Bối cảnh chính trị cả trong và ngoài nước đáng lo ngại vốn luôn là nỗi ám ảnh bao trùm lên chính quyền Đảng cộng sản đang lèo lái vận mệnh của đất nước Trung Quốc. Giờ đây, nỗi bất an ấy lại càng trở nên hiện hữu hơn khi thời khắc chuyển giao quyền lực chính trị sắp điểm và nhà lãnh đạo tối cao của Đảng phải tìm ra một chiến lược chuyển giao an toàn chưa từng tồn tại trước đó.
Thêm vào đó, trong bối cảnh người dân Trung Quốc không được tham gia bầu cử một cách dân chủ, việc kế thừa quyền lực càng có khả năng sẽ phải chịu thương tổn nếu xảy ra đấu đá giữa các trào lưu chính trị.
Không thể bỏ qua vai trò nổi bật của tầng lớp “quý tộc đỏ” – những người có quan hệ hôn nhân hoặc huyết thống với các nhà lãnh đạo cách mạng Trung Quốc. Chính tầng lớp này đã ủng hộ ông Tập Cận Bình – cũng là một “quý tộc đỏ” – lên nắm quyền và trở thành nhà lãnh đạo ĐCSTQ đương nhiệm.
Sự ủng hộ của họ đã được xác nhận tại các cuộc gặp mặt diễn ra trong dịp Tết nguyên đán năm 2012. Theo bài báo của tác giả John Garnaut trên The Sydney Morning Herald, trong cuộc gặp quan trọng nhất được tổ chức tại xưởng phim Bát Nhất (còn gọi là xưởng phim Quân đội Giải phóng Nhân dân) ở Bắc Kinh, những người con của các cựu chiến binh Trung Quốc đã ca ngợi thành tích của ông Tập.
Tín hiệu từ các cuộc họp tiết lộ rằng tầng lớp “quý tộc đỏ” đang rất quan ngại về vấn đề mở cửa với thế giới của chính quyền cộng sản và nguy cơ tan rã quyền lực kiểm soát đất nước ngày càng gia tăng.
Bà Hồ Mộc Anh, con gái cựu Ủy viên Ban Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Hồ Kiều Mộc, cho biết: “Năm Quý Tỵ hứa hẹn nhiều triển vọng sau khi ban lãnh đạo Đảng đã nêu rõ cho chúng tôi về nội dung và phương hướng của chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc”. Cựu lão thành Hồ Kiều Mộc nguyên là thư ký riêng đồng thời là cán bộ tuyên giáo hàng đầu của Mao Trạch Đông.
Hồ Mộc Anh tiếp tục bày tỏ: “Chúng tôi sẽ chứng minh bằng chính hành động của mình rằng chúng tôi, những đứa con của các cựu chiến binh, thực sự xứng đáng với danh hiệu ‘Hồng nhị đại’” và lặp lại lời kêu gọi của ông Tập: “Hãy cùng nhau phấn đấu hướng tới Giấc mơ Trung Hoa”.
Một bài học lịch sử mà ĐCSTQ cần lưu tâm là việc “anh cả Liên Xô” đã sụp đổ sau khi cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tiến hành mở cửa và cải cách chính trị vào năm 1980.
Quyền lực của tầng lớp “quý tộc đỏ”
Nhờ chính sách mở cửa đối với các hoạt động tư bản của phương Tây mà các hậu duệ của những nhà lãnh đạo cách mạng Trung Quốc, bao gồm cả hậu duệ của “Bát đại nguyên lão”, đã chớp được thời cơ phát tài.
“Bát đại nguyên lão” là 8 chính trị gia và quân sự gia của ĐCSTQ có ảnh hưởng chính trị rất lớn ở Trung Quốc sau khi Mao Trạch Đông qua đời, mà người đứng đầu là Đặng Tiểu Bình – nhà lãnh đạo đã mở cửa cho thị trường tư bản thế giới.
