“Đã đến TPHCM thì phải đi Bùi Viện, bạn bè đã bảo tôi thế trước khi đặt vé tới Việt Nam. Và nó quả là một con đường tuyệt vời” – Laura (29 tuổi, người Pháp) nói với chúng tôi.
Cách đây 2 hôm, cô cùng bạn thân của mình đã quyết định bay từ Singapore sang Việt Nam để du lịch. Theo hướng dẫn, cô chọn Bùi Viện là nơi vui chơi dịp cuối tuần.
Hơn 23h, Laura vẫn chưa có ý định rời khỏi bàn tiệc. Tiếng nhạc xập xình, ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy liên hồi khiến cô nhún nhảy. “Tôi không nghĩ mọi thứ nhộn nhịp thế. Chúng tôi đã đến đây trong chuyến bay quốc tế sớm, tất cả gần như dễ dàng, an toàn và không hề còn sự tồn tại của Covid-19” – cô gái trẻ tươi cười.
Cứ thế, suốt khuya ngày 26/3, hàng chục nghìn người đã đổ về “phố Tây” Bùi Viện (quận 1, TPHCM) vui chơi. Con đường kẹt cứng nhiều giờ đồng hồ không khiến họ ngại ngùng mà cởi khẩu trang, xích lại gần trong bữa tiệc âm nhạc không hồi kết.
“Đây mãi là trải nghiệm tuyệt vời” – Laura nhấn mạnh thêm lần nữa.
Từ Hà Nội vào Sài Gòn để cảm nhận không khí “1-0-2” ở Bùi Viện
Khái niệm Night-time economy (Kinh tế đêm) xuất hiện vào những năm 1980, trong chiến lược phục hồi của các thành phố công nghiệp Châu Âu trên bờ vực khủng hoảng danh tính.
Ban đầu, loại hình kinh tế này dùng để chỉ lối sống buông thả của những tay bợm nhậu. Thế nhưng, thực tế ngày này, Night-time economy còn thể hiện cho tất cả hoạt động kinh tế diễn ra từ 18h đến 6h sáng hôm sau, bao gồm ẩm thực, giải trí, nghệ thuật, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng…
Tại TPHCM, việc xây dựng phố đi bộ Bùi Viện năm 2017 là một hình thức phục vụ cho nền kinh tế này. Và chỉ trong vòng thời gian ngắn, nó nhanh chóng thành điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Đầu năm 2020, Bùi Viện buộc phải đóng cửa nhằm phòng chống Covid-19. Đến tháng 1/2022, sau 2 năm đẩy lùi dịch bệnh, hàng nghìn người dân mới quay trở cuộc sống về đêm nhộn nhịp này.
19h, trong tiếng nhạc vang dội, giới trẻ liên tục đổ về tuyến đường. Tất cả gần như không còn ngại ngùng mà cất khẩu trang. Một vài khách du lịch còn e dè thì đứng trên đường, quay lại thướt phim tuyệt đẹp của đời sống về đêm Sài Gòn. Cứ thế, cuộc vui kéo dài liên tục suốt hơn 7 tiếng đồng hồ.
Lê Vũ (27 tuổi, chuyên viên công nghệ thông tin) cùng nhóm bạn quyết định bay từ Hà Nội vào Sài Gòn chỉ sau một buổi chiều suy nghĩ. “Mình đã đến Bùi Viện 2 năm về trước, nó là cảm giác không thể quên. Hà Nội có Tạ Hiện nhưng vẫn đang trong giai đoạn dịch phức tạp và theo mình để cảm nhận sâu sắc nhất nightlife, sự đông đúc, nhộn nhịp của giới trẻ Việt Nam thì chỉ có đến Bùi Viện.”
Tối cuối tuần, nhóm của Vũ quyết định ngồi ở một quán Bar lớn nhất khu phố Tây. Họ gọi vài cốc bia, dĩa gà nướng và không ngừng nhún nhảy, cười nói trong tiếng nhạc.
