Trong tuần qua, các đập thủy điện Trung Quốc xả hàng tỉ mét khối nước khiến mực nước sông Mê Kông cao kỷ lục trong mùa khô.
Theo các chuyên gia, sự bất thường của dòng sông sẽ làm sạt lở gia tăng, hệ sinh thái tự nhiên bị hủy diệt kéo theo ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế và sinh kế người dân.
Mực nước cao kỷ lục
Theo báo cáo của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC), nhiều trạm đo trên sông Mê Kông ghi nhận mực nước liên tục tăng trong những tuần qua. Tuần lễ từ ngày 8 – 14.3, tại trạm Chiang Khan (Thái Lan) và Vientiane (Lào), mực nước lần lượt tăng đáng kể trong khoảng từ 0,7 – 1,13 m. Mực nước hiện tại ở hai trạm này đang hơn khoảng 2,37 m so với mức trung bình nhiều năm và đây được coi là bất thường. Mực nước tại các trạm đo từ Thái Lan đến Lào và Campuchia sẽ tiếp tục tăng, tại Luang Prabang của Lào sẽ tiếp tục cao hơn mức cao kỷ lục.
Những thông tin trên trùng khớp với bản tin hằng tuần theo dõi mực nước và hoạt động của các đập thủy điện trên dòng sông Mê Kông của dự án Theo dõi đập Mê Kông (MDM) thuộc Trung tâm Stimson và Dự án quan sát trái đất (Eyes on Earth, đều của Mỹ).
Theo MDM, từ ngày 1.3, việc xả nước ở Trung Quốc đã làm tăng mực nước sông ở Thái Lan hơn 1,5 m. MDM giám sát 45 con đập trên hệ thống sông Mê Kông và ghi nhận có 16 đập đã xả nước. Tuần lễ từ 7 – 13.3, riêng đập Nọa Trác Độ và Tiểu Loan (Trung Quốc) đã xả tổng cộng 2 tỉ m3 nước trong khi các tuần trước đó chưa vượt quá con số 1 tỉ m3. “Từ nay đến hết tháng 6, các con đập trên thượng nguồn sông Mê Kông có thể sẽ xả lượng nước bằng tuần rồi, thậm chí có thể lớn hơn. Điều này sẽ làm tăng mực nước sông ở hạ lưu một cách bất thường”, MDM dự báo.
Đối với hai trạm đo chính ở sông Tiền và sông Hậu trên lãnh thổ Việt Nam là Tân Châu và Châu Đốc, mực nước vẫn còn dao động giữa mức tối đa và mức tối thiểu do ảnh hưởng của thủy triều hằng ngày từ biển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi các đập thủy điện tiếp tục xả nước với lưu lượng lớn như hiện nay thì tác động sẽ nhanh chóng lan đến ĐBSCL. Những tác động này có thể lặp đi lặp lại trong nhiều năm và gây ra những hệ quả rất lớn.
Hệ quả khó lường về lâu dài
Anh Lê Minh Điền, một người dân ở Thanh Bình (Đồng Tháp), cho biết: Vào mùa khô năm nay nước trên sông Tiền luôn cao, lúc nào cũng ở mức như hồi tháng 9, 10 (mùa nước nổi). Nhưng về cơ bản mực nước này đã thấp hơn 10 năm trước khoảng 1/3. Nhìn bề mặt, nước hiện nay khá trong, không “đỏ quạch” phù sa như trước kia. Thế nên vườn cây, ruộng lúa bây giờ dù sử dụng nhiều phân bón nhưng cũng không đạt năng suất như trước.
Nhận định về sự bất thường của dòng sông, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái ĐBSCL, cho hay: Hoạt động tích nước mùa lũ, xả ra để phát điện trong mùa khô của các đập thủy điện Mê Kông có thể giúp giảm hạn mặn ven biển ĐBSCL trong những năm bình thường. Xét riêng về hạn mặn thì đây có thể tạm xem là tác động “tích cực”. Nhưng hệ quả lâu dài thì khó lường. Trước đây trong điều kiện tự nhiên, lượng nước sông Mê Kông phân bố 80% trong mùa mưa và 20% trong mùa khô. Nhờ vậy ĐBSCL có hai mùa rõ rệt, mùa nước nổi và mùa khô. Cũng nhờ đó mà trong mùa nước nổi, dòng chảy từ trên đủ mạnh để tải phù sa, bùn cát về bồi đắp tạo nên ĐBSCL trong hơn 6.000 năm qua. Nay thủy điện làm thay đổi tỷ lệ phân bố này, giả sử thành tỷ lệ 60% trong mùa lũ và 40% trong mùa khô. Tuy mùa khô thì ít hạn mặn, nhưng dòng sông mùa lũ không còn đủ mạnh để tải bùn, cát về nữa. Thiếu bùn cát về mỗi năm, đất đai ĐBSCL sẽ bạc màu nhanh chóng, sạt lở bờ sông, bờ biển sẽ gia tăng theo thời gian. Đây mới là mối lo lâu dài.