Theo điều tra của Bloomberg, có ít nhất 103 hậu duệ của 8 vị nguyên lão, bao gồm các con, cháu chắt và vợ/chồng của họ, đã trở thành những doanh nhân quyền lực nhất của ĐCSTQ, nhiều người trong số họ có học vấn và định cư ở Hoa Kỳ. Các ấn phẩm khác cũng chỉ ra rằng có ít nhất 123 hậu duệ như vậy.
Các nhà lãnh đạo “…đã giao một số tài sản quan trọng của nhà nước cho con cái của họ, giúp những người này trở nên giàu có. Đó là sự khởi đầu của một tầng lớp tinh hoa mới, được gọi là Thái tử Đảng. Hơn nữa, việc này đã thổi bùng cơn phẫn nộ của dư luận về sự bất bình đẳng trong tích lũy tài sản, sự bất công trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và sự khai thác đặc quyền – tất cả đều khác biệt hoàn toàn so với mục tiêu ban đầu của cách mạng cộng sản”, John Chan dẫn lời tờ Bloomberg.
Thông qua việc thao túng các giao dịch kinh doanh phức tạp, chung chủ quản lý và quan hệ với các công ty tư nhân hoặc quốc doanh và các tổ chức ngoại giao, các “Thái tử Đảng” đã được hưởng rất nhiều lợi lộc từ nền kinh tế Trung Quốc đang bùng nổ.
Họ đã biến công việc và các mối quan hệ nhà nước thành sự nghiệp của cá nhân, công tác, học tập và mua tài sản ở nước ngoài, đồng thời chuyển khối tài sản khổng lồ ra khỏi Trung Quốc.
Ví dụ, con trai út của Đặng Tiểu Bình là Đặng Chất Phương, đã tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Lượng tử vật lý trường đại học tư thục Rochester, ngoại ô New York. Đặng Trác Đệ, cháu nội của Đặng Tiểu Bình, từng làm việc tại công ty luật White & Case có trụ sở ở Mỹ, được bổ nhiệm làm phó chủ tịch huyện Bình Quả, thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây vào năm 2013.
Đặng Tiểu Bình được ghi nhận với những thành tựu trong chính sách Cải cách mở cửa Trung Quốc những năm 1980. Tuy nhiên, ông cũng bị chỉ trích về cuộc đàn áp đẫm máu những người biểu tình trong vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Hàng nghìn sinh viên đòi dân chủ đã bị cán chết bởi xe tăng của quân đội Trung Quốc.
Theo một cuộc điều tra năm 2014 của Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế, những thân quyến khác của Đặng Tiểu Bình và cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có tài khoản tại các thiên đường thuế ở Quần đảo Cook hay Quần đảo Virgin thuộc Anh.
Báo cáo cũng đề cập đến một số doanh nhân cấp cao – những người giàu có nhất Trung Quốc, bao gồm cả Đặng Gia Quý, anh rể của Chủ tịch Tập Cận Bình. Thông tin được đưa ra còn có Tập Minh Trạch, con gái duy nhất của Tập Cận Bình và Bành Lệ Viên, du học tại Đại học Harvard; và Hồ Hải Phong, con trai của Hồ Cẩm Đào, khi đó 41 tuổi, được bổ nhiệm làm phó Bí thư thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa các nguồn tin về các “Thái tử Đảng” nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình phản đối chế độ. Ví dụ như không thể tìm kiếm các thông tin về Đặng Trác Đệ trên mạng xã hội Weibo, còn trang web chính thức của chính quyền tỉnh Chiết Giang cũng không đưa Hồ Hải Phong vào danh sách lãnh đạo địa phương.
Màn thể hiện của Tập Cận Bình
Tập Cận Bình là con trai của cựu Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân – một trong những người thuộc thế hệ lãnh đạo đầu tiên của ĐCSTQ, tuy nhiên về sau ông Trọng Huân đã bị ngược đãi và bỏ tù trong Đại Cách mạng văn hóa. Kể từ sau sự việc của cha, Tập Cận Bình đã đến sống trong một hang động ở vùng nông thôn của làng Lương Gia Hà, nơi ông làm việc cho một bí thư đảng ủy. Sau khi học xong đại học, ông Tập đã liên tục được thăng tiến cấp bậc chính trị và trở thành lãnh đạo tối cao của Trung Quốc từ năm 2012.