“Tụi mình đã muốn quay lại đây rất nhiều lần để tìm không khí náo nhiệt Sài Gòn. Bây giờ, dù còn dịch nhưng mình cảm thấy rất an toàn vì đã tiêm 4 mũi vaccine, đảm bảo quy tắc 5K. Bùi Viện náo nhiệt và mới mẻ hơn hẳn so với những gì mình nhớ 2 năm trước, có thể do tâm lý mọi người đều muốn quay lại sau thời gian Covid-19 kéo dài” – Vũ nói.
Ở quán nhậu khác, vợ chồng chị Hoàng Thị Hòa (35 tuổi, ngụ Tân Bình) vừa cười đùa, vừa dùng điện thoại quay lại clip không khí xung quanh. Chị Hòa chia sẻ, thời gian trước, mỗi tháng vợ chồng chị đều lui tới Bùi Viện 2-3 lần để tụ họp bạn bè dịp cuối tuần.
“Đại dịch khiến chúng tôi luôn nhớ cảm giác này. Bùi Viện hơn bar là tất cả cùng ngồi ngoài đường, ngắm phố phường và tận hướng khí trời” – chị Hòa giải thích cho việc lựa chọn điểm vui chơi này.
Người lao động nghèo quay trở lại Sài Gòn khi nghe tin phố Tây mở cửa
Ông Ngọc (68 tuổi, quê Phú Yên) từ từ len qua từng dãy bàn nhậu, chìa cọc vé số kèm vài cái gật đầu gọi mời. Tiếng nhạc ồn ào lúc 23h không khiến ông lão lo lắng mà còn càng thêm phấn khởi. “Đông khách, dễ dàng bán để tui có thể trở về nhà sớm hơn” – ông lão giải thích.
Hơn 10 năm nay, đồng hồ điểm 19h, ông Ngọc lại bắt đầu lên đường mưu sinh. Căn nhà ông thuê ở gần chợ Vườn Chuối (quận 3), sinh sống cùng 4 ông bà lão bán vé số khác. Họ thường tập trung tại các quán nhậu ở trung tâm TPHCM. Riêng ông Ngọc, 2 năm trước, nhờ một lần tình cờ đi qua phố Tây và buôn bán đắt khách nên đã chọn đây làm địa bàn chủ chốt.
“Đi đâu đi, tui cũng phải ghé qua đây. Dân có tiền vui chơi nên họ rất thương những người nghèo như tụi tui”.
Cuộc sống về đêm ở Bùi Viện sẽ thật thiếu sót khi thiếu bóng những lao động nghèo như ông Ngọc. Mỗi tối, bên cạnh dòng khách du lịch, hàng trăm ông bà lão bán vé số, trẻ em múa lửa, cô chị gái bán bắp xào, mực chiên… vẫn đổ về tuyến đường cho những cuộc mưu sinh. Bùi Viện sầm uất dài hơn 1km, cùng sự hào phóng và tình thương của du khách đã trở thành “cần câu” cơm cho chính họ.
Tháng 5/2021, TPHCM thực hiện Chỉ thị 16, ông Ngọc buộc trở về quê. Gần 8 tháng ở nhà, 2 vợ chồng ông chỉ trông cậy vào mảnh vườn trông ít rau. Ông xem đó là kỳ “thất nghiệp” dài hạn nhất cuộc đời.
Đến tháng 1/2022, nghe thông tin phố Tây Bùi Viện mở cửa, ông Ngọc vui mừng khôn siết. Qua Tết Nguyên đán, ông tiếp tục quay lại Sài Gòn. “Cả 2 vợ chồng già ở quê làm gì sống. Sài Gòn, cực xíu, thức đêm xíu, nhưng được cái bán đắt, mỗi ngày trên 200 tờ vé số” – ông nói.
