Dự kiến, ngày 18/12, Tổng thống Mỹ sẽ ký dự luật 1683 bán vũ khí cho Đài Loan, giúp Đài Loan tăng cường năng lực ứng phó Trung Quốc, được Đài Loan hoan nghênh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama chuẩn bị ký kết dự luận cho phép bán vũ khí đợt mới cho Đài Loan.
Mỹ chuẩn bị chính thức công bố bán vũ khí cho Đài Loan
Theo hãng tin CNA Đài Loan ngày 15/12, đến ngày 18 tháng này (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ ký “Dự luật chuyển giao tàu chiến” số 1683, chính thức đồng ý chuyển bán 4 tàu hộ vệ lớp Perry cho Đài Loan.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters Anh ngày 14/12, nguồn tin từ Quốc hội Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Obama sẽ bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, có kế hoạch trong tuần này cho phép bán 2 tàu hộ vệ cho Đài Loan.
Một nghị sĩ của đảng Cộng hòa Mỹ cho hay: “Chúng tôi sớm công bố kế hoạch này trong tuần”. Trong khi đó, một nghị sĩ khác cho biết, thông báo này có thể đưa ra “bất cứ lúc nào”.
Đây là lần đầu tiên Mỹ chuyển giao vũ khí cho Đài Loan trong 4 năm qua với khoảng cách thời gian dài nhất giữa hai lần bán vũ khí cho Đài Loan trong gần 40 năm qua.
Ngoài ra, tờ Liên Hợp, Đài Loan ngày 27/11 đưa tin, Mỹ sẽ bán 2 tàu hộ vệ lớp Perry vừa nghỉ hưu cho Đài Loan – “nguyên bản Mỹ” của 8 tàu hộ vệ lớp Thành Công tự chế tạo hiện có của Hải quân Đài Loan. Được biết, 2 tàu Mỹ bán cho Đài Loan lần này đều đi vào hoạt động từ năm 1984.
Trong lần này, Đài Loan mua tàu hộ vệ lớp Perry sẽ kèm theo thiết bị định vị thủy âm kéo SQR-19 lắp trên tàu. Đây là trang bị mà Mỹ không muốn xuất khẩu khi cấp phép cho Đài Loan chế tạo tàu lớp Thành Công vào 20 năm trước, điều này có lợi cho nâng cao năng lực tìm kiếm tàu ngầm.
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Perry Mỹ |
Tháng 12/2014, Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật chuyển giao tàu chiến hải quân (Naval Transfer Act), cho phép bán 4 tàu hộ vệ tên lửa lớp Perry cho Đài Loan. Tổng thống Mỹ Barack Obama sở dĩ tích cực thúc đẩy bán vũ khí cho Đài Loan trước cuối năm 2015 là nhằm phối hợp với chu kỳ ngân sách tài chính của Đài Loan.
Ngoài ra, theo hãng tin VOA Mỹ ngày 15/12, chính quyền Obama chuẩn bị công bố bán 2 tàu hộ vệ lớp Perry cho Đài Loan còn do chịu sức ép liên tục từ Quốc hội Mỹ.
Hai đảng lớn ở Quốc hội Mỹ đều ủng hộ nhanh chóng thực hiện bán vũ khí cho Đài Loan. Vào tháng trước, Thượng nghị sĩ Ben Cardin thuộc đảng Dân chủ ở Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và Thượng nghị sĩ John McCain thuộc đảng Cộng hòa ở Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã lần lượt viết thư để gây sức ép với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Đài Loan sớm đã cho biết, họ sẽ chi khoảng 176 triệu USD để mua 2 tàu hộ vệ lớp Perry Mỹ, đồng thời sẽ cân nhắc có cần mua thêm 2 chiếc nữa hay không.
Có bình luận cho rằng, Đài Loan mua tàu hộ vệ tên lửa cũ là kế hoạch mang tính quá độ trong kế hoạch xây dựng quân đội 15 năm, mong muốn khắc phục điểm yếu về sức chiến đấu trước khi chế tạo tàu chiến thế hệ tiếp theo ở Đài Loan.
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Perry Mỹ |
Việc Mỹ chuẩn bị chính thức đồng ý bán các tàu hộ vệ lớp Perry cho Đài Loan diễn ra trong bối cảnh Trung-Mỹ xuất hiện nhiều căng thẳng mới ở Biển Đông trong thời gian vừa qua.
Mỹ cho rằng, yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi đơn phương xây dựng đảo nhân tạo và tiền đồn quân sự ở Biển Đông. Nhưng yêu cầu của Mỹ đã bị Trung Quốc phớt lờ.
Đáp trả, Mỹ quyết định tiến hành tuần tra định kỳ ở Biển Đông để khẳng định tự do đi lại, góp phần phá tan yêu sách “đường chín đoạn” bằng hành động thực tế.
Việc Mỹ chuẩn bị bán lô vũ khí mới cho Đài Loan là một phần của cam kết hỗ trợ quốc phòng cho Đài Loan, có lợi cho Mỹ duy trì vị thế lãnh đạo khu vực.
Có tin cho hay, trong đợt bán vũ khí cho Đài Loan lần này, Mỹ còn có thể bán tàu khu trục tên lửa, 12 xe đột kích đổ bộ, 1 máy bay trực thăng Apache và nhiều loại tên lửa cho Đài Loan, tổng trị giá có thể đạt 1 tỷ USD.
