Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHọc giả khuyên TQ cần từ bỏ Putin ngay lập tức

Học giả khuyên TQ cần từ bỏ Putin ngay lập tức

“Trung Quốc không thể bị ràng buộc với Putin và cần phải cắt đứt [với ông ta] càng sớm càng tốt.” Những lời này được viết bởi một học giả Trung Quốc nổi tiếng, và nó đã chi phối cuộc thảo luận giữa các chuyên gia đối ngoại và an ninh Trung Quốc trong những ngày gần đây.

Đề xuất táo bạo kêu gọi cắt đứt quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin đến từ Hu Wei, một nhà khoa học chính trị đang làm việc cho Văn phòng Quốc vụ viện Chính phủ Trung Quốc do Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng đầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Chú thích của bài báo này cũng đáng được chú ý. Nó nói rằng Hu còn kiêm nhiệm chức chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chính sách Công Thượng Hải. Ngay từ những dòng đầu tiên, tác giả đã nói rằng bài báo không đại diện cho bất kỳ đảng phái nào, đơn thuần chỉ là quan điểm của một học giả. Tuy nhiên, vị trí của Hu – một học giả có quyền tiếp cận khu vực Trung Nam Hải của Bắc Kinh, nơi đặt văn phòng của giới lãnh đạo Trung Quốc – cho thấy ông có nhiều người ủng hộ đứng sau mình.

Cũng không thể ngẫu nhiên mà một bài báo kêu gọi sự đảo ngược cơ bản chính sách Ukraine của Trung Quốc lại được công bố ngay trước cuộc gặp marathon kéo dài bảy giờ giữa nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Rome.

Nhà ngoại giaoDương Khiết Trì và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan

Hu không ngần ngại đi thẳng vào vấn đề.

Ngay cả khi Nga chiếm được Ukraine và thành lập chính phủ bù nhìn, các lệnh trừng phạt của phương Tây và làn sóng nổi dậy bên trong Ukraine sẽ khiến Putin khó đạt được mục tiêu mong đợi, ông viết.

Nền kinh tế trong nước của Nga sẽ không bền vững và cuối cùng sẽ sa sút, Hu dự đoán điều này sẽ xảy ra trong vòng một vài năm tới.

Ông nói, Trung Quốc nên tránh chơi với cả hai phe, cần từ bỏ vị trí trung lập, và đi theo quan điểm chủ đạo trên toàn cầu. Ông kết luận, nếu Trung Quốc đóng một vai trò nào đó trong việc chấm dứt chiến tranh – có khả năng là chiến tranh hạt nhân – thì quan hệ căng thẳng của nước này với các quốc gia phương Tây sẽ giảm bớt, và họ có thể thoát ra khỏi thế cô lập.

Chiến lược chiến tranh chớp nhoáng (blitzkrieg) của Putin đã thất bại. Liên minh quốc tế chống lại Nga thực chất mạnh hơn giả định. Trong hoàn cảnh đó, Hu khuyến nghị Trung Quốc nhanh chóng chấm dứt cấu kết với Nga và chuyển sang bên thắng thế.

Bài báo được đăng tải ngày 05/03, ngày khai mạc kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Được phân loại “dùng cho cấp ra quyết định cao nhất của Trung Quốc đánh giá và tham khảo,” bài báo này đã được chuyển đến cho các lãnh đạo, trong đó có Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước.

Một tuần sau, vào ngày 12/03, bài báo được đăng trên US-China Perception Monitor (Giám sát Nhận thức Mỹ-Trung), một trang ấn phẩm trực tuyến do Trung tâm Carter điều hành.

Vào thời điểm bài báo đến tay các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đã 10 ngày trôi qua kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Rõ ràng rằng những gì Nga hy vọng sẽ là một chiến dịch chớp nhoáng nhằm lật đổ chính quyền Ukraine của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thất bại.

Bài báo đã bị gỡ xuống khỏi mạng Internet của Trung Quốc sau khi được công bố nội bộ khoảng một tuần. Có thể nói rằng Hu và cơ quan xuất bản tin tưởng rằng họ sẽ không bị trừng phạt vì đã phát hành bản phân tích thẳng thắn này.

Hu là giáo sư tại trường nghiên cứu chủ nghĩa Mác, một bộ phận thuộc trường đảng ở Thượng Hải. Ông cũng là một nhà phân tích tại Học viện Thượng Hải về Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội mang Đặc sắc Trung Quốc trong Thời đại Mới.

Các mối liên hệ của ông cho thấy có sự liên kết với các lực lượng chính trị tại Thượng Hải. Ông cũng là thành viên của Viện Charhar, một viện chính sách độc lập có trụ sở tại Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc.

“Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga chống lại Ukraine đã gây ra tranh cãi lớn ở Trung Quốc,” Hu lưu ý ở phần đầu bài báo, qua đó xác nhận tình trạng này. Những người ủng hộ và những người chống đối quả thực đã “chia thành hai phe đối lập không thể hòa giải.”

Phản ứng gay gắt đối với bài báo đã chứng minh điểm đó. “Người này là một công chức thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công của Văn phòng Quốc vụ,” một thành viên cánh tả trong đảng cho biết. “Nếu ông ta công khai phất lá cờ ủng hộ Mỹ, chống lại Nga, thì đó là một vấn đề lớn.”

