tốc độ nhanh để bắt kịp Mỹ. Vì thế, các nước ở Indo-Pacific lo ngại về tham vọng của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, TS Nagao cho rằng: “Nga vừa phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine khiến tình hình thế giới căng thẳng, dẫn đến tầm quan trọng của quốc phòng được tăng lên. Nếu Nga thành công trong xung đột với Ukraine, thì có khả năng Trung Quốc muốn làm điều tương tự đối với một số bên trong khu vực”.

RELATED ARTICLES

Tin mới