Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ cảnh báo nguy cơ 'luật của kẻ mạnh' trở lại Biển...

Mỹ cảnh báo nguy cơ ‘luật của kẻ mạnh’ trở lại Biển Đông

Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang ở Biển Đông, có thể bao trùm cả khu vực, do các nước ngày càng có xu hướng muốn dùng sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp.

“Lo ngại của tôi là sau nhiều thập kỷ hòa bình và thịnh vượng, chúng ta bắt đầu thấy ‘luật của kẻ mạnh’ quay trở lại khu vực”, Reuters dẫn lời Đô đốc Scott Swift, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, hôm qua cho biết trong bài phát biểu ở Hawaii.

Theo ông Swift, bằng việc sử dụng sức mạnh quân sự để áp đặt chủ quyền, các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, có nguy cơ tạo ta một cuộc chạy đua vũ trang có thể bao trùm cả khu vực. Ông kêu gọi các quốc gia giải quyết tranh chấp trên biển bằng trọng tài quốc tế.

“Cả bên đòi chủ quyền và không đòi chủ quyền đều đang sử dụng nhiều tài sản quốc gia hơn nhằm phát triển hải quân mạnh hơn mức cần thiết để tự vệ”, Swift nói.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi có lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD di chuyển qua mỗi năm, chồng lấn lên vùng biển của các nước láng giềng. Bắc Kinh còn đang xây dựng trái phép 7 đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

“Thậm chí vào lúc này, tàu cùng phi cơ hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế gần những thực thể đó cũng trở thành đối tượng bị cảnh báo, đe dọa đến các hoạt động thương mại và theo thường lệ”, theo ông Swift.

Mỹ cuối tháng 10 điều tàu khu trục tên lửa USS Lassen tuần tra sát một đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép khiến Bắc Kinh tức tối và điều tàu bám theo. Tuy nhiên, hải quân Mỹ không thể tuần tra thêm Biển Đông như vậy trong năm nay như đề xuất ban đầu, ba quan chức quốc phòng Mỹ hôm qua nói.

Philippines đệ đơn lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan, đề nghị tòa tái xác nhận quyền của Manila đối với khu vực trong phạm vi 200 hải lý kể từ đường bờ biển theo công ước Liên Hợp Quốc, thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

“Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc có thể là cơ hội để thể hiện cách tiếp cận pháp lý về sự thịnh vượng khu vực đối với toàn bộ các nước”, ông Swift nói.

Bắc Kinh vẫn kiên quyết bác bỏ mọi phán quyết từ PCA và tẩy chay phiên điều trần. Phán quyết từ PCA sẽ có tính ràng buộc với các nước thành viên, trong đó có Trung Quốc.

Tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm nay mô tả vụ kiện là “một trò hề nhằm xé phần lãnh thổ mà Trung Quốc có chủ quyền từ thời cổ đại khỏi nước này”.

RELATED ARTICLES

Tin mới