Một người khác nói: “Bề ngoài thì tưởng chừng chỉ là quan điểm của cá nhân Hu. Nhưng xét từ chức danh của ông ấy, chắc chắn còn có những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng đứng đằng sau.”

Cánh tả cực đoan của Trung Quốc, hay còn được gọi là phái “Mao Tả” (Left Maoists), đã bị buộc phải giữ yên lặng mãi cho đến thời Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của Tập Cận Bình. Giờ đây, họ đang là trung tâm của quan hệ đối tác Trung-Nga, cổ vũ cho Putin.

Như đã chỉ ra hai tuần trước, cũng trong chuyên mục này, những bất đồng về Ukraine hiện vẫn tồn tại ngay cả trong bảy thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng.

Sau khi Tập gặp Putin vào ngày 04/02, bảy ủy viên đã thảo luận kỹ lưỡng về vấn đề Ukraine, trong lúc Thế vận hội Bắc Kinh đang diễn ra. Và họ không có cùng quan điểm.

Theo chính sách vẫn được áp dụng cho đến nay, Trung Quốc thích sử dụng thuật ngữ “chiến dịch quân sự đặc biệt” hơn là “chiến tranh” trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Nước này còn duy trì quan điểm rằng: dù lợi ích của Nga và Ukraine nên được xem xét, nhưng phương Tây phải chịu trách nhiệm cho tình hình hiện tại, vì họ đã cố gắng mở rộng NATO về phía đông.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng nghĩ rằng gây rắc rối với Nga, nước dường như đang trên đà chiến thắng, sẽ là điều ngu xuẩn.

Trung Quốc kỳ vọng rằng cuộc chiến Ukraine sẽ đi đến kết cục rõ ràng và giao tranh sẽ kết thúc trước ngày 04/03, ngày khai mạc Thế vận hội dành cho Người khuyết tật (Paralympic) Bắc Kinh. Nhưng kỳ vọng này đã bị phản bội.

Sự ngoan cố của Trung Quốc đã làm tổn hại đến hình ảnh quốc tế của nước này.

Andrew Parsons, chủ tịch Ủy ban Thế vận hội Quốc tế dành cho Người khuyết tật, đã kêu gọi hòa bình tại cả lễ khai mạc lẫn lễ bế mạc của Thế vận hội này.

Tuy nhiên, khi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, thuộc sở hữu nhà nước, cho phát sóng các bài phát biểu của Parsons, họ đã bỏ qua phần phiên dịch, hoặc thay đổi từ ngữ của các đoạn đề cập đến hòa bình.

Sự mâu thuẫn trong logic cũng xuất hiện tại cuộc họp báo cuối cùng của Lý Khắc Cường trên cương vị thủ tướng.

Phát biểu trước báo giới ngày 11/3, Lý tuyệt nhiên không nhận bất kỳ câu hỏi nào từ truyền thông Nga, để ngăn hình ảnh của Trung Quốc xấu đi. Ông cũng không đề cập đến tình hữu nghị “không có giới hạn” giữa Trung Quốc và Nga, vốn đã được xác nhận trong tuyên bố chung ngày 04/02 của Tập và Putin.

Dù rất khó tiếp cận bài báo gây tranh cãi của Hu, nhưng điều đó vẫn không ngăn được người ta tranh luận trực tuyến sôi nổi về nó tại Trung Quốc.

Cuộc tranh luận cho thấy khoảng cách rõ ràng giữa truyền thông nhà nước Trung Quốc, vốn tiếp tục đưa tin kiểu thân Nga, và dư luận.

Trong lúc bất đồng xuất hiện ở nội bộ Trung Quốc, cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc tại Rome đã được ấn định. Sullivan nêu những lo ngại về việc Trung Quốc ủng hộ Nga với Dương; hành động này diễn ra sau khi tờ Financial Times đưa tin rằng: sau khi xâm lược Ukraine, Nga đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thiết bị quân sự và hỗ trợ kinh tế bổ sung.

Dương nói với Sullivan rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc không đưa tin cụ thể liệu ông có đáp lại yêu cầu của Mỹ, về việc ngưng hỗ trợ Nga hay không.

Thật khó để Tập Cận Bình, người đã ký tuyên bố chung Nga-Trung ngày 04/02, nhanh chóng đảo ngược chính sách mà Trung Quốc vẫn tuân thủ cho đến lúc này.

Nhưng việc Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao với Mỹ – mà Washington đưa tin là đã đánh tiếng với Bắc Kinh từ hai tháng trước – ở giai đoạn này cho thấy Trung Quốc đã có chút thay đổi.

Theo bản tin, Dương không trực tiếp chỉ trích Mỹ về Ukraine, cũng không phản đối các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Điều này trái ngược với hành vi của ông ở Alaska chỉ một năm trước, khi nhà ngoại giao này công khai đả kích phái đoàn Mỹ.

Trong bài báo gây tranh cãi của mình, Hu nói rằng tính đến ngày 05/03, Trung Quốc đã gần cạn thời gian để đưa ra quyết định. Ông viết: “Vẫn còn khoảng một hoặc hai tuần trước khi Trung Quốc mất đi dư địa của mình. Trung Quốc phải hành động một cách dứt khoát.”

Liệu có ngẫu nhiên, khi cuộc gặp Dương -Sullivan diễn ra chưa đầy hai tuần sau đề xuất của Hu? Trung Quốc hiện đang đứng trước một ngã ba đường quan trọng.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

RELATED ARTICLES

Tin mới