Mối quan hệ Trung Quốc-Campuchia có vẻ như ngày càng keo sơn. Điều này có thể thấy qua các phát ngôn của lãnh đạo hai nước và qua các hợp tác chính trị, kinh tế, quân sự. Mới đây nhất hai nước lại ký thỏa thuận hợp tác về quân sự, tuy thỏa thuận này không được công bố trên báo chí.
Trong một phát biểu cách đây không lâu, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nói rằng: Không đi với Trung Quốc thì ai giúp chúng tôi? Không có vaccine của Trung Quốc thì chúng tôi lấy gì chống đại dịch Covid?
Quả là ông Hun Sen đã nói giữa dạ mình! Thời Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngoảnh mặt với xứ sở có bức tượng khổng lồ Bay On bốn mặt. Đến thời kỳ của Tổng thống Joi Biden cũng kiên định như thế. Rằng, Campuchia là một nước mà ở đó ẩn chứa nhiều vấn đề khó tin cậy và thiếu minh bạch. Hành động rõ nhất của Washington là kiên quyết không bán vũ khí cho Campuchia.
Campuchia là nước độc tài, rất ít đồng minh. Nếu xảy ra chiến tranh sẽ không có sự giúp đỡ của quốc gia nào, ngoài Trung Quốc. Nước láng giềng gần đây nhất, thực hiện chiến lược “ngoại giao cây tre” biết rất rõ chân tướng Pnôm Pênh nhưng vẫn không bận lòng, “tươi cười” với người bạn chung đường biên giới phía Tây Nam. Dù người Việt Nam chưa quên hồi năm 1978, bọn diệt chủng Pôn Pốt – Iêng Xary đã xua quân tấn công biên giới gây bao tội ác với người dân Việt Nam.
Theo tin của báo South China Morning Post, hôm 31/3, quan chức quân đội cấp cao hai nước Campuchia và Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác quân sự. Đây là thoả thuận hợp tác giữa lực lượng lục quân của hai nước. Đại diện phía Campuchia tham gia lễ ký trực tuyến là tướng Hun Manet (con trai của Thủ tướng Hun Sen) đại diện phía Trung Quốc là tướng Liu Zhenli. Nội dung chi tiết của thỏa thuận này nằm trong bức màn bí mật.
Trong một thập niên trở lại đây ý đồ của Bắc Kinh ngày càng thể hiện rõ: biến Campuchia trở thành tiền đồn quân sự ở phía nam. Hồi giữa năm 2019, tình báo Mỹ từng công bố một bản thảo nói về thỏa thuận cho Trung Quốc quyền tiếp cận căn cứ hải quân Ream của Campuchia ở vịnh Thái Lan trong 30 năm. Sau thời gian này, thỏa thuận sẽ được gia hạn 10 năm một lần.
Mặc dù người phát ngôn Chính phủ Campuchia nói rằng, thỏa thuận được tiết lộ này là “tin giả”, nhưng Washington khẳng định, tại căn cứ trên, Trung Quốc sẽ bố trí quân nhân, lưu trữ vũ khí và neo đậu tàu chiến. Đây sẽ là căn cứ hải quân đầu tiên ở Đông Nam Á cho phép Trung Quốc tiếp cận như vậy. Và vì thế, Washington lo ngại bất kỳ bước đi nào của chính phủ Hun Sen nhằm chào đón sự hiện diện quân sự nước ngoài ở Campuchia cũng sẽ quấy rối nền hòa bình và ổn định khu vực.
Việc Trung Quôc xây dựng tiền đồn quân sự ở Đông Nam Á cũng giống như việc đang tiến hành xây dựng tiền đồn quân sự ở Thái Bình Dương. Họ đang tìm cách để đặt căn cứ hải quân ở quần đảo Salomon trên biển Thái Bình Dương, khiến cho chính phủ Úc và New Zeland rất bức xúc và đang có những động thái mạnh mẽ để lên án, ngăn cản.
Việc Bắc Kinh tăng cường hợp tác quân sự với Phnôm Pênh không phải là vấn đề mới. Sắp tới có thể mức độ hợp tác còn được tăng cường hơn nữa. Thái độ của các quốc gia, nhất là những nước có chung đường biên giới là không can thiệp vào công việc “nội bộ” của họ. Nhưng bài học cảnh giác thì luôn luôn phải chú ý và nâng cao hơn nữa.
Hiện tại, Hà Nội thừa hiểu họ không còn ảnh hưởng quá lớn lên Campuchia. Quan hệ Việt Nam-Campuchia lúc này chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến lợi ích cốt lõi, như vấn đề an ninh biên giới, ngăn cản không cho đặt căn cứ quân sự ở Campuchia khi các căn cứ đó không khác gì những quả bom chờ nổ áp sát biên giới, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Việt Nam.
Cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Nó cũng bắt đầu từ những mâu thuẫn chung quanh biên giới hai nước, chung quanh các mối quan hệ đa chiều của các cường quốc. Và Ukraine trở thành cái chảo lửa diễn ra cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”. Muốn hòa bình, yên ổn làm ăn, hãy cảnh giác ngăn chặn hiểm họa ngay từ khi nó mới manh nha!
H.Đ