Lý Cường từng được mong chờ sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc.
Tuần trước, trong bài phát biểu kỷ niệm thành công của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố giành chiến thắng trước Covid-19.
“Như một số vận động viên nước ngoài đã nói, nếu có huy chương vàng dành cho ứng phó với đại dịch, thì Trung Quốc xứng đáng nhận nó. Tôi cho rằng huy chương vàng ấy thuộc về tất cả các nhân sự tham gia tổ chức Thế vận hội,” ông nói tại buổi lễ ngày 08/04.
Tập mỉm cười, nhưng một trong những trợ lý thân cận nhất của ông ở Thượng Hải có lẽ sẽ chẳng thể cười được. Thay vào đó, Lý Cường, Bí thư Thành ủy của trung tâm tài chính toàn cầu này, hẳn đã cảm thấy vô cùng lo lắng trong lúc tiếp tục giám sát đợt phong tỏa.
Lời khen ngợi của Tập là dành cho các quan chức ở Bắc Kinh. Ngược lại, Thượng Hải hiện đang trên bờ vực thẳm, khi phải vật lộn để kiềm chế đợt bùng phát dịch lần này. Thượng Hải chiếm phần lớn các trường hợp nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục, gây ra vết nhơ cho chính sách “zero-Covid” cứng rắn của Tập.
Nếu đợt dịch này lan sang các khu vực khác của đất nước, nó có thể làm hủy hoại hy vọng của Tập về việc ca ngợi “chiến thắng vĩ đại” của chính quyền ông đối với coronavirus tại Đại hội Đảng Toàn quốc vào mùa thu này.
Điều đó sẽ là thảm họa đối với Lý Cường, một ứng viên cho vị trí thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc, và một chính trị gia tự coi mình là phụ tá thân cận nhất của Tập.
Cư dân Thượng Hải, những người thường thích nói chuyện kinh doanh hơn chính trị, nay đã lao vào các cuộc tranh luận chính trị hiếm hoi, khi mà sinh kế của họ bị đe dọa.
“Thượng Hải chiếm tới 95% – một con số không thể tin nổi – các trường hợp mắc mới ở Trung Quốc đại lục. Tập hẳn là khó chịu lắm khi thấy số ca nhiễm tăng cao,” một người nói.
“Người ta bảo rằng Lý Cường thường xuyên nói chuyện với lãnh đạo tối cao qua điện thoại và nhận chỉ thị trực tiếp. Chuyện gì đã xảy ra vậy?”, người khác nói.
Bàn tán càng thêm xôn xao khi Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan, nữ ủy viên Bộ Chính trị duy nhất, người phụ trách giám sát các biện pháp ứng phó với covid của Trung Quốc, có chuyến thăm đến Thượng Hải.
Các bức ảnh được công bố cho thấy Tôn đang truyền đạt mệnh lệnh của Tập, còn Lý Cường, người về mặt kỹ thuật là ngang hàng với Tôn trong tư cách là một ủy viên Bộ Chính trị, thì khiêm tốn và chú ý lắng nghe.
Lý Cường duy trì vẻ mặt trang nghiêm trong suốt chuyến thị sát cùng Tôn. Kể từ lúc đó, vị thế quyền lực của cặp đôi này đã trở thành một chủ đề nóng trong các thảo luận của những người dân Thượng Hải đang bất bình.
“Lý Cường được Tôn Xuân Lan thông báo phải kiên trì tuân thủ chính sách zero-Covid. Điều đó khiến tôi lo lắng về tương lai của ông ta,” một người bình luận trên mạng xã hội.
Tình hình Covid ở Thượng Hải thật sự rất tệ. 2.000 nhân viên y tế của Quân đội Giải phóng Nhân dân từ các tỉnh khác đã được huy động đến đây.
Những người nhiễm bệnh bị cưỡng chế chuyển đi khỏi Thượng Hải, đến các tỉnh lân cận như Chiết Giang. Những cư dân tiếp xúc gần với bệnh nhân thì được đưa đến các cơ sở cách ly tạm thời, xây dựng ở các vùng ngoại ô.
Giữa cơn khủng hoảng, Lý Cường đã thực hiện một bước đi bất thường, là viết một bức thư ngỏ gửi tới tất cả các đảng viên ở Thượng Hải.
Bức thư ngày 06/04 kêu gọi nỗ lực kiềm chế bùng phát Covid và vượt qua vô vàn khó khăn, dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hành động khấu đầu rõ ràng trước Bắc Kinh đã được các cư dân Thượng Hải đón nhận trong kinh ngạc.
Cùng lúc đó, những người dân thường không theo đảng phái nào trong thành phố đã tỏ ra tức giận. Những gia đình có trẻ nhỏ đang phải vật lộn để đảm bảo có đủ rau và sữa hàng ngày. Ở một đất nước mà người dân cực kỳ coi trọng lương thực, đây chẳng khác gì một thảm kịch.
Cư dân của thành phố đã bắt đầu tự tìm cách hợp tác với nhau, thay vì chờ đợi chính phủ hành động. Các bác sĩ, kỹ sư, giám đốc của các công ty vừa và nhỏ, các giáo sư và các cư dân có tay nghề cao khác, sống trong cùng một khu chung cư, đã cùng nhau phân chia khẩu phần thức ăn và mua hàng theo nhóm.
