Tập đoàn FLC cuối tuần qua có văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước cho rằng có những tổ chức, cá nhân đang có âm mưu thâu tóm doanh nghiệp này thông qua giao dịch bất thường của cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Thực hư việc này chưa rõ, nhưng trên thị trường đã có nhiều vụ thâu tóm nổi tiếng và tai tiếng.
Thu gom cổ phiếu, sở hữu chéo
Có nhiều cách để một doanh nghiệp (DN) thâu tóm một DN khác. Một thương vụ điển hình trước đây là Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) sáp nhập với NH TMCP Phương Nam vào năm 2015. Vụ sáp nhập này đã giữ lại tên Sacombank, nhưng hàng loạt lãnh đạo cũ đã gắn bó lâu năm với nhà băng này đều ra đi. Đến tháng 8.2017, ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT – NH TMCP Phương Nam, bị bắt thì mới hé lộ dần cách thức vì sao một NH bé lại sáp nhập được với NH lớn hơn như Sacombank.
“Những vụ mua bán cổ phiếu trên sàn nếu với mục tiêu thâu tóm thì thường sẽ được tiến hành âm thầm thông qua nhiều cá nhân, tổ chức khác nhau. Thường các vụ thâu tóm sẽ diễn ra với những DN có tiềm năng phát triển hay đối với cùng ngành nghề để loại bỏ đối thủ trên thị trường.” – Ông Huỳnh Anh Tuấn.
Đó là vào tháng 7.2011, cổ phiếu STB của Sacombank trên sàn giảm mạnh, từ khoảng 22.000 đồng xuống còn khoảng 11.600 đồng và đã có hơn 26 triệu đơn vị được giao dịch. Đầu năm 2012, NH ANZ bán toàn bộ cổ phần là 9,6% vốn điều lệ tại Sacombank cho NH TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank). Song song đó, Công ty CP đầu tư Sài Gòn Exim đã mua gần 50,4 triệu cổ phiếu STB, chiếm 5,17% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Sacombank (Eximbank cũng chính là 1 trong 3 tổ chức sáng lập của Công ty đầu tư Sài Gòn Exim).
Điều bất thường là việc mua gom cổ phiếu của một số tổ chức và cá nhân như Công ty CP đầu tư Sài Gòn Exim đã thực hiện âm thầm mà không công bố dù đã trở thành cổ đông lớn. Hay ông Trần Phát Minh, từng giữ chức vụ Phó tổng giám đốc NH TMCP Phương Nam, cũng mua vào hơn 1,544 triệu cổ phiếu Sacombank, trở thành cổ đông lớn của NH này với tỷ lệ nắm giữ 5,01%…
Sau khi việc thu gom cổ phiếu đã xong, thì Ủy ban Chứng khoán nhà nước mới xử phạt các tổ chức và cá nhân trên do mua “chui” cổ phiếu. Kịch bản thâu tóm dần dần được hé lộ với những giai đoạn tiếp theo thông qua ma trận sở hữu chéo. Đó là nhóm cổ đông lớn tại NH ACB sở hữu trên 20% cổ phần của Eximbank và chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần này cho nhóm ông Trầm Bê, nhưng đứng tên sở hữu là các thành viên HĐQT của Eximbank.
Thông qua Eximbank, Phương Nam cùng các công ty có liên quan, ông Trầm Bê sở hữu trực tiếp và gián tiếp tới 37,7% vốn điều lệ tại Sacombank vào đầu năm 2012. Sau đó, bất ngờ phía NH Eximbank có văn bản gửi Sacombank đề nghị bầu lại toàn bộ HĐQT và Ban kiểm soát đồng thời đề cử đại diện vào thành viên HĐQT và Ban kiểm soát của NH này. Trong văn bản yêu cầu, Eximbank cho biết đã được ủy quyền đại diện cho nhóm cổ đông đa số (chiếm 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) của Sacombank. Đến cuối tháng 5.2012, 6/10 thành viên HĐQT mới tại Sacombank là người của gia đình ông Trầm Bê, Phương Nam, Eximbank và bắt đầu kế hoạch thực hiện sáp nhập NH TMCP Phương Nam vào Sacombank…
Nhà đầu tư chiến lược “quay xe”
Cách đây gần 2 năm, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng chứng kiến việc đổi chủ của một thương hiệu xây dựng hàng đầu VN là Công ty CP xây dựng Coteccons cho đối tác ngoại. Nhà đầu tư ngoại Kusto đầu tư vào Coteccons năm 2012, nắm giữ 18,23% cổ phần có quyền biểu quyết. Ngoài ra, nhóm này còn sở hữu 14,67% cổ phần thông qua Công ty TNHH MTV kinh doanh và đầu tư Thành Công.