Kiêm nhiệm 3 chức vụ: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân uỷ Trung ương, đồng thời đứng đầu ít nhất 6 ủy ban cấp cao giải quyết vấn đề như an ninh mạng, an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, quyền lực của Tập Cận Bình được coi là vượt qua người tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình.
Tuy nhiên, nhà phân tích Steve Tsang ở đại học Nottingham, người đã đưa ra bình luận vào năm 2014 rằng ông Tập “đã cố gắng khẳng định mình vượt trội hơn những người tiền nhiệm kể từ thời ông Đặng”, lại cho rằng, “… điều này không khiến ông Tập trở thành một người mạnh mẽ. Về cơ bản, ông Tập là người đầu tiên trong số những người cùng vai vế – mặc dù ông ấy cũng là một người quyết đoán và có quyền lực”.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng quyền lực của ông Tập đã gia tăng đáng kể kể từ khi lên nắm quyền. Năm 2018, Tập Cận Bình đã gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho chức vụ Chủ tịch nước, mở ra con đường để ông tiếp tục nắm quyền sau năm 2023, sau khi đã trải qua hai nhiệm kỳ trong suốt 10 năm.
Ông Tập đã dành rất nhiều thời gian để củng cố lại tổ chức Đảng và nền tảng thể chế, sử dụng quyền lực chính trị và hành chính để tiến hành tái cấu trúc Đảng. Tuy nhiên, theo nhà báo Garnaut, Tập Cận Bình đã thể hiện “một phần nào đó nghiêng về di sản của thời đại Mao, ở khía cạnh khủng bố tinh thần các trí thức tự do, đặc biệt là vì một số nhận xét mà ông ấy đã đưa ra vào tháng 12 [2012] đã nêu bật sự tiếp nối giữa các thập niên cách mạng của Mao và thời kỳ cải cách của Đặng”. Garnaut cũng trích lời luật sư nổi tiếng Hạ Vệ Phương: “Điều này gần giống như đảo ngược lại việc bác bỏ Cách mạng Văn hóa của Đặng Tiểu Bình. Có vẻ như ông Tập đang cố gắng để vừa xoa dịu bên này, vừa không xúc phạm bên kia”.
Nhưng dường như các thành viên của tầng lớp quý tộc đỏ theo khuynh hướng tự do không hoan nghênh cách hành xử như vậy của ông Tập, họ đã đưa ra các bình luận như: “Tôi không công khai thách thức ông ấy, bởi vì tôi phải ủng hộ ông ấy”, con trai của 1 trong 10 đại nguyên soái của Quân đội Giải phóng Nhân dân nói với Fairfax Media.
Tập Cận Bình cũng đã tìm cách đề phòng các mối đe dọa trong nội bộ, gồm cả tham nhũng. Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Tập đã tuyên bố rằng tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chính quyền độc đảng – ĐCSTQ, ông cho rằng các quan chức Trung Quốc đang phung phí khoản thuế mà người dân phải nộp và sử dụng chức quyền để trục lợi.
Theo Luigi Tomba, đại học Quốc gia Úc viết trong một báo cáo năm 2014, tham nhũng trong ĐCSTQ đã đến mức mà “Theo một báo cáo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, 18.000 quan chức đã rời khỏi đất nước trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2008. Họ đã mang theo tài sản (có được một cách hợp pháp hoặc bất hợp pháp) trị giá 126,5 tỷ USD và xu hướng này đang trên đà phát triển”.
Tomba cũng nói thêm, “Đánh giá của Giáo sư Trường Đảng Trung ương Lin Zhe được đăng trên Caixin cho thấy, từ năm 1995 đến 2005, Trung Quốc có khoảng 1,8 triệu quan chức ‘trần trụi’ [những người đã chuyển tài sản ra nước ngoài]”.
