Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnXung đột Nga – Ukraine và vấn đề toàn vẹn lãnh thổ...

Xung đột Nga – Ukraine và vấn đề toàn vẹn lãnh thổ trong luật quốc tế

Trước khi phát động các hoạt động quân sự chống lại Ukraine, chính phủ của ông Putin đã ra quyết định công nhận độc lập của hai vùng lãnh thổ và cũng là hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk vốn thuộc Ukraine. Từ đó, trong phát biểu khởi đầu cuộc chiến, ông Putin đã nêu một số lý do, trong đó có vấn đề ‘gìn giữ hòa bình và an ninh’, ý là đối với hai vùng lãnh thổ này, trước các hoạt động quân sự của chính phủ Ukraine.

Các động thái này tương tự như năm 2008 khi Nga tấn công Georgia (Gruzia), cũng được bắt đầu với việc công nhận độc lập đối với hai vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossetia và Abkhazia thuộc Georgia. Vậy, hành vi công nhận các vùng lãnh thổ ly khai thuộc quốc gia khác có hợp pháp không theo luật pháp quốc tế, và vấn đề đó tạo nên những hệ quả pháp lý gì? Vấn đề giải quyết các vùng lãnh thổ ly khai thuộc thẩm quyền của quốc gia hay cộng đồng quốc tế? Vai trò của các thể chế quốc tế như thế nào trong vấn đề này? Bài viết này sẽ tập trung làm rõ các vấn đề liên quan để trả lời các câu hỏi này, trên cơ sở nguyên tắc ‘độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ’ của các quốc gia và dựa vào thực tiễn quốc tế.

CÁC VÙNG LÃNH THỔ LY KHAI: MỘT VẤN ĐỀ TỒN TẠI CỦA QUAN HỆ QUỐC TẾ

Trên phạm vi thế giới, tình trạng các vùng lãnh thổ và các nhóm dân cư ly khai từ lâu đã là một vấn đề phức tạp không chỉ đối với bản thân các quốc gia mà còn đối với cộng đồng quốc tế nói chung. Đây thường là vấn đề gây ra những mầm mống cho những bất đồng giữa các bộ phận lãnh thổ với chính quyền trong một quốc gia, đồng thời cũng là cái cớ và kẻ hở để các quốc gia khác và thế lực bên ngoài can thiệp vào. Các vùng lãnh thổ ly khai này thường gắn liền với phong trào ly đòi độc lập tồn tại ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Thông thường, việc ly khai để thành lập các nhà nước độc lập xuất phát từ các lý do về sắc tộc, tôn giáo, kinh tế hoặc chính trị, và cũng có thể vì mục đích tái lập các nhà nước/quốc gia đã từng tồn tại trong quá khứ.

Có thể kể ra một số phong trào/vùng ly khai điển hình trên thế giới như: vùng lãnh thổ Chechnya (Nga), vùng Kosovo (Serbia), đảo Corse (Pháp), vũng lãnh thổ của dân tộc Tamil gắn liền với lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (Sri Lanka), vùng Cataluynia hay Catalan (Tây Ban Nha), vùng Tây Tạng và Tân Cương (Trung Quốc), quần đảo Cook (New Zealand), vùng lãnh thổ Quebec (Canada), … và tất nhiên là 2 vùng lãnh thổ gần đây được nhắc đến nhiều trong cuộc xung đột Nga – Ukraine là Donetsk và Luhansk thuộc Ukraine.