Đài tiếng nói Đức ngày 15/12 cũng khẳng định, ngoài 2 tàu hộ vệ, trong kế hoạch bán vũ khí mới Mỹ sẽ còn bán cho Đài Loan 12 xe chiến đấu đổ bộ AAV7, 1 máy bay trực thăng AH-64 Apache và nhiều loại tên lửa phòng không và tên lửa chống tăng. Nhưng, máy bay chiến đấu không nằm trong đợt bán vũ khí lần này.
Máy bay trực thăng vũ trang AH-64 Apache Mỹ |
Trong một cuộc họp báo thường lệ ngày 15/12, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan La Thiệu Hòa cho hay, Mỹ căn cứ vào Luật quan hệ với Đài Loan, đưa ra 6 cam kết đối với Đài Loan, tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, cung cấp vũ khí trang bị tự vệ cho Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ.
Trong khi đó, nâng cao sức mạnh phòng vệ của Đài Loan sẽ có ý nghĩa tích cực trong thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực. Nhưng theo La Thiệu Hòa, đến nay Đài Loan vẫn chưa nhận được thông báo của Mỹ về việc thông qua cuối cùng kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan.
Đài tiếng nói Đức cho rằng, trước khi Đài Loan tổ chức bầu cử vào tháng 1/2016, vấn đề bán vũ khí cũng có thể tiếp tục gây tranh cãi. Căn cứ vào mức độ ủng hộ của người dân hiện nay, đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan – một đảng chủ trương duy trì tính độc lập với Trung Quốc rất có khả năng sẽ giành thắng lợi.
Các nguồn tin cho biết, gần đây Đài Loan cũng đang tìm cách mua sắm và tự nghiên cứu chế tạo tàu ngầm.
Theo tờ Defense News Mỹ ngày 5/12, xét tới tình hình hiện nay, sự lựa chọn tốt nhất trong việc mua tàu ngầm của Đài Loan không phải ở Mỹ, mà là ở Nhật Bản. Tướng hải quân David Dương của Đài Loan tiết lộ, Đài Loan đang đàm phán với Nhật Bản về khả năng mua tàu ngầm lớp Soryu.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Năm 2001, Mỹ cam kết cung cấp 8 tàu ngầm động cơ thông thường cho Đài Loan, nhưng đến nay Mỹ vẫn không thể bàn giao những tàu ngầm này.
Nguyên nhân quan trọng là Mỹ đã không còn chế tạo tàu ngầm thông thường kể từ năm 1959, trong khi đó, các nước khác đã từ chối cung cấp loại vũ khí tấn công này cho Đài Loan vì nguyên nhân chính trị.
Mặc dù Đài Loan muốn tự nghiên cứu chế tạo tàu ngầm, nhưng họ gặp vô vàn khó khăn về công nghệ và tài chính. Hiện nay, Đài Loan chỉ có 2 tàu ngầm thông thường do Hà Lan chế tạo còn sức chiến đấu, còn 2 chiếc khác chỉ dùng cho huấn luyện.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản hiện đã nới lỏng hạn chế xuất khẩu tàu ngầm. Minh chứng rõ rệt nhất là họ đang tham gia tranh thầu hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho Hải quân Australia. Tàu ngầm lớp Soryu là một trong những tàu ngầm thông thường tiên tiến nhất thế giới, áp dụng công nghệ AIP.
Báo Mỹ cho rằng, Nhật Bản và Đài Loan có “mối đe dọa chung”, “hiện nay, Đài Loan và Nhật Bản đều đối mặt với hạm đội tàu ngầm khổng lồ của Quân đội Trung Quốc, số lượng tàu ngầm của Trung Quốc đã trên 70 chiếc”.
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc |
Tuy nhiên theo tướng David Dương, Đài Loan vẫn xem xét mua tàu ngầm của Mỹ, vì hai bên có hợp tác an ninh lâu dài. Đài Loan đang hối thúc Mỹ đẩy nhanh các thủ tục bán vũ khí để cung cấp tàu ngầm cần thiết cho Đài Loan.
Trung Quốc phản đối
Theo hãng tin VOA Mỹ ngày 15/12, Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan luôn bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ. Trung Quốc cho rằng, Đài Loan là một tỉnh không thể chia cắt của họ.
Lần này, Mỹ chuẩn bị công bố bán vũ khí cho Đài Loan, được phía Đài Loan hoan nghênh. Nhưng, giống như thường lệ, ngày 15/12, phía Trung Quốc cũng đã lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc làm này của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Trung Quốc kiên quyết phản đối Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, cách làm của Mỹ đã vi phạm 3 thông cáo chung Trung-Mỹ, nhất là nguyên tắc Thông cáo 17/8, can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc, phá hoại phát triển hòa bình quan hệ hai bờ và quan hệ Trung-Mỹ”.
Hồng Lỗi – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc |
Hồng Lỗi còn yêu cầu Mỹ “nhận rõ tính nhạy cảm và tính nguy hại cao của việc bán vũ khí cho Đài Loan, thúc giục Mỹ tuân thủ cam kết, chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan, làm nhiều việc có lợi cho phát triển hòa bình hai bờ và quan hệ Trung-Mỹ”.
Trong khi đó, Nhà Trắng từ chối bình luận về vấn đề này. Có chuyên gia cho rằng, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan lần này có thể bị trì hoãn do Mỹ luôn muốn duy trì quan hệ ổn định trong rất nhiều vấn đề quốc tế quan trọng với Trung Quốc – quốc gia vừa là đối thủ chiến lược ngày càng mạnh, vừa là đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ.