Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững chiến thuật nổi bật của Nga trong chiến dịch quân sự...

Những chiến thuật nổi bật của Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine

Sau một tháng Nga khởi động cuộc chiến ở Ukraine, có thể nhận thấy khá rõ chiến thuật của Nga nhằm đạt được mục tiêu chính trị mà Tổng thống Vladimir Putin đề ra trong cuộc xung đột này.

Trong cuộc họp báo ngày 24/3/2022, Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiến dịch quân sự đặc biệt đang được thực thi thành công theo kế hoạch và đã hoàn thành mục tiêu của giai đoạn đầu. Đó là, cứu DPR và LPR thoát khỏi thảm họa diệt vong do chiến dịch quân sự mang tính diệt chủng của lực lượng Azov; giúp LPR giải phóng 92% lãnh thổ và DPR giải phóng 54% lãnh thổ khỏi sự chiếm đóng của các lực lượng phát xít mới; triệt thoái phần lớn tiềm lực và hạ tầng cơ sở quân sự của Ukraine; tạo hành lang nhân đạo để đưa người dân tránh xa khu vực chiến sự.

Chiến thuật đánh chắc, tiến chắc. Sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt mở màn, truyền thông phương Tây đưa tin rằng Nga có ý định chỉ trong 72 giờ sẽ đánh chiếm toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Thậm chí, một số kênh truyền thông nước ngoài còn đưa tin rằng các binh sỹ xe tăng Nga mang theo lễ phục để sẵn sàng tham dự lễ duyệt binh mừng chiến thắng ở thủ đô Kiev!? Sau 3 ngày không thấy quân Nga tấn công Kiev, truyền thông phương Tây liền đưa ra nhận định quân Nga đang “bị sa lầy” trước sự chống trả quyết liệt của quân đội Ukraine và do không được bảo đảm hậu cần. Tệ hơn nữa, truyền thông phương Tây còn tung tin giả rằng “các binh sỹ Nga do không được tiếp tế hậu cần đã tranh cướp thực phẩm của người dân Ukraine”!?

Trên thực tế, Nga không áp dụng chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” kiểu ném bom rải thảm như quân Mỹ vẫn áp dụng, mà là chiến thuật “đánh chắc, tiến chắc”. Chiến thuật này rất thích hợp với phương thức tác chiến nhằm đồng thời đạt được ba mục tiêu là (i) bảo vệ người dân, (ii) triệt thoái tiềm lực quân sự của Ukraina và (iii) tiêu diệt lực lượng phát xít mới.

Để bảo vệ người dân, quân Nga triển khai hoạt động sơ tán người dân ra khỏi vùng chiến sự và tổ chức hoạt động tiếp tế lương thực và thực phẩm cho họ. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, quân Nga đã sơ tán gần nửa triệu người dân ra khỏi vùng chiến sự ở Donbass và các khu vực khác theo các hành lang nhân đạo. Ngoài ra, quân Nga còn giúp 9.000 công dân nước ngoài sơ tán. Trong khi đó, các lực lượng phát xít mới ra sức ngăn cản người dân di tản ra khỏi khu vực chiến sự, thậm chí chúng còn bố trí vũ khí trang bị hạng nặng như xe tăng và dàn pháo nhiều nòng trong các khu dân cư để tránh đòn tấn công tiêu diệt của quân Nga.

Theo chỉ thị của Tổng thống V.Putin, các lực lượng của Nga tuyệt đối tránh tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự. Điều này hoàn toàn trái với thông tin giả do phía Ukraina dàn dựng rằng quân Nga “tấn công vào các bệnh viện và trường học”. Trong khi đó, theo sơ kết của Bộ Quốc phòng Nga, các lực lượng phát xít mới của Ukraine đã phá hủy 127 cây cầu để ngăn chặn bước tiến của các lực lượng Nga.

Chiến thuật sử dụng hỏa lực tầm xa có độ chính xác cao. Phía Nga vừa sử dụng lực lượng bộ binh để giải phóng một số thành phố có vị trí quan trọng khỏi sự chiếm đóng của quân đội Ukraine, vừa sử dụng hỏa lực tầm xa để triệt phá các mục tiêu thuộc hệ thống hạ tầng cơ sở của Ukraine. Vũ khí tầm xa của Nga gồm tên lửa hành trình Kalibr được phóng từ các tàu chiến trên Biển Đen. Loại tên lửa này đã từng được sử dụng có hiệu quả cao trong chiến dịch của Nga chống khủng bố ở Syria. Đặc biệt, lần đầu tiên Nga sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal để tấn công các mục tiêu kiên cố được bố trí sâu dưới lòng đất của Ukraine. Một số chỉ huy quân sự của Mỹ và NATO cho rằng, với việc sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, Nga đang “thay đổi cuộc chơi” ở Ukraine. Trên thực tế, Nga đang tiếp tục thực hiện chiến thuật đề ra ngay từ đầu là triệt phá toàn bộ hạ tầng cơ sở quân sự của Ukraine. Sau 1 tháng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã xóa sổ toàn bộ tiềm lực hải quân của Ukraine, triệt hạ gần phần lớn tiềm lực không quân và hệ thống phòng không; tiêu diệt 70% số xe vận tải quân sự, 65,7% số xe tăng và xe bọc thép, 42,8% pháo dã chiến và súng cối, 30,5% dàn tên lửa phóng loạt, 82% hệ thống tên lửa phòng không S-300 và Buk-M1, 85% tên lửa đường đạn chiến thuật.

Chiến thuật nghi binh. Mục tiêu của Nga trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt là giúp DPR và LPR giải phóng lãnh thổ khỏi sự chiếm đóng của các lực lượng phát xít mới. Trong đó, mục tiêu then chốt là giải phóng thành phố Mariupol. Thành phố này không chỉ là trung tâm công nghiệp với các nhà máy luyện kim, trung tài chính và xuất khẩu của Ukraine mà còn là điểm chốt nối liền Crimea với DPR và LPR. Đây cũng là nơi tập trung lực lượng”Azov” thiện chiến nhất, hiếu chiến nhất, đông đảo nhất và được trang bị hiện đại nhất. Một khi lực lượng “Azov” ở Mariupol bị đánh bại, các lực lượng của quân đội Ukraine ở các thành phố khác sẽ mất ý chí chiến đấu. Giành được quyền kiểm soát thành phố Mariupol, quân Nga sẽ tiến tới giành quyền kiểm soát thành phố cảng Odessa. Khi đó, Ukraine sẽ bị cách ly hoàn toàn khỏi Biển Đen và Biển Azov, cũng có nghĩa là bị mất một nguồn kinh tế và tài chính chủ yếu.

Để đánh lạc hướng tấn công chiến lược chủ yếu, Nga đã tổ chức chiến dịch nghi binh rất ngoạn mục. Theo đó, Nga đã bố trí hàng ngàn xe tăng cũ và bị thải loại xen lẫn với xe tăng mô hình trải dài trên tuyến đường tới hơn 60 km tiến về thủ đô Kiev. Giới phân tích quân sự Mỹ và NATO cho rằng Nga chuẩn bị chiến dịch tổng tấn công chiến lược theo hướng tới thủ đô Kiev. Vì thế, Bộ Quốc phòng Ukraine phải bố trí một lực lượng lớn để đánh chặn xe tăng của Nga và bảo vệ thủ đô Kiev. Thấy đoàn xe tăng của Nga “tiến rất chậm”, các nguồn tin của Mỹ bình luận quân Nga đã bị quân Ukraine đánh chặn, đang gặp rắc rối nghiêm trọng về hậu cần, khiến tinh thần của các binh sĩ tham chiến sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, Nga tập trung toàn lực bao vây lực lượng “Azov” thiện chiến nhất trong “nồi hầm Mariupol”. Đến ngày 23/3/2022, quân Nga đã giành quyền kiểm soát toàn bộ thành phố Mariupol, cắm cờ Nga trên nóc tòa thị chính của thành phố này. Chiến dịch giải phóng Mariupol được ví như “Trận Stalingrad ở Ukraine”. Nếu chiến thắng trong trận Stalingrad tạo ra bước phá trong cục diện Chiến tranh thế giới thứ hai trên mặt trận Xô-Đức, thì “Trận Stalingrad ở Ukraine” sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản trong cục diện chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Ngoài Mariupol, quân Nga đã phong tỏa một số thành phố lớn của Ukraine bao gồm Kiev, Kharkiv, Chernigov, Sumy và Nikolayev; kiểm soát hoàn toàn vùng tỉnh Kherson và phần lớn tỉnh Zaporozhye.

Chiến thuật răn đe Mỹ và NATO. Thực chất, cuộc chiến ở Ukraine là cuộc đối đầu giữa Nga với NATO do Mỹ đứng đầu. Bộ trưởng Ngoại giao Nga S.Lavrov gọi cuộc chiến ở Ukraine là “sự kiện có ý nghĩa thời đại”, còn Tổng thống Mỹ Joe Biden coi cuộc chiến Ukraine là “bước ngoặt của lịch sử thế giới. Nhận thức rõ ý nghĩa toàn cầu của cuộc chiến này, trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn và bố trí lại lực lượng, kể cả ở Syria và Viễn Đông, để sẵn sàng đương đầu với nguy cơ tiềm tàng đụng đầu với Mỹ và NATO. Theo hướng đó, ngày 27/2/2022, Tổng thống V.Putin ra lệnh đưa các lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt. Trạng thái này có nghĩa là đầu đạn hạt nhân được lắp vào phương tiện mang, các mục tiêu cần tấn công đáp trả trên lãnh thổ Mỹ và NATO được cài đặt vào chương trình điều khiển, chỉ còn chờ lệnh ấn nút. Truyền thông Ukraine, Mỹ và NATO cáo buộc V.Putin “hiếu chiến” và “sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraina”. Thật ra, để đạt được các mục tiêu diệt đề ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga chỉ cần sử dụng một phần lực lượng thông thường, thậm chí chưa cần sử dụng máy bay ném bom chiến lược, làm gì phải sử dụng tới vũ khí hạt nhân.

Quyết định của Tổng thống V.Putin báo động lực lượng hạt nhân chiến lược chỉ nhằm răn đe Mỹ trong bối cảnh Tổng thống V.Zelensky kêu gọi các nước NATO cung cấp máy bay, tên lửa phòng không cho Ukraina và thiết lập vùng cấm bay ở quốc gia này. Nếu Mỹ và NATO chấp nhận những yêu cầu đó của Tổng thống Ukraine V. Zelensky thì chắc chắn Nga sẽ phải đối đầu quân sự với Mỹ và NATO, tiềm ẩn nguy cơ leo thang tới chiến tranh hạt nhân.

Trong 20 năm cầm quyền, Tổng thống V.Putin đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống phải đương đầu với chiến tranh hạt nhân của Mỹ. Theo hướng đó, Tổng thống V.Putin đã chỉ đạo phát triển các loại vũ khí đánh chặn có khả năng vượt qua mọi lá chắn tên lửa để giáng đòn đáp trả đích đáng nhằm vào đối phương. Tổng thống Nga V.Putin từng tuyên bố: “Thế giới có thể quên sự kiện hai quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống lãnh thổ Nhật Bản là quốc gia không có vũ khí hạt nhân, nhưng nước Nga sẽ không bao giờ quên”. Nước Nga không quên là bởi nếu không có khả năng giáng trả đích đáng, Mỹ sẵn sàng giáng đòn tiến công phủ đầu để xóa sổ vĩnh viễn nước Nga trên bản đồ thế giới. Tình huống này đã từng được thể hiện trong nhiều văn kiện đã được giải mật sau Chiến tranh lạnh.

Tổng thống V.Putin từng tuyên bố: “Theo chính sách hạt nhân của Nga, Moscow sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trước. Nhưng một khi phát hiện ra và xác định chính xác quỹ đạo tên lửa của kẻ thù tiềm tàng nhằm vào các mục tiêu của Nga thì Moscow sẽ đánh trả ngay lập tức, kể cả bằng vũ khí hạt nhân. Trong tình huống đó, chiến tranh sẽ leo thang thành chiến tranh hạt nhân. Trong đó, kẻ thù của nước Nga sẽ bị hủy diệt mà không kịp trăng trối, còn người Nga sẽ lên thiên đường như những người tử vì đạo”. Sau lệnh báo động hạt nhân của Nga, Mỹ và NATO đã từ chối yêu cầu của Tổng thống V.Zelensky cung cấp máy bay, tên lửa phòng không cho Ukraina và cũng không thiết lập vùng cấm bay ở quốc gia này.

RELATED ARTICLES

Tin mới