Biển Đông là khu vực đan xen lợi ích của nhiều nước, nhiều bên, do vậy tranh chấp ở Biển Đông luôn diễn biến phức tạp. Tại đây, vấn đề phân định vùng biển chồng lấn giữa 2 nước với nhau là liên quan đến đàm phám song phương, còn lại hầu hết các vấn đề ở Biển Đông liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực, như tranh chấp đối với Trường Sa liên quan trực tiếp đến Việt Nam, Trung Quốc, Philippin, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Giải pháp cho vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định khu vực và thương mại hàng hải của nhiều quốc gia có liên quan như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc, EU… vì đây là tuyến hàng hải nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Biển Đông cũng là nơi diễn ra các hoạt động của Hạm đội 7, Hoa Kỳ, chính vì điều đó, Mỹ đã nhiều lần khẳng định “có lợi ích quốc gia” tại vùng biển sôi động này. Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều nước khác đều khẳng định có lợi ích lớn trong việc bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông.
Như vậy có thể nhận thấy rằng, vấn đề Biển Đông không chỉ tồn tại tranh chấp quyền lợi song phương giữa hai nước mà còn liên quan đến nhiều quốc gia khác nhau, chúng ta cùng tìm hiểu xem: vì sao cần giải quyết đa phương vấn đề Biển Đông?
Thứ nhất, Biển Đông liên quan đến lợi ích của nhiều nước, nhiều bên và cả các nước trong và ngoài khu vực như đã nêu ở trên, chỉ có giải pháp đa phương với sự tham gia của tất cả các nước có lợi ích thì mới là giải pháp công bằng và mới có thể là giải pháp lâu dài được các bên chấp nhận.
Thứ hai, với những hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian gần đây, thì việc dùng cơ chế đa phương mới có thể kiềm chế những hành động này của Trung Quốc. Các nước trong khu vực đều là nước nhỏ, không thể đơn phương chống chọi lại được với Trung Quốc mà cần có sự hỗ trợ của các cường quốc có uy tín như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Nga. Trung Quốc luôn phản đối việc giải quyết đa phương các tranh chấp tại các diễn đàn khu vực, mà luôn đòi hỏi việc giải quyết với từng quốc gia về các vấn đề này. Các nước cần hết sức tỉnh táo để không rơi vào cái bẫy “giải quyết song phương” của Trung Quốc. Trung Quốc hiểu rằng, trong đàm phán song phương, Trung Quốc có thể dùng sức mạnh nước lớn của mình để gây sức ép đòi đối phương chấp nhận phương án của mình. Thủ thuật đàm phán của Trung Quốc cũng hết sức tinh vi, Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn từ gây áp lực đến đe dọa trong đàm phán song phương để đạt mục tiêu có được giải pháp có lợi cho Trung Quốc. Nếu trong đàm phán đa phương thì các thủ thuật của Trung Quốc sẽ bị các bên lật tẩy và Trung Quốc cũng không thể dùng thế nước lớn của mình để bắt nạt cả một tập thể các nước có liên quan. Hơn nữa, nếu có sự tham gia của các nước lớn như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Nga thì Trung Quốc cũng phải dè chừng.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng đẩy mạnh các hoạt động gây hấn ở Biển Đông, thì giải pháp đa phương trong đàm phán cho các tranh chấp ở Biển Đông càng trở nên cần thiết. Việc đấu tranh với yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoặc đấu tranh với việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, bao trùm lên 3 quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa), “Nam Sa” (Trường Sa) và “Trung Sa” với diện tích vùng biển 2 triệu km2 cũng như việc Trung Quốc quân sự hóa “thành phố Tam Sa” không thể để 1- 2 nước phản kháng một cách rời rạc và đơn lẻ, hơn lúc nào hết việc đoàn kết, đấu tranh của các quốc gia trong khu vực, sự lên tiếng của cả cộng đồng quốc tế đang trở nên cấp thiết và cụ thể. Việc Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn một nghị quyết “mạnh mẽ kêu gọi” tất cả các nước trong khu vực “hãy kiềm chế” và đừng cho dân cư trú lâu dài tại các nơi ở Biển Đông cho đến khi đạt được một bộ quy tắc ứng xử, được sự bảo trợ của các nghị sỹ của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Theo đó, Hoa Kỳ cam kết “giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á trở nên luôn mạnh mẽ và độc lập”. Hành động này cho thấy Mỹ đã thực sự vào cuộc một cách thực tế trong việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông.