Trong quan hệ quốc tế, quan điểm của các quốc gia về vấn đề ly khai thường không nhất quán mà tùy thuộc vào từng vùng ly khai cụ thể và đặt trong những mối quan hệ cụ thể. Thực tế, có những quốc gia cực lực và quyết liệt phản đối các phong trào ly khai trong lãnh thổ quốc gia mình, nhưng lại đi tiếp tay, ủng hộ, thậm chí xúi giục các phong trào ly khai ở những quốc gia khác. Chẳng hạn, Anh Quốc trước đây hoàn toàn phản đối việc ly khai của các vùng lãnh thổ xứ Wales, Scotland và vùng đảo Bermuda, nhưng quốc gia này ủng hộ mạnh mẽ phong trào ly khai Chechnya ở Nga. Tương tự, chính quyền nhiều đời tổng thống ở Nga đã sử dụng nhiều biện pháp, kể cả các hoạt động quân sự, để ngăn cản và chống lại phong trào ly khai Chechnya ở quốc gia mình, trong khi lại can thiệp mạnh mẽ và ủng hộ các vùng ly khai ở những quốc gia khác như Georgia và Ukraine. Trung Quốc, một quốc gia có nhiều vùng lãnh thổ theo phong trào ly khai, cũng là một ví dụ điển hình cho hiện tượng này. Một mặt, chính phủ Trung Quốc rất kiên quyết và mạnh tay với các hành động ly khai trên lãnh thổ mình. Thậm chí họ còn thông qua Luật Chống ly khai vào năm 2005 cho phép chính quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết, kể cả sức mạnh vũ trang, để ngăn chặn các phong trào ly khai trên lãnh thổ Trung Quốc. Mặt khác, quốc gia này lại ủng hộ những phong trào ly khai ở những quốc gia mà họ thấy có lợi ích, chẳng hạn việc ly khai của bán đảo Crimea năm 2014.

Việt Nam cũng là một quốc gia bị ảnh hưởng bởi vấn đề ly khai đòi độc lập, mặc dù tình hình ở Việt Nam chưa đến mức nghiêm trọng như ở nhiều nước khác trên thế giới. Giống như nhiều quốc gia khác có phong trào ly khai, Việt Nam có lập trường và quan điểm nhất quán là kiên quyết phản đối các hành động ly khai ở quốc gia mình, dựa trên cơ sở Việt Nam là một quốc gia thống nhất của 54 thành phần dân tộc anh em. Đây là một điều dễ hiểu bởi vì chính phủ của các nước không bao giờ ủng hộ và chấp nhận các hoạt động ly khai trong phạm vi quốc gia mình. Tuy vậy, trong quan hệ quốc tế, quan điểm của Việt Nam có ủng hộ các phong trào ly khai hay không thường không được thể hiện rõ ràng. Chẳng hạn, trước các sự việc Nga công nhận các vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossetia và Abkhazia thuộc Georgia năm 2008 hay đối với hai vùng Donetsk và Luhansk thuộc Ukraine năm 2022, Việt Nam hầu như không thể hiện quan điểm. Tương tự, với các sự việc ly khai của Kosovo (Serbia), vùng Cataluynia (Tây Ban Nha), hay Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam cũng không thể hiện quan điểm là ủng hộ hay phản đối.

Nhìn chung, cộng đồng quốc tế thường xem ly khai là một vấn đề phức tạp và không nên được khuyến khích bởi nó đem lại những sự xáo trộn và bất ổn cho một quốc gia, và cũng có thể ảnh hưởng đến tình hình hòa bình và an ninh quốc tế. Thử hình dung, nếu trên thế giới các phong trào ly khai được ủng hộ và trở nên phổ biến thì các quốc gia sẽ bị xé nhỏ ra và trở nên manh mún biết nhường nào. Mặt khác, cộng đồng quốc tế thường xem vấn đề ly khai là công việc nội bộ của các quốc gia và để cho họ tự giải quyết thông qua các dàn xếp có thể mang lại lợi ích cho quốc gia và nhóm dân cư ở khu vực có phong trào ly khai đó và thường thông qua con đường trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chính phủ của nhiều quốc gia cũng đã nghiêm cấm và thẳng tay đàn áp bằng sức mạnh vũ trang các phong trào ly khai mà họ xem là các lực lượng hoặc phe nhóm phản loạn. Chẳng hạn, chính phủ Philippines không thừa nhận lực lượng ly khai Abu Sayyaf và thường xuyên tiến hành các chiến dịch quân sự để tiêu diệt. Tương tự, lực lượng du kích ly khai Hồi giáo ở miền Nam Thái Lan cũng bị liệt kê vào danh sách các nhóm bạo loạn và thường xuyên bị quân đội Thái Lan truy bắt và tấn công. Trước đây, Nga cũng phản đối gay gắt và truy kích ráo riết phong trào ly khi ở vùng Chechnya vì cho rằng đây là những phần tử phản loạn, chống chính quyền, và không có lợi cho đất nước. Trung Quốc cũng là một trường hợp đặc trưng cho xu hướng này với những quy định và chiến dịch khắt khe chống lại các hoạt động ly khai trong lãnh thổ mình.

