Tối ngày 11.3.1988, tàu vận tải HQ-604 nhổ neo rời cảng Cam Ranh chở theo chiến sĩ công binh Trung đoàn 83 và lực lượng giữ đảo của Lữ đoàn 146 ra bãi đá Gạc Ma để xây dựng tại cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Đó là chuyến ra khơi cuối cùng của con tàu này và là chuyến đi định mệnh của nhiều chiến sĩ trên tàu…
Lấy chiến hạm tấn công tàu vận tải
Thời điểm căng thẳng Trung Quốc đe đọa dùng vũ lực, phía Việt Nam cũng chỉ có ba tàu vận tải, chủ yếu là lực lượng công binh hải quân ra làm nhiệm vụ xây dựng tại đảo, đá với 2 phân đội công binh gồm 70 người và 4 tổ chiến đấu.
Các tàu vận tải của Việt Nam gồm: HQ-604, HQ-505, HQ-605, đều là những tàu vận tải không trang bị vũ khí, ngoài các khẩu AK của các chiến sĩ công binh để tự vệ khi cần thiết.
Trong khi đó, phía Trung Quốc đã tổ chức một chiến dịch quân sự rất rõ ràng nhằm tiến hành xâm chiếm lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tối ngày 11.3.1988, tàu HQ-604 nhổ neo từ Cam Ranh ra khơi, thực hiện nhiệm vụ tại cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Hai giờ sáng ngày 12.3.1988, nhận thấy nhiều diễn biến bất thường, Tư lệnh Quân chủng Hải quân lệnh cho tàu HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125 từ đá Đông đến đóng giữ đá Len Đao trước 6 giờ ngày 14.3.1988.
Sau 29 tiếng vượt sóng, tàu HQ-605 đến Len Đao lúc 5 giờ sáng ngày 14.3.1988 và cắm cờ Tổ quốc trên bãi đá này. Tàu HQ-505 đang làm nhiệm vụ trực tại Trường Sa cũng nhận lệnh đến Cô Lin. Phối hợp với hai tàu HQ-505 và HQ-604 có hai phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn Công binh 83, bốn tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146 do trung tá, Lữ đoàn phó Trần Đức Thông chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn đo đạc, biên vẽ bản đồ (thuộc Bộ Tổng tham mưu).
Sau khi tàu HQ-604 và HQ-605 có mặt tại Gạc Ma vào chiều tối 13.3.1988, tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ-604 và dùng loa gọi sang uy hiếp. Chiến hạm của Trung Quốc cùng một tàu hộ vệ, hai tàu vận tải thay nhau chạy quanh đảo Gạc Ma. Đêm 13.3.1988, Sở Chỉ huy Quân chủng Hải quân lệnh cho bộ phận giữ đảo quyết tâm phải giữ vững các mục tiêu đã xác định và ngay trong đêm, xuồng vận tải chở vật liệu xây dựng được chuyển xuống đảo. Một nhóm chiến sĩ gồm thiếu úy Trần Văn Phương và 4 đồng chí khác nhận lệnh vào đảo cắm cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền.
Về diễn biến của thảm sát Gạc Ma ngày 14.3.1988, trong bài viết: “Sự thật ở Trường Sa: cuộc tiến công bằng tàu khu trục tên lửa của Trung Quốc vào ba tàu vận tải không có vũ khí tiến công của ta ở vùng đảo Sinh Tồn”, tác giả Ngọc Đản thuật lại trên Báo Nhân Dân số ngày 24.3.1988:
“Ba chiếc tàu chiến mang số 556, 653 và 552 áp sát các tàu vận tải của ta. Có lúc tàu 505, 502 của chúng mở hết tốc độ như muốn lao thẳng vào các tàu HQ-604 và HQ-605 của ta ở Gạc Ma và Cô Lin. Lúc đó, trên đảo Gạc Ma, các chiến sĩ ta đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng ra hiệu cho các tàu chiến Trung Quốc biết đây là vùng đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Trên tàu HQ-604, loại tàu “Đại Khánh” do Trung Quốc sản xuất trọng tải 50 tấn, ta đã sử dụng hàng chục năm nay, đồng chí Thông (Trần Đức Thông) – cán bộ chỉ huy đứng trước mũi tàu nhắc nhở chiến sĩ tỉnh táo không để mắc mưu khiêu khích của địch. Đồng chí ra lệnh giọng vang át cả sóng biển: “Tất cả không được nổ súng khi tôi chưa ra lệnh!”.