Những ứng cử viên kế vị tiềm năng
Ông Tập có thể sẽ bàn giao lại một số vị trí quan trọng mà ông nắm giữ cho một trong những Ủy viên bộ Chính trị đương nhiệm và thực hiện chuyển giao quyền kiểm soát có trật tự trong năm nay. Điều này sẽ theo tiền lệ nghỉ hưu khi kết thúc hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước và nghỉ hưu ở tuổi 68.
Một ứng viên sáng giá cho chức vụ lãnh đạo tối cao là Đinh Tiết Tường, một phụ tá chính trị quan trọng của ông Tập. Có khả năng ông Đinh sẽ được thăng chức trong Đại hội Đảng lần thứ 20 sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay. Đinh Tiết Tường đã có một sự nghiệp quan trường rộng mở và đã đồng hành cùng ông Tập từ năm 2012.
Đinh Tiết Tường hiện là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Tổng Bí thư Trung ương Đảng. Ông Đinh cũng thuộc tầng lớp “quý tộc đỏ”, ủng hộ việc ông Tập lên nắm quyền.
“Trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, đây là một trong những nhiệm kỳ mà Bộ Chính trị nắm quyền lực lớn nhất, và ông Đinh là một trong những thành viên quyền lực nhất trong đó. Tuy vậy vận may của ông hoàn toàn gắn chặt với Tập Cận Bình. Việc xác định phe phái nội bộ vẫn đang tiếp tục diễn ra cho tới kỳ Đại hội vào mùa thu, song ông Đinh vẫn sẽ được đảm bảo an toàn trước bất kỳ cuộc thanh trừng nào, miễn là ông Tập còn tại vị”, The Diplomat bình luận vào ngày 1/2.
Một ứng viên kế vị tiềm năng khác là Vương Hộ Ninh, thành viên Ủy ban Thường vụ. Cùng với Đinh Tiết Tường, Vương Hộ Ninh là một lựa chọn ưu tiên mà ông Tập sẵn sàng chuyển giao quyền lực ngay. Khi đó, ông Tập có thể tiếp tục cai trị một cách không chính thức, như một số người tiền nhiệm đã từng làm.
Việc ông Tập sẽ chỉ định người kế nhiệm không phải là bất khả thi và đã được đưa ra trước Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc năm 2014. Ông Tập từng chỉ ra: “Cách tốt nhất để đánh giá liệu hệ thống chính trị của một quốc gia có dân chủ và hiệu quả hay không là quan sát xem liệu việc kế nhiệm các nhà lãnh đạo của quốc gia đó có trật tự và phù hợp hay không”, được Viện Lowy công bố năm ngoái.
Nghiên cứu của Erica Frantz và Elizabeth Stein đưa ra một lý giải khác cho việc Tập lựa chọn chuyển giao quyền lực trong hòa bình: “…các nguyên tắc kế vị bảo vệ các nhà độc tài khỏi các âm mưu đảo chính bởi vì chúng làm giảm động cơ cướp chính quyền bằng bạo lực của giới tinh hoa. Bằng cách làm dịu tham vọng của một số phần tử tinh hoa – những người biết rõ rằng kiên nhẫn chờ đợi sẽ có lợi hơn là tiến hành âm mưu, các nguyên tắc kế vị được thể chế hóa có thể ngăn chặn sự bắt tay giữa những kẻ có mưu đồ đảo chính, từ đó làm giảm nguy cơ phải đối đầu với các cuộc đảo chính của nhà lãnh đạo”.
Tuy vậy, các nhà phân tích cũng không loại trừ một cuộc đảo chính chống lại ông Tập, mặc dù ông được sự hậu thuẫn của nhiều thành viên thuộc tầng lớp quý tộc đỏ.
