Trung Quốc đã hoàn thành việc quân sự hóa toàn bộ 3 bãi đá ngầm ở Biển Đông. Hành động ráo riết này của Trung Quốc không chỉ đe dọa các nước duyên hải Biển Đông, mà còn khiến Nhật Bản, Mỹ cùng các quốc gia phương Tây lo lắng.
Ba bãi đá ngầm nêu trên gồm Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mỹ, cho biết cụ thể thêm rằng Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng các kho vũ khí tên lửa, nhà chứa máy bay và hệ thống radar. Điều đó, sẽ tạo ra sự thay đổi cơ bản tương quan, mở rộng khả năng tác chiến ngoài lục địa của quân đội Trung Quốc nếu xảy ra các cuộc đụng độ quân sự trên Biển Đông.
Thực ra, cộng đồng quốc tế từ lâu đã lo lắng về điều này. Cho dù Trung Quốc chối cãi hoặc viện cớ chỉ xây dựng các công trình dân sinh, công trình phục vụ nghiên cứu, khảo sát biển, thì quy mô đồ sộ, mỗi ngày một khác tại các đảo, đá đó, nhất là đường băng, máy bay, hầm tên lửa… sao giấu được cái nhìn soi moi của các thiết bị do thám tối tân của Mỹ. Từ cuối tháng 5/2019, trong một buổi nói chuyện trước Viện Brooking ở Washington, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng tướng Joseph Dunford, đã nhấn mạnh: “Chúng tôi thấy những đường băng dài tới 10.000 feet (3.050m), các cơ sở chứa vũ khí, việc triển khai năng lực phòng thủ tên lửa thường xuyên, năng lực trên không và nhiều thứ khác”.
Và ông tướng Mỹ này đã chỉ trích nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình như một người “bội hứa”. Hàm ý của Washington là nhắc lại việc ông Tập từng thề thốt: Bắc Kinh sẽ không biến các đảo nhân tạo trên Biển Đông thành căn cứ quân sự.
Tới nay, điều cảnh báo, lo lắng đã thành sự thật nhờ tiến độ nhanh đến không tưởng của Trung Quốc. Rất có thể, đây cũng là nguyên nhân khiến Mỹ, trung tuần tháng 3 vừa qua, đã điều “căn cứ di động viễn chinh”, tức tàu USS Miguel Keith với lượng giãn nước tới hơn 90 nghìn tấn, vào biển Đông như một động thái thách thức lại Trung Quốc.
Mỹ quan tâm và cay cú đã đành. Các quốc gia duyên hải, có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông phản ứng và lo ngại đã đành. Xa hơn, là Nhật Bản, cũng như bấn lên trước thông tin này qua tần xuất đề cập của hệ thống truyền thông.
Thực ra, sự quan tâm, thậm chí, hơn cả quan tâm, là lo lắng, của Nhật Bản, là điều có thế hiểu. Một cứ điểm quân sự của Trung Quốc đồng bộ với đường băng cho máy bay quân sự hiện đại, các khó khí tài, hầm chứa tên lửa, thiết bị trinh sát…không chỉ có ý nghĩa giúp Trung Quốc khắc phục hạn chế về điều kiện tại chỗ trên Biển Đông – điều vốn lâu nay vẫn là lợi thế thuộc của các bên liên quan như Việt Nam, Đài Loan, Philippines, mà cả ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc hằm hè, tranh giành quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản.
Lâu nay, các chuyên gia quân sự vẫn nhếch mép khi nói đến tàu sân bay Trung Quốc. Đó là sự thật. Cho dù là sau chiếc Liêu Ninh ví như đồ “đồng nát”, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay Sơn Đông. Cho dù tiếp sau tàu Sơn Đông, Trung Quốc đang ráo riết để đưa tàu sân bay thứ ba, chiếc Type 003 mà Trung Quốc cho là tối tân không kém nhiều hàng không mẫu hạm Mỹ, vào hoạt động trong năm nay. Tuy nhiên, trong thực tế, so với Mỹ, hàng không mẫu hạm – con bài chiến lược trên biển nếu chiến tranh xảy ra – Trung Quốc vẫn chỉ là…muỗi. Nhưng thời điểm này, với ba bãi đá được quân sự hóa đồng bộ như trên, chưa cần tàu sân bay, có lẽ cũng ít người dám coi thường lợi thế tác chiến trên biển của Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Nhật Bản không lo sao được?
T.V