Máu đã nhuộm biển quê hương
Sự khiêu khích, đe dọa của quân đội Trung Quốc không làm cho các công binh phía Việt Nam nhụt chí, nhất là không mắc mưu trong việc “ai nổ súng trước”.
Theo Báo Nhân Dân ngày 24.3.1988, ngay sau khi nhận thấy những màn khiêu khích không có tác dụng, thì: “Tàu chiến số 502 của Trung Quốc liền lao vào tàu vận tải HQ-604 của ta. Còn tàu HQ-604 vẫn hiên ngang không nhổ neo. Ngay phía sau tàu HQ-604, một số cán bộ, chiến sĩ do thiếu úy Trần Văn Phương – Trung đội trưởng thuộc đoàn Trường Sa trực tiếp chỉ huy đang làm nhiệm vụ trên đảo có cắm lá cờ Tổ quốc. Chủ quyền vùng đảo của chúng ta được khẳng định bằng chiếc tàu đang neo tại bến và các chiến sĩ trên đảo. Một phân đội nhỏ được lệnh xuống chiếc ghe nhỏ, chở hàng hóa lương thực, thực phẩm vào bờ, không mang theo vũ khí.
Điên cuồng trước thất bại uy hiếp tàu vận tải HQ-604 của ta, từ trên chiếc tàu chiến số 502, bọn chỉ huy Trung Quốc ra lệnh cho bọn lính chuyển xuống xuồng máy tiến công vào đảo Gạc Ma. Có 71 tên do một tên cầm súng ngắn chỉ huy, đứa nào cũng cắt tóc ngắn, lăm lăm súng AK đeo dây băng đạn trước ngực, súng đã giương lê… Tên chỉ huy lăm lăm khẩu súng ngắn cùng hàng chục tên tràn lên bãi đảo của ta, nơi đã có lá cờ Tổ quốc Việt Nam và các chiến sĩ Trường Sa.
Lúc này, lính Trung Quốc chĩa mũi súng vào thiếu úy Trần Văn Phương. Một số tên nói tiếng Việt trắng trợn gào thét: “Đây vùng đảo của Trung Quốc”. Thiếu úy Trần Văn Phương và các chiến sĩ lên tiếng trả lời: “Hãy bỏ súng xuống! Không nên gây đổ máu!”.
Câu nói của thiếu úy Trần Văn Phương chưa dứt, một tên đã nhào vô hòng nhổ lá cờ đỏ sao vàng. Thiếu úy Trần Văn Phương nhanh tay giằng lấy, Nguyễn Văn Lanh, binh nhất 22 tuổi lao lên giữ cờ. Một tên lính Trung Quốc cao to, giữ chiếc máy bộ đàm nhỏ trên tay nắm ngay chiếc xà beng của chiến sĩ ta để trên đảo từ phía sau lao xả vào lưng anh. Anh kịp tránh: Thiếu úy Trần Văn Phương giữ chặt lá cờ Tổ quốc thì bị một trên khác bắn xả vào anh một loạt đạn AK.
Trần Văn Phương ngã xuống, Nguyễn Văn Lanh vừa đánh bật khẩu súng ngắn trên tay tên chỉ huy thì một tên lính khác dùng lưỡi lê đâm thẳng vào phía sau lưng Lanh chệch vào bả vai bên trái. Nó bắn tiếp viên đạn AK vào Lanh trúng sát vết lê đâm. Anh gục xuống trong dòng máu đỏ”.
T.P