Họ kết nối với nhau nhờ điện thoại thông minh và máy tính cá nhân, sau đó tự giao các nhiệm vụ khác nhau cho mỗi người.
Cuộc ‘nổi dậy’ này không phải chuyện đáng ngạc nhiên. Một nguồn tin Trung Quốc quen thuộc với các nỗ lực cộng đồng đã chỉ ra rằng, “Thượng Hải cởi mở và hoàn toàn khác với Bắc Kinh, nơi bộ máy hành chính can thiệp vào mọi thứ, vì vậy hầu hết mọi thứ vẫn diễn ra tốt đẹp, dù thành phố có được để cho khu vực tư nhân tự xoay sở.”
Làn sóng lây lan virus trên khắp Trung Quốc đã gây áp lực giảm tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 1, số liệu thống kê chính thức sẽ được công bố trong tương lai gần. Trong tháng 3, doanh số xe hơi đã giảm ở mức hai con số so với một năm trước đó.
Kế đến, tác động của phong tỏa Thượng Hải sẽ xuất hiện trong quý 2, từ tháng 4 đến tháng 6, và gây khó khăn nghiêm trọng cho việc thực hiện cam kết đạt tăng trưởng thực tế khoảng 5,5% của chính quyền trung ương.
Thủ tướng Lý Khắc Cường, người công khai tuyên bố đây sẽ là năm cuối cùng của ông tại vị trí này, đã bày tỏ cảm giác khủng hoảng trong lần xuất hiện gần đây tại một hội nghị chuyên đề, nói rằng nguyên nhân là do “các yếu tố bất ngờ” bên trong Trung Quốc lẫn quốc tế.
Lý Cường từng được đồn đoán sẽ có tên trong danh sách lên kế nhiệm Lý Khắc Cường, nhưng thay vào đó, ông lại trở thành nạn nhân của một trong những yếu tố bất ngờ đó: phong tỏa Thượng Hải.
Nếu Lý Cường không mau chóng kiểm soát được tình hình Covid, sự nghiệp của ông sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Ai đó sẽ phải chịu trách nhiệm chính trị cho thảm họa ở trung tâm thương mại của Trung Quốc.
Đúng là lãnh đạo của các thành phố như Tây An, tỉnh Thiểm Tây, nơi cũng đã phong tỏa, cho đến nay vẫn chưa bị sa thải. Nhưng nếu Lý Cường được nhắm cho ghế thủ tướng, trở thành quan chức kinh tế hàng đầu của chính phủ, bất chấp những sai lầm của ông về Covid, người dân sẽ bắt đầu đặt câu hỏi.
Dù giữ độc quyền về quyền lực, thì Đảng vẫn bí mật quan tâm đến dư luận.
Lúc này đây, người dân Thượng Hải đã bắt đầu đồn đoán về tương lai chính trị của Lý Cường. “Ông ấy không còn là phụ tá đáng tin cậy nhất của Tập nữa,” một người nói.
Các lực lượng chính trị không thân cận với Tập đã nhận thấy cơ hội ngăn chặn cơ hội thăng tiến của Lý Cường tới Bắc Kinh, và làm suy yếu ưu thế lớn của “phái Chiết Giang,” nhóm phụ tá thân cận nhất của Tập, những người đã từng làm việc cùng Tập ở tỉnh miền Đông này.
Mang một không khí khác với Bắc Kinh, Thượng Hải cũng từng có những cuộc chiến chính trị trong hậu trường của riêng mình. “Phái Thượng Hải,” do cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân lãnh đạo, đã từng giữ ảnh hưởng lớn ở đó.
Giữa lúc các yếu tố gây bất ổn ngày một gia tăng trên mặt trận chính trị, ngày 10/04, Tập Cận Bình đã xuất hiện tại Tam Á, một thành phố trên bờ biển phía nam đảo Hải Nam.
Chuyến thăm đã khiến người ta chú ý tới thực tế rằng Tập đã không công du nước ngoài suốt hơn hai năm qua. Một phần là do Tập thấy tiếc nuối khi vào tháng 01/2020, Trung Quốc đã phải vật lộn với việc đối phó với đợt bùng phát coronavirus đầu tiên ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, trong khi ông đang thăm Myanmar.
Một loạt các bài học kinh nghiệm đã thuyết phục Tập gắn bó với chính sách zero-Covid.
Dù chính sách này đã được chỉ ra là có hiệu quả hạn chế đối với biến thể Omicron vốn lây lan nhanh, nhưng Tập không thể từ bỏ câu chuyện thành công của chính sách mà ông đã quyết định lựa chọn vào tháng 01/2020.
Trong 25 tháng qua, thế giới và Trung Quốc đã thay đổi đáng kể, nhưng Tập vẫn sẽ tạm ngưng công du quốc tế, cho đến khi nỗi sợ coronavirus được loại bỏ hoàn toàn. Không ai có thể đoán biết được điều đó sẽ diễn ra khi nào.v
T.P