“Chị lời 200.000 đồng cho một đêm đi bộ 6 tiếng. Nếu có khách boa thêm thì tốt, nhưng chỉ cần họ đồng ý ăn là mừng lắm rồi! 4 năm bán buôn tại Bùi Viện, chi phí sinh hoạt của gia đình phụ thuộc hoàn toàn với những quán nhậu nơi đây” – chị Hoa (41 tuổi) kể về sự trở lại của con phố trong mơ.
Tháng 5, Bùi Viện đóng cửa đồng nghĩa với xe mực chiên của chị hoàn toàn đứt gánh. Để có tiền nuôi con học cấp 3, chị Hoa đã đi xin việc công nhân nhưng đều bị từ chối.
“Nghe tin Bùi Viện mở, chị trở lại ngay. 2 tuần rồi, khách Tây chưa nhiều, nhưng mà người Việt đổ về đông lắm, cuối tuần đông nghẹt đường. Chịu khó thức muộn, tích cực mời khách thì thu nhập vẫn như xưa” – chị Hoa mỉm cười.
“Hơn cả buôn bán, nó là sự chứng minh Covid-19 đã bị đẩy lùi”
Ông Sang (chủ quán nhậu Đà Lạt) hối hả dọn đồ ăn khi khách liên tục réo tên. Đã rất lâu, gần 2 năm, ông mới được phép bận rộn đến như vậy.
Nhưng ông vui!
Năm 2017, trước kế hoạch quy hoạch Bùi Viện trở thành phố đi bộ, nhiều thành viên trong gia đình ông Sang đã nghỉ việc công nhân để buôn bán quán nhậu. Năm 2020, Bùi Viện đóng cửa gần 2 tháng do Covid-19, gia đình ông vẫn cố gắng gượng.
Sau 30/4/2021, TPHCM tiếp tục ra chỉ thị giãn cách xã hội, ông Sang chỉ biết an ủi gia đình. Thế nhưng, sang tháng 12, thành phố vẫn chưa có ý định mở cửa con phố khiến ông thấp thỏm lo âu.
“Gia đình tôi 2 thế hệ đều sống dựa vào cái quán này. Cả thời gian dài dịch bệnh, chi phí sinh hoạt phải rút dần tiền tiết kiệm nhưng đến nay đã cạn kiệt” – ông kể.
Tháng 8/2021, nhiều chủ quán bar, quán nhậu tại Bùi Viện chuyển đổi mô hình sang buôn bán thực phẩm để duy trì. Thế nhưng, lo sợ gia đình có nhiều thành viên lớn tuổi, ông Sang vẫn đóng cửa.
2 năm ấy, ông chứng kiến không biết bao nhiêu cửa hàng dời đi và chuyển nhượng mặt bằng. “Gia đình tôi kinh doanh trên nhà gia đình nên không tốn chi phí. Nhưng thử hỏi tại đây 80% chủ quán thuê, làm sao họ chịu nổi?”
Đầu năm 2022, tin tức phố Tây mở cửa trở lại lan truyền trên mạng xã hội, ai nấy đều phấn khởi. Từ những căn nhà đóng cửa, nhân viên đổ ra đường, lau chùi bàn ghế, tháo dỡ tấm biển cho thuê nhà,… khiến ông Sang không khỏi vui mừng.
“Ban đầu vắng lắm, nhưng bây giờ lượng khách đã đông đúc hơn nhiều, mặc dù chúng tôi vẫn phải chịu lỗ do khoảng thời gian dịch bệnh kéo dài. Hơn cả việc buôn bán, sự nhộn nhịp này là sự khẳng định Covid-19 đã được đẩy lùi” – ông chủ quán nói.
0h, phía bên kia đường, tiếng nhạc remix vẫn liên tục gọi mời du khách. Người người dừng lại chụp ảnh, thích thú cầm những que sáng, nhún nhảy theo nhạc. Con đường Bùi Viện đêm nay gần như không muốn ngủ…
T.P