“Cho phép nước đi qua đập thay vì lưu trữ trong các hồ chứa sẽ cung cấp cho hạ lưu sông và giúp duy trì tính toàn vẹn của sông trong một năm hạn hán. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua một thỏa thuận quốc tế về chia sẻ nước và bằng cách thiết lập các cơ chế dự báo và cảnh báo sớm trên toàn lưu vực”. Một chuyên gia thuộc MDM.
Còn theo chuyên gia về đa dạng sinh học, TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ), về nguyên tắc chung, dòng sông có nước lớn nước ròng, có mùa kiệt mùa lũ. Đó là quy luật tự nhiên sẵn có từ bao đời nay và đã được “mã hóa” trong gien di truyền của các loài sinh vật. Khi đang mùa khô mà nước bỗng đầy lên thì tôm cá sẽ hiểu đó là tín hiệu của mùa di cư, sinh sản… Cây cỏ thiên nhiên cũng vậy, chúng dựa theo nhịp điệu tự nhiên của dòng sông mà trổ bông, kết trái. Nay nhịp nước rối loạn hết cả thì vạn vật muôn loài sẽ không biết đường đâu mà lần. Việc các đập thượng nguồn tích nước trong mùa lũ cũng làm cho dòng chảy vào Biển Hồ (Campuchia) suy giảm, tức xóa bỏ vai trò điều tiết nước tự nhiên của Biển Hồ. Thủy sản tự nhiên của Biển Hồ cũng sẽ bị xóa sổ, ảnh hưởng đến hàng triệu người ở đó, ảnh hưởng đến lượng trứng cá và cá con trôi về ĐBSCL mỗi mùa lũ.
Tuy nhiên, điều mà PGS-TS Lê Anh Tuấn (ĐH Cần Thơ) lo nhất chính là các nước hạ nguồn không có thông tin về sự vận hành của các đập thủy điện phía Trung Quốc. Vì vậy sẽ rất khó để nói cần phải “đối mặt” với việc đó như thế nào, còn về tổng thể dòng chảy tự nhiên bị biến đổi sẽ rất nguy hại. Tác động đến kinh tế và sinh kế người dân là rất lớn.
Cơ chế ứng phó khủng hoảng
Theo các chuyên gia của MDM, các đập thủy điện đã làm biến đổi dòng chảy tự nhiên của dòng Mê Kông theo xu hướng chung là thiếu hụt dòng chảy trong mùa mưa, ngược lại vào mùa khô sẽ dư thừa nước. Sự gia tăng dòng chảy mùa khô sẽ hủy hoại hệ sinh thái của dòng sông, các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Trong khi đó, dòng chảy tự nhiên trong mùa mưa đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với môi trường và sinh kế của người dân hạ lưu vực, đặc biệt là nông nghiệp và khai thác thủy sản tự nhiên. Mùa nước nổi tự nhiên thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, nơi cung cấp cho VN 20% GDP hằng năm, một nửa sản lượng lúa gạo, hầu hết trái cây và nuôi trồng thủy sản. Biển Hồ (Tonle Sap) của Campuchia là nơi có ngành đánh bắt cá nội địa lớn nhất thế giới.
Báo cáo cũng dẫn nguồn MRC cho rằng mùa mưa lũ mang lại giá trị từ 8 – 10 tỉ USD hằng năm cho ngư nghiệp, nông nghiệp và nguồn nước ngọt sẵn có cho các nước hạ lưu vực. Chính vì vậy, cần có cơ chế ứng phó với khủng hoảng về việc biến đổi dòng chảy trong tương lai.
Bắt buộc phải thiết lập một cơ chế phản hồi mang tính xây dựng để trong các đợt hạn hán vào mùa mưa, những người vận hành đập có thể thay đổi hoạt động để cho phép nhiều nước đi qua các hồ chứa hơn thay vì lưu trữ nó.
Theo nhóm nghiên cứu MDM, hiện nay riêng các đập Tiểu Loan và Nọa Trác Độ chiếm hơn 50% tổng dung tích lưu vực trên lưu vực sông Mê Kông và đều thuộc sở hữu của cùng một công ty mẹ, Huaneng Hydrolancang. Một cơ chế khuyến khích tài chính trong đó Huaneng Hydrolancang đảm bảo mức dòng chảy tối thiểu (và tối đa) sẽ có lợi trong cả mùa mưa và mùa khô. Hợp đồng bảo hiểm là một phương pháp để bù đắp tổn thất doanh thu thủy điện, mặc dù các chi tiết của việc bảo lãnh một thỏa thuận như vậy sẽ cần được thương lượng giữa tất cả các bên bị ảnh hưởng. Cách tiếp cận như vậy sẽ tốn kém tiền bạc, nhưng một giải pháp được thương lượng có thể sẽ tiết kiệm cho các nước hạ lưu vực nhiều hơn so với chi phí thiệt hại mà họ sẽ phải trả.
T.P