Friday, April 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVăn hoá - Thể thao BiểnTìm hiểu tục thờ cúng cá Ông của ngư dân Việt

Tìm hiểu tục thờ cúng cá Ông của ngư dân Việt

BienDong.Net: Công ty trách nhiệm hữu hạn mỹ thuật Lê Vũ, đơn vị có kinh nghiệm phục dựng gần 10 bộ xương cá voi trong cả nước vừa tiến hành đề án phục dựng bộ xương cá voi (cá Ông) được lưu giữ từ hàng trăm năm nay tại Vạn chài Lăng Tân, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Theo nhận định của các chuyên gia, đây là bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam. Bộ xương có chiều dài trên 20 mét; mỗi xương sườn cá voi dài gần 10m, chiều ngang của mỗi đốt sống dài từ 1,6-1,7m.

alt

Bộ xương cá voi trước khi được phục dựng ( Ảnh: Trí Tín )

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết: ” Đảo Lý Sơn không chỉ được biết đến là kho tàng sống về Hoàng Sa – Trường Sa mà còn là “bảo tàng” lưu giữ xương cá Voi nhiều nhất cả nước. Hàng chục lăng trên đảo đang thờ tự loài cá này theo nghi thức tín ngưỡng dân gian miền biển. Có thể xem đây là bảo tàng xương cá voi độc đáo gắn liền với hành trình khai khẩn, xây dựng huyện đảo Lý Sơn từ hàng trăm năm qua”.

Việc phục dựng bộ xương cá voi không chỉ nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa liên quan đến hải đội Hoàng Sa mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông.

Tìm hiểu tục thờ cá Ông của người Việt

Từ xa xưa, người dân chài Việt Nam luôn coi cá voi là vị thần hộ mệnh giúp họ thoát nạn trên biển mỗi khi gặp bão tố hay sóng to gió lớn.

Chính vì thế, bao giờ cũng vậy, trước khi ra khơi, người dân thường cúng vái cá Ông, mong cho sóng yên bể lặng, cá đầy ăm ắp. Người vạn chài tin rằng Cá Ông lụy và trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi. Vì lòng tín ngưỡng ấy, mỗi khi có cá voi bị nạn dạt vào bờ, dân chài thường làm lễ cúng tế long trọng, chôn cất và để tang Ông, hương khói như chính cha mẹ mình vậy. Người đầu tiên phát hiện ra Ông lụy được đóng khăn sô chịu tang. Xác cá được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ, được mai táng trong đụn cát gần biển. Ba bốn năm sau khi chôn, dân làng sẽ làm lễ cải táng, rồi đem cốt cho nhập lăng.

Hàng năm, dân làng chọn ngày “ông lụy”, tức ngày cá Ông trôi dạt vào bờ làm lễ cúng giỗ. Đại lễ tế cá Ông hằng năm diễn ra vào mùa xuân cũng là lễ tế thần Nam Hải, lễ cầu ngư và bây giờ thì cũng là lễ ra quân đánh bắt xa bờ vụ chính trong năm (vụ cá nam). Bà con góp tiền góp gạo làm lễ tế ngay trên nghĩa địa cá Ông, rồi rước linh Ông ra cửa biển, nhúng lưới, cầu ngư để mong một năm làm ăn thắng lợi.

alt

Cá ông trôi vào bờ được người dân chuẩn bị chôn cất theo nghi lễ

Lễ hội Cá Ông (còn được gọi là lễ tế Cá Voi) là lễ hội lớn nhất của ngư dân các vùng chài lưới miền Trung. Ở Đà Nẵng, nghi lễ thờ phụng Cá Ông không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng cá. Lễ hội được diễn ra trong hai ngày vào trung tuần tháng 3 âm lịch. Ngày đầu thiết lễ tiên thường, ngày sau là lễ tế chính thức. Trong ngày lễ, bàn thờ được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm. Các nhà đều đặt hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đều chăng đèn kết hoa. Làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn.

Rạng sáng ngày hôm sau, dân làng đánh trống làm lễ rước trên biển. Có nơi còn tổ chức lễ rước Ông từ làng này qua làng khác để bày tỏ sự đoàn kết giữa các vạn chài. Tất cả tàu thuyền ra khơi đến một vị trí đã định trước và vị chánh tế tổ chức “xin keo”. Đó là lễ Cá Ông chứng giám lòng thành của ngư dân ngoài biển. Vào nửa đêm hôm đó, dân làng làm lễ chánh tế bao gồm lễ khai mõ, đội học trò dâng hương. Về phần hội, tuỳ điều kiện, mỗi địa phương có một hình thức tổ chức riêng, nhưng cũng đều là các trò chơi dân gian vùng biển: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng… Về văn nghệ, ngoài hát tuồng, hát hò khoan, còn có một hình thức múa hát đặc trưng của Lễ hội Cầu ngư là múa hát bả trạo (bả: nắm, trạo: chèo đò) diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân.

Ngoài cúng tế cá Ông, người dân còn làm lễ phóng đăng trên biển, thả thuyền cúng các linh hồn đã khuất trên biển, lễ phóng sanh, lễ phá cộ…. Tất cả tàu thuyền ra khơi đến một vị trí đã định trước và vị chánh tế đọc văn tế cầu mong Ông chứng giám lòng thành của ngư dân trên biển.

Lễ hội Cầu ngư bày tỏ khát vọng được bình yên trong cuộc sống của ngư dân, những con người luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển cả. Người dân miền biển tin rằng, tổ chức tế lễ càng chu đáo bao nhiêu, nghi thức càng đầy đủ bao nhiêu, thì ân đức của Ngài sẽ ban lại cho ngư dân được mùa tôm cá, đời sống no ấm, sung túc bấy nhiêu. Bởi cá voi thường cứu giúp những ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển, là biểu tượng an lành của ngư dân vùng biển.

Hoa Biển ( tổng hợp theo các báo quốc nội )

RELATED ARTICLES

Tin mới