Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngPhóng viên BBC mục kích ngư dân TQ phá san hô ở...

Phóng viên BBC mục kích ngư dân TQ phá san hô ở Trường Sa

Phóng viên Đài BBC Rupert Wingfield-Hayes chia sẻ, ông từng hoài nghi khi nghe chuyện ngư dân Trung Quốc đang cố tình phá hoại các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam cả ngày lẫn đêm. Do đó, sau khi tận mắt chứng kiến những hành vi như vậy, ông đã bị sốc nặng.

Chuyến đi mang nặng hoài nghi

Phóng viên Rupert là người từng ngồi thuyền cá và máy bay mạo hiểm tới gần các đảo và bãi đá Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và mục sở thị các tàu thuyền của nước này ngang ngược tiến hành các hoạt động bồi đắp đất, xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây.

Rupert chia sẻ, ông cũng đã nghe nói về việc ngư dân Trung Quốc cố tình phá hoại các rạn san hô tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, song chưa hoàn toàn tin.

“Họ phá hủy suốt ngày đêm, từ tháng này qua tháng khác. Tôi cho rằng, họ cố tình làm vậy. Họ muốn gây thiệt hại bằng cách tàn phá các rạn san hô”, phóng viên Đài BBC dẫn lại lời một thị trưởng Philippines trên đảo Palawan.

Sau đó, Rupert có dịp tới đảo Thị Tứ, đảo lớn thứ 2 về mặt diện tích thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Philippines đang chiếm đóng trái phép.

Trong hành trình đó, nhìn qua cửa sổ chiếc phi cơ, Rupert chứng kiến ít nhất hơn chục con tàu đang đậu gần một bãi san hô. Những đụn cát và sỏi đá kéo dài phía sau đám tàu này.

“Nhìn kìa! Đó là những điều ông thị trưởng Philippines nói. Họ đang đào xới những rạn san hô”, phóng viên Đài BBC thốt lên với người quay phim Jiro.

Các tàu phá san hô của Trung Quốc nhìn từ trên cao. Ảnh BBC.
Các tàu phá san hô của Trung Quốc nhìn từ trên cao. Ảnh BBC.

Rupert mô tả, ông cũng nhìn thấy các tàu săn san hô của Trung Quốc đâm mỏ neo sâu vào rạn san hô và bắt đầu mở động cơ cực mạnh. Những cột khói đen từ động cơ diesel bốc lên trời.

“Họ đang làm gì thế?”, Rupert hỏi một thủy thủ người Philippines.

“Họ đang dùng bẻ gãy rạn san hô bằng các chân vịt (của tàu)”, người đàn ông đáp.

Phóng viên Rupert bị sốc khi tận mắt chứng kiến ngư dân Trung Quốc phá hoại san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Phóng viên Rupert bị sốc khi tận mắt chứng kiến ngư dân Trung Quốc phá hoại san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tuy nhiên, Rupert chia sẻ, đến thời điểm đó, ông vẫn chưa hoàn toàn bị thuyết phục. Và cách duy nhất để kiểm chứng là lặn xuống nước.

Mục kích ngư dân Trung Quốc săn trộm, phá san hô

Mạo hiểm lặn xuống biển, phóng viên BBC đã bị sốc nặng khi chứng kiến cảnh tượng những chân vịt bằng thép của các tàu Trung Quốc quay tít mù. Đáy biển đục ngầu vì cát và bụi bị khuấy lên.

Và hậu quả thì đã rõ ràng. Các rạn san hô bị hủy hoại hoàn toàn, Rupert nhấn mạnh. Ông mô tả, trước đây, khu vực này là một hệ sinh thái san hô phong phú. Tuy nhiên, giờ đây, đáy biển chất đầy xác san hô bị hủy diệt. Hàng triệu mẩu san hô chết nằm chồng chất lên nhau.

Xác san hô chất đống dưới đáy biển. Ảnh BBC.
Xác san hô chất đống dưới đáy biển. Ảnh BBC.

Phóng viên BBC cho hay, ông tiếp tục bơi và nhận ra, việc phá hoại san hô diễn ra ở khắp các hướng, trải dài hàng trăm mét. Đập vào mắt ông là lớp lớp san hô gãy vỡ, xếp chồng lên nhau.

“Một cảnh tượng cực kỳ đau lòng, cực kỳ phi lý. Tại sao những kẻ săn trộm có thể hủy hoại toàn bộ hệ sinh thái san hô như thế?”, Rupert thầm thốt lên.

Ngay sau đó, ông phát hiện hai kẻ săn trộm, đeo mặt nạ và ống thở ở phía sau. Họ đang mang theo vật gì đó rất nặng. Rupert phát hiện đây là những con trai khổng lồ, dài ít nhất cũng phải 1m. Trên tàu của những kẻ săn trộm còn có thêm 3 con trai khổng lồ khác.

Loài trai khổng lồ này, theo phóng viên BBC, có thể đã sống được tới 100 tuổi và có giá khoảng 1.000 – 2.000 USD/đôi.

Hai kẻ săn trộm trai khổng lồ. Ảnh BBC.
Hai kẻ săn trộm trai khổng lồ. Ảnh BBC.

Sau đó, phóng viên Rupert và người quay phim của ông ngồi thuyền tiếp cận nhóm tàu cá lớn hơn đậu ở phía ngoài rạn san hô.

Đây là các “tàu mẹ” của đám tàu săn trộm tại rạn san hô này. Trên boong các tàu lớn mà phía đuôi sơn 2 chữ Trung Quốc nổi bật Tanmen (Đàm Môn – một cảng đánh cá ở đảo Hải Nam của Trung Quốc), Rupert nhìn thấy hàng trăm con trai khổng lồ.

Tàu mẹ Trung Quốc. Ảnh BBC
Tàu mẹ Trung Quốc. Ảnh BBC

Trước đó, năm 2014, một tàu cá Trung Quốc cũng tới từ Đàm Môn đã bị Cảnh sát biển Philippines bắt giữ gần Bãi Trăng Khuyết trên Biển Đông vì tội đánh bắt trái phép hàng trăm cá thể rùa biển khổng lồ quý hiếm.

Trên boong tàu cá này, Cảnh sát biển Philippines đã phát hiện 500 con rùa biển Hawksbill cực kỳ quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng và bị cấm săn bắt, mua bán.

Vụ bắt giữ đã khiến Trung Quốc phẫn nộ. Bộ Ngoại giao nước này đòi Manila lập tức trả tự do cho những tay săn trộm.

Phóng viên Rupert nhận định, điều này chứng tỏ chính phủ Trung Quốc không có ý định ngăn cản ngư dân nước họ ngừng săn bắt trộm thủy hải sản quý hiếm trên Biển Đông.

“Còn những tay săn trộm chúng tôi gặp không hề e dè hay lo ngại khi bị quay phim”, Rupert nhấn mạnh.

Trở về đảo Thị Tứ, một sĩ quan thủy quân lục chiến Philippines chia sẻ với phóng viên BBC rằng, hoạt động phá hoại các rạn san hô của ngư dân Trung Quốc đã diễn ra suốt ngày đêm ít nhất 2 năm qua.

RELATED ARTICLES

Tin mới