VẤN ĐỀ TOÀN VẸN LÃNH THỔ TRONG LUẬT QUỐC TẾ

Luật quốc tế xây dựng nhiều nguyên tắc cơ bản tạo nên những chuẩn mực cho các quốc gia trong việc thiết lập và duy trì các quan hệ quốc tế, trong đó tôn trọng ‘độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ’ của các quốc gia là một nguyên tắc mang tính nền tảng. Hiến chương Liên hợp quốc 1945 và Tuyên bố 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về những nguyên tắc của Luật Quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương là những văn bản pháp lý quan trọng ghi nhận nguyên tắc này. Theo đó, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia là một vấn đề quan trọng hàng đầu và bất khả xâm phạm. Luật quốc tế ngăn cấm việc các quốc gia sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của một quốc gia khác. Xuyên suốt chiều dài của lịch sử, vấn đề độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đã trở thành kim chỉ nam cho các quốc gia trong việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ hợp tác và thường được ghi nhận trong các điều ước quốc tế song phương hay đa phương.

Xuất phát từ cơ sở luật pháp quốc tế, các hành vi của quốc gia khác công nhận độc lập hay công nhận các nhà nước tự xưng ở các vùng ly khai không tạo nên những cơ sở pháp lý cho việc hình thành các nhà nước đó. Hay nói cách khác, việc một hay một số quốc gia khác công nhận các vùng ly khai là nhà nước hay thậm chí là quốc gia không làm cho vùng ly khai đó trở thành một nhà nước hay quốc gia một cách hợp pháp. Chẳng hạn, việc Nga công nhận hai vùng Donetsk và Luhansk (là hai nước cộng hòa tự xưng thuộc Ukraine) không làm phát sinh cơ sở pháp lý để tạo ra những nhà nước hợp pháp. Không những thế, việc công nhận này đã gián tiếp làm suy yếu toàn diện độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là Ukriane, tức là vi phạm pháp luật quốc tế. Điều này cũng giống như việc Nga công nhận độc lập của của Abkhazia và Nam Ossetia vào năm 2008 là hai khu vực ly khai thuộc Georgia.

Vậy, việc công nhận này có ý nghĩa gì trong quan hệ quốc tế? Trong luật pháp và thực tiễn quốc tế, vấn đề công nhận đối với chính phủ mới hoặc đối với quốc gia mới thành lập được thừa nhận để giúp cho các chủ thể của luật quốc tế xác nhận tư cách chủ thể lẫn nhau, từ đó tiến tới thiết lập quan hệ hợp tác nhiều mặt với nhau. Chẳng hạn, năm 1976, nhà nước CHXHCN Việt Nam ra đời, các quốc gia trên thế giới công nhận để từ đó chính thức thiết lập quan hệ hợp tác. Năm 2002, Đông Timor tách ra độc lập, và điều này đặt ra vấn đề công nhận quốc gia mới thành lập làm cơ sở cho việt thiết lập quan hệ ngoại giao và hợp tác. Tương tự, Singapore tách khỏi liên bang Malaysia vào năm 1965 để thành lập một quốc gia độc lập, Cộng hòa Czech và Slovakia tách ra khỏi Tiệp Khắc năm 1993 để trở thành các quốc gia độc lập, Kosovo tách khỏi Serbia năm 2008, … và nhiều trường hợp khác đều đặt ra vấn đề công nhận quốc tế. Tất cả các trường hợp này đều có một đặc điểm chung là việc chia tách và hình thành quốc gia/chính phủ mới đã được giải quyết trước khi xuất hiện các hành vi công nhận. Điều này khác với các trường hợp Nga công nhận các vùng lãnh thổ ly khai của Georgia năm 2008 và của Ukraine năm 2022, tức là công nhận độc lập khi vấn đề ly khai chưa được giải quyết.