Bất ngờ vào đầu tháng 6.2020, nhóm cổ đông ngoại Kustocem Pte. Ltd. (Kusto), đến từ Singapore, đơn phương triệu tập đại hội cổ đông bất thường nhằm bầu HĐQT mới và chỉ định kiểm toán độc lập hoạt động của Coteccons từ 2017 đến nay để làm rõ vấn đề xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan.
Trước đó, vào tháng 10.2019, Kusto cũng từng yêu cầu họp đại hội cổ đông bất thường để bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương và Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công. Kusto nêu nhiều nghi vấn xung đột lợi ích khi ban lãnh đạo Coteccons đồng thời quản lý cả hai DN cạnh tranh trực tiếp với nhau, sử dụng tài nguyên và uy tín công ty để phục vụ lợi ích của các thành viên trong “Coteccons Group” (như với Ricons, Unicons). Phía Coteccons cũng phát đi thông cáo báo chí cho rằng hành động của nhóm cổ đông Kusto gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc cổ đông ngoại liên tiếp đề nghị họp bất thường để bãi nhiệm chức vụ của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương và Tổng giám đốc, là “nhằm mục tiêu hoàn tất thâu tóm Coteccons”. Hai bên liên tục đấu tố nhau và kết cục đến tháng 10.2020, ông Nguyễn Bá Dương rời ghế Chủ tịch HĐQT Coteccons sau 17 năm gây dựng. Người thay thế là ông Bolat Duisenov, quốc tịch Kazakhstan, đại diện cho cổ đông lớn Kusto.
Cổ đông ngoại này nắm quyền lãnh đạo ở Coteccons đã khiến các nhà đầu tư nhớ đến 2 vụ khác cũng liên quan đến Kusto. Đó là việc Công ty Bình Thiên An, chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương (TP.HCM), từng là một phần của Kusto Group đã âm thầm mua vào cổ phiếu của Công ty xây dựng công nghiệp (Descon). Năm 2010, được sự ủy quyền của nhiều cổ đông, Bình Thiên An cho biết đã nắm đến 35% cổ phần của Descon và yêu cầu bầu lại lãnh đạo tại đại hội cổ đông của công ty này. Việc “chuyển giao quyền lực” giữa hai nhóm lãnh đạo mới cũ diễn ra căng thẳng với kết quả Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Bảng sau 20 năm gắn bó với Descon cũng rời khỏi công ty.
Sau khi về tay nhóm cổ đông mới, Descon hủy niêm yết với lý do tái cấu trúc và đến cuối năm 2018, Descon gửi đơn lên TAND TP.HCM để làm thủ tục phá sản do kinh doanh thua lỗ. Song song với Descon, nhóm cổ đông Bình Thiên An cũng thương lượng với các cổ đông khác và gom được 38% số cổ phần tại Công ty CP Beton 6 (BT6) và nắm quyền kiểm soát công ty này. Đến cuối năm 2015, Beton 6 tiến hành hủy niêm yết khỏi HOSE với lý do tập trung việc cơ cấu DN, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và gần đây cũng đang làm thủ tục tuyên bố phá sản… BT6, Descon đều là những tên nổi bật trong ngành xây dựng nhưng kết quả sau đợt thâu tóm “thù địch” là công ty liên tục thua lỗ, bị các đối tác khởi kiện…
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán NH Đông Á, muốn “thâu tóm” DN đang niêm yết trên sàn hay chưa lên sàn đều không phải dễ vì phải có phương án, chiến lược khai thác sau đó như thế nào bởi người đi thâu tóm cũng không phải vô cớ bỏ ra một lượng lớn tiền bạc hay thời gian để mua lại công ty. Còn với các cổ đông thì dù ban lãnh đạo lâu năm nhưng nếu không đưa được công ty phát triển thì họ mong sẽ có người mới tham gia để có sự thay đổi tốt hơn.
T.P