Động thái bạo lực theo hướng này có thể dẫn đến “… tình trạng hỗn loạn và đàn áp cộng đồng như đã xảy ra ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, khi các cuộc biểu tình ôn hòa do sinh viên lãnh đạo bị đàn áp bởi quân đội có trang bị súng trường và xe tăng”, nhà phân tích Amitrajeet A Batabyal viết.
Trước những biến động xã hội theo chiều hướng như vậy, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã tăng cường hệ thống an ninh bằng cách trang bị hàng triệu máy quay giám sát. Mạch điện tử cũng được tích hợp những tiến bộ mới nhất của công nghệ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó là sự phối hợp giữa các cơ quan an ninh nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ đảo chính.
Hơn nữa, một kẻ âm mưu đảo chính sẽ phải đối mặt với vô số trở ngại, như việc giành được sự ủng hộ của các thành viên chủ chốt trong bộ máy quân sự – an ninh trong khi nhà lãnh đạo đương nhiệm và bộ phận an ninh của ông không hề hay biết. Do đó, dù rằng có rất nhiều kẻ thù, ông Tập cũng không quá lo ngại về một cuộc đảo chính bạo lực.
Nhận định rằng quân đội đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ chính quyền bằng bạo lực, ông Tập đã giám sát việc bổ nhiệm hàng nghìn sĩ quan Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Đặc biệt là “các sĩ quan ở các vị trí chỉ huy cấp cao. Họ được tuyển chọn dựa trên sắc tộc, giai cấp và ý thức hệ, nên không có khuynh hướng ủng hộ những người biểu tình chống chế độ”, theo quan sát của nhà khoa học chính trị Dan Mattingly, Đại học Yale.
Một kịch bản khác cho sự kế nhiệm là trường hợp ông Tập chẳng may qua đời hoặc mắc phải thương tật vĩnh viễn, mà nguyên nhân có thể do tuổi tác, tình trạng sức khỏe và thói quen sinh hoạt. Ông tập đã 67 tuổi, bị béo phì, nghiện thuốc lá và phải làm việc rất căng thẳng.
Trong vài năm nay, những tin đồn về tình trạng sức khỏe kém của ông Tập đã được lan truyền, một số dựa trên các video cho thấy ông đi lại khó khăn trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Các nhà chức trách muốn bưng bít thông tin về sức khỏe của ông Tập trong nội địa “và đã đe dọa các nhà báo nước ngoài dám viết về vấn đề này rằng sẽ hủy visa của họ”, các tác giả Richard Mcgregor và Jude Blanchette cho biết.
Trong trường hợp ông Tập qua đời, pháp luật Trung Quốc quy định rằng Tổng bí thư chỉ có thể được bầu trong một phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương. Ngoài ra, họ phải là thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị đã được bổ nhiệm trước đó.
Sự bí ẩn khó đoán trước về người kế nhiệm ông Tập sẽ dẫn đến sự bất định của những tác động có thể xảy ra đối với nhiều quốc gia khác, đặc biệt khi mà họ đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng và sự nổi bật của nước này với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Batabyal dự đoán, tình trạng này “…đang gây ra sự bất định về các vấn đề bao gồm nguy cơ gián đoạn thương mại, thay đổi chính sách đối ngoại do bất ổn trong nước và khả năng xảy ra một cuộc đảo chính quân sự”.
Cho đến nay, sự bất định vẫn tồn tại, và nguyện vọng của Đặng Tiểu Bình vào năm 1980 rằng, “Chúng ta phải tính đến lợi ích lâu dài và giải quyết vấn đề kế thừa vai trò lãnh đạo” dường như đã không thực hiện được.
Trong lịch sử hàng ngàn năm, Trung Quốc đã phát triển huy hoàng dưới sự trị vì của các đấng quân vương biết thuận theo ý Trời. Nhưng giờ đây, dưới chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc – một chế độ vô thần không chỉ phỉ báng Thần Phật mà còn bức hại những người lương thiện có tín ngưỡng, không biết liệu đất nước này sẽ đi đâu về đâu.
T.P