Ba là các nước đều đồng tình với việc giải quyết đa phương vấn đề Biển Đông. Tổng thống Philippin nhiều lần kêu gọi giải pháp đa phương cho vấn đề Biển Đông. Mới đây, Văn phòng Tổng thống Philippin tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy một giải pháp đa phương cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong khu vực trước ASEAN và những diễn đàn quốc tế khác. Thủ tướng Malaysia cũng bày tỏ ủng hộ cho một giải pháp đa phương cho các tranh chấp ở Biển Đông. Tại Hội nghị ARF 19 và Hội nghị ngoại trưởng Đông Á (EAS), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng kêu gọi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng con đường đa phương. Bà nhấn mạnh “Các vấn đề như tự do hàng hải, khai thác hợp pháp các tài nguyên hàng hải thường liên quan tới một khu vực rộng lớn, và cách tiếp cận song phương có thể dẫn tới sai lầm hay thậm chí đối đầu”. Các nước Ấn Độ, Nhật và cả EU đều ủng hộ cho việc giải quyết hoà bình tranh chấp ở Biển Đông theo hướng đa phương trên cơ sở luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Các chuyên gia, học giả trên thế giới cũng đều cho rằng cần một giải pháp đa phương cho các tranh chấp ở Biển Đông.
Bốn là, từ năm 2010 sau khi vấn đề Biển Đông được trao đổi nhiều tại các hội nghị ASEAN và Hội nghị ARF 17 tại Hà Nội, đồng thời với những diễn biến phức tạp ở Biển Đông thời gian qua, vấn đề Biển Đông trở thành mối quan tâm chung của cả cộng đồng quốc tế và trở thành chủ đề được thảo luận một cách rộng rãi tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Tại AMM 45 và ARF 19 ở PhnomPenh, mặc dù Campuchia chịu sức ép của Trung Quốc muốn gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của các cuộc họp, song vấn đề Biển Đông vẫn được các nước nêu ra một cách mạnh mẽ. Như vậy, bản thân vấn đề Biển Đông đã trở thành một vấn đề mang tính đa phương.
Năm là, bản thân Trung Quốc đã ký kết một văn bản thừa nhận việc giải quyết đa phương vấn đề Biển Đông. Tháng 10/2011, Việt Nam và Trung Quốc ký kết Thoả thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Trong Điều 3 Thoả thuận hai bên đã nhất trí một nội dung là “đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác”. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đã chấp nhận việc giải quyết đa phương vấn đề Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ký kết một văn bản chính thức trong đó cam kết những vấn đề liên quan đến các nước khác thì phải trao đổi với các bên liên quan. Nội dung này của thỏa thuận đã mở ra khả năng về giải quyết đa phương tranh chấp ở Biển Đông.
Tóm lại, trong bối cảnh Trung Quốc đang thi hành một chính sách “cá lớn nuốt cá bé” trong vấn đề Biển Đông, dùng sức mạnh để gây áp lực, o ép các nước ven Biển Đông thì chỉ có một giải pháp đa phương cho vấn đề Biển Đông mới có thể phản ánh được lợi ích của tất cả các bên liên quan và góp phần duy trì hoà bình, ổn định, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Điều này phù hợp với quan điểm chung của các nước trong và ngoài khu vực, phù hợp với thực tế tranh chấp ở Biển Đông và phù hợp với xu thế giải quyết các tranh chấp liên quan đến nhiều bên trong quan hệ quốc tế hiện đại. Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc đã đặt viên gạch đầu tiên cho việc giải quyết đa phương vấn đề Biển Đông. Hy vọng Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực cùng các bên liên quan thúc đẩy cho một giải pháp đa phương cho vấn đề Biển Đông, trong đó các nước lớn Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Nga… như là nhân tố để kiềm chế Trung Quốc./.
Lê Thành