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CÁC VÙNG LÃNH THỔ LY KHAI

Như đề cập ở phần đầu, phong trào ly khai đòi độc lập là một vấn đề phức tạp trong thực tiễn quan hệ quốc tế. Trong đa số các trường hợp, vấn đề ly khai thường tạo ra những bất đồng, mâu thuẫn và có thể dẫn đến những xung đột và chiến tranh, cản trở sự ổn định và phát triển của quốc gia cũng như đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Tất nhiên, không phải tất cả các phong trào ly khai đều tiêu cực, xấu và vô lý. Thông thường, các phong trào ly khai trên thế giới đều có điểm chung là dựa vào quyền ‘dân tộc tự quyết’ vốn được pháp luật và thực tiễn quốc tế thừa nhận. Theo đó, bản thân một cộng đồng dân tộc trong một quốc gia có quyền thể hiện ý chí của mình về việc tách ra độc lập trong những trường hợp nhất định. Chẳng hạn, trong một số trường hợp cộng đồng dân tộc đó bị chính phủ phân biệt đối xử hoặc diệt chủng thì họ có lý do chính đáng để ly khai.

Trong một số trường hợp khác, các yếu tố về sắc tộc, tôn giáo hay lịch sử cũng có thể là một nguyên nhân của vấn đề ly khai. Chẳng hạn, cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) ở Trung Quốc vốn là một cộng đồng độc lập được tổ chức như là một nhà nước riêng, không phụ thuộc vào các chính quyền phong kiến Trung Quốc. Sau này, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã dần thôn tính và biến họ thành một bộ phận của Trung Quốc và phong trào ly khai xuất phát từ cơ sở này. Năm 2010, khi đưa ra ý kiến tư vấn về trường hợp ly khai độc lập của lãnh thổ Kosovo, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) khẳng định rằng pháp luật quốc tế không cấm việc đưa đưa ra tuyên bố độc lập đơn phương, tức là chính quyền tự trị lâm thời Kosovo đưa ra tuyên bố độc lập đơn phương tách ra khỏi Serbia không vi phạm luật quốc tế. Tuy vậy, để xác định phong trào ly khai nào là hợp pháp và có căn cứ là một điều phức tạp, và điều này không được pháp luật quốc tế quy định cụ thể. Trong phần lớn trường hợp, chúng ta cần dựa vào các điều kiện lịch sử và hệ thống pháp luật của từng quốc gia để xem xét vấn đề này. Trên thực tế, vấn đề phong trào ly khai và các vùng lãnh thổ đòi độc lập thường là nơi mà các quốc gia can thiệp vào và thể hiện các quan điểm ủng hộ – phản đối khác nhau, đồng thời toan tính các mục đích chính trị và lợi ích cho mình. Mặt khác, trên thế giới, có nhiều cộng đồng thiểu số ở các quốc gia không hiểu đúng hoặc lợi dụng ‘quyền dân tộc tự quyết’ để thành lập các nhóm ly khai nhằm đấu tranh đòi độc lập, nhưng chủ yếu là để nhận các nguồn tài trợ từ nước ngoài và hưởng lợi. Đây là một xu hướng tiêu cực cần phải bị phản đối và loại trừ.

