Việc Australia từ bỏ thỏa thuận tàu ngầm trị giá hơn 60 tỷ USD với Pháp có thể khiến chính quyền Canberra chịu thiệt hại tới 5,5 tỷ AUD (4,1 tỷ USD).
Năm ngoái, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm với nhà thầu quốc phòng Naval Group của Pháp, thay vào đó là phát triển các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân như một phần của thỏa thuận an ninh mang tính bước ngoặt với Mỹ và Anh.
Ngày 1/4, trước sự chất vấn của Thượng nghị sĩ Penny Wong, Thứ trưởng Quốc phòng Tony Danlton tiết lộ rằng việc chấm dứt thỏa thuận mua tàu ngầm với Pháp đi kèm với một mức giá quá đắt, khả năng nằm trong mức 5,5 tỷ AUD. Tuy nhiên, con số chính xác vẫn chưa được xác định vì các cuộc đàm phán với Naval Group đang diễn ra.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Simon Birmingham vẫn bảo vệ quyết định từ bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp là “cần thiết trong nhiều thập niên tới”. Ông Birmingham nhấn mạnh dù hiểu được những thiệt hại tài chính nghiêm trọng, song môi trường chiến lược thay đổi trong khu vực đồng nghĩa phương án đã được chọn trước đây sẽ không đáp ứng được nhu cầu tốt nhất cho Australia trong tương lai.
Theo thỏa thuận quan hệ đối tác an ninh 3 bên AUKUS ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Australia sẽ đóng 8 tàu ngầm hạt nhân tại Adelaide, với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh. Cụ thể, Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân. Như vậy, Australia sẽ là nước thứ hai được tiếp cận công nghệ của Mỹ để đóng tàu ngầm hạt nhân, sau khi Anh được tiếp cận công nghệ này năm 1958. Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng tuyên bố nước này đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu để giải thích cho việc hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp.
T.P