Nếu giải quyết vấn đề ly khai theo hướng hòa bình, các bên liên quan sẽ tổ chức đối thoại với nhau để tìm giải pháp, giống như tiến trình thương lượng giải quyết một vụ tranh chấp. Tất nhiên, điều này chỉ xảy ra khi cộng đồng dân cư ly khai có sự tổ chức tốt và có được đồng thuận rộng rãi trong nội bộ. Quan trọng hơn, vấn đề ly khai độc lập phải được thừa nhận trong hệ thống pháp luật của quốc gia đó, mà thường là Hiến pháp, tức là có cơ sở pháp lý cho phong trào ly khai. Từ đó, họ có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để người dân tự do thể hiện ý chí muốn độc lập hay không. Chẳng hạn, trường hợp Nam Sudan là vùng lãnh thổ được tách ra khỏi Sudan để thành lập một quốc gia độc lập sau một cuộc trưng cầu dân ý do các bên liên quan thống nhất tổ chức. Các trường hợp tương tự khác như vùng lãnh thổ ly khai Cataluynia thuộc Tây Ban Nha, tỉnh bang Quebec thuộc Canada, … về bản chất là một vấn đề thuộc ‘công việc nội bộ’ của các quốc gia và phải được giải quyết theo hệ thống pháp luật của các quốc gia đó.

Trong một số trường hợp, nếu các bên liên quan không tự thỏa thuận để giải quyết vấn đề ly khai, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn và các xung đột có thể nảy sinh, làm mầm mống cho các cuộc nội chiến. Đây là vấn đề tồn tại ở liên bang Nam Tư và Georgia trước đây và ở vùng Donbass của Ukraine hiện nay. Do các bên liên quan không tự giải quyết được theo kiểu ‘công việc nội bộ’, dẫn đến xung đột và nội chiến và điều này buộc các quốc gia và Liên hợp quốc phải can thiệp nhằm gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới. Cần lưu ý rằng, khi một vụ việc leo thang và có khả năng ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh quốc tế thì nó không còn được coi là ‘công việc nội bộ’ của các quốc gia nữa. Trong trường hợp Ukraine, chính phủ và lực lượng ly khai vùng Donbass đã không thỏa thuận được với nhau, dẫn đến nội chiến buộc cộng đồng quốc tế phải can thiệp, từ đó hình thành Thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2014-2015 vốn được thúc đẩy và ký kết giữa Ukraine, Nga, Đức và Pháp như là một dàn xếp tạm thời nhằm giúp các bên liên quan có thời gian để tiếp tục tìm kiếm giải pháp cuối cùng. Tuy vậy, dường như việc Nga công nhận độc lập của hai nhà nước tự xưng Donetsk và Luhansk thuộc Ukraine đã phá vỡ những nỗ lực giải quyết của các bên liên quan.

KẾT LUẬN

Cách thức mà Nga sử dụng để dàn xếp cho một cuộc tấn công chống lại Ukraine là một tiền lệ hết sức nguy hiểm đối với ‘độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ’ của một quốc gia. Đây cũng là cách mà Nga ‘lấy’ vùng lãnh thổ Crimea của Ukraine một cách ‘hợp pháp’ vào năm 2014. Nếu các cường quốc khác theo chân Nga để áp dụng ‘công thức’ này cho các vùng ly khai khác ở các quốc gia thì đó là một triển vọng rất nguy hiểm cho thế giới. Có thể tóm tắt cách thức này như sau:

Bước 1: Xúi giục, hỗ trợ các nhóm dân cư ly khai à Các nhóm ly khai hình thành nên cơ cấu tổ chức nội bộ, mua sắm/nhận hỗ trợ tiền bạc, vũ khí, khí tài, xây dựng lực lượng.

Bước 2: Nhóm ly khai đòi độc lập/ tuyên bố thành lập nhà nước, thành lập chính quyền à Chính phủ quốc gia đàm phán/xung đột với nhóm ly khai/nội chiến xảy ra.

Bước 3: Nga tuyên bố công nhận độc lập của các nhà nước tự xưng, triển khai các hoạt động quân sự để ‘bảo vệ hòa bình’ ở những vùng ly khai, đẩy lùi quân chính phủ ra khỏi các vùng lãnh thổ ly khai.

Bước 4: Tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập các vùng lãnh thổ ly khai vào Nga.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới