Tuesday, November 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiGDP Việt Nam chỉ bằng nửa Thái Lan và cơ hội bứt...

GDP Việt Nam chỉ bằng nửa Thái Lan và cơ hội bứt tốc để người dân Việt giàu hơn người Thái

10 năm về trước khi nói về bóng đá, ai cũng mặc định đội bóng Thái Lan mạnh hơn Việt Nam, nhưng nay “gió đã đảo chiều”, vị thế của đội tuyển bóng đá Việt Nam so với Thái Lan đã khác. Kinh tế Việt Nam cũng được nhiều tổ chức nước ngoài nhận định, không cần phải tới 20 năm, người Việt sắp giàu hơn người Thái.

Thái Lan đứng vị trí số 2 khu vực về quy mô nền kinh tế. Số liệu năm 2020 theo IMF.

GDP Thái Lan gấp đôi GDP Việt Nam

Thái Lan giống như Việt Nam cũng thuộc nhóm quốc gia đang phát triển nhưng nền kinh tế lại được xếp vào nhóm các nước công nghiệp mới, nghĩa là ở mức trung gian giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Xét về quy mô thì đây là nền kinh tế lớn thứ 2 trong khu vực khu vực ASEAN, chỉ sau Indonesia, xếp hạng 25 thế giới về GDP danh nghĩa, xếp thứ 21 thế giới xét theo sức mua thương đương. Theo số liệu do Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan ghi nhận tính chung cả năm 2021, nền kinh tế Thái Lan đã đạt mức tăng trưởng 1,6%.

Trong khi đó, số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,58% trong năm 2021 so với năm 2020.

Về thứ hạng tăng trưởng GDP trong năm 2021, Thái Lan vẫn giữ vị trí số 2 với 543,65 tỷ USD trong khi Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 với 352 tỷ USD. Tức là xét về quy mô nền kinh tế, Thái Lan đang gấp đôi Việt Nam.

Nhiều năm qua, xứ sở chùa Vàng đã thoát khỏi nền kinh tế dựa vào nông nghiệp và chuyển sang nền kinh công nghiệp hóa, kinh tế đô thị. Đặc điểm chính của nền kinh tế Thái Lan là phụ thuộc lớn vào du lịch và xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 60% GDP. Các mặt hàng xuất khẩu chính là dệt may, giày dép, thủy sản, gạo, cao su, đồ trang sức, xe hơi, máy vi tính và thiết bị điện.

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, xuất khẩu thô và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là dầu thô, hàng may mặc, hải sản, hàng điện tử, gạo, cao su, cà phê.

Là một đất nước chú trọng vào du lịch – ngành công nghiệp không khói nên dù tài nguyên du lịch hai nước gần giống nhau những nhiều chỉ số Việt Nam vẫn chưa bắt kịp Thái Lan. Theo Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan năm 2019 Du lịch chiếm 18,4% tức là gần 1/5 GDP của Thái Lan. Năm 2019 khách du lịch đã chi gần 2 nghìn tỷ baht Thái. Doanh thu doanh thu từ du lịch của Thái Lan lên tới 62 tỷ USD, gấp đôi con số này ở Việt Nam là 31 tỷ USD.

Bỏ qua số liệu của 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, theo thaiwebsites.com số lượng khách du lịch đến thăm Thái Lan tăng từ 35,35 triệu năm 2017 lên 38,28 triệu năm 2018 và sau đó là 39,80 triệu vào năm 2019.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 là 18 triệu lượt người, tăng 16,2% so với năm 2018. Tức nếu xét riêng trong năm 2019, số lượng khách du lịch đến Việt Nam chỉ bằng ½ số khách mê đắm đất nước chùa Vàng.

Người dân Thái Lan đang giàu gấp 3 lần dân Việt

Theo báo cáo “Động thái và thực trạng kinh tế – xã hội Việt Nam 5 năm 2016 – 2020” của Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 ước đạt 2.750USD, xếp thứ 120/187 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Thái Lan năm 2003. Trong khi đó nếu so sánh tổng thu nhập quốc dân chia dân số hay còn gọi là hệ số GNI trên người của Việt Nam là 2.540 USD/năm. GNI trên người của Thái Lan 7260 USD/năm. Tức là người Thái đang giàu hơn người Việt gấp 3 lần và Việt Nam thuộc nhóm trung bình thấp, Thái Lan thuộc nhóm trung bình cao.

Mặc dù Việt Nam có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhưng mức năng suất lao động của nước ta hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Năng suất lao động của Việt Nam năm 2019 đạt 13,8 nghìn USD, chỉ bằng 41,5% của Thái Lan và chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 1,8 lần).

Việt Nam – ngôi sao đang lên

Dù GDP chỉ bằng ½ Thái Lan và thu nhập trên đầu người thì bằng 1/3 người Thái nhưng Việt Nam lại đang được đánh giá là ngôi sao đang lên và có thể vượt qua Thái Lan trong thời gian ngắn sắp tới. Ông CK Tong – Tổng giám đốc BW Industrial Development JSC – cũng khẳng định: “Dù có Covid-19 hay không, Việt Nam vẫn giữ vị trí thuận lợi để đón làn sóng Trung Quốc+1”. Theo ông, kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan, Indonesia, Philippines trong những năm tới.

Nền kinh tế Thái Lan trong những năm từ 1960-1990 luôn tăng trưởng với tốc độ trung bình 7,5%. Nhưng trong suốt giai đoạn 2008-2018, tốc độ tăng trưởng của nước này đã giảm mạnh, thậm chí xuống âm 0,7% vào năm 2009.

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam ổn định hơn với tổng độ tăng trưởng từ 5,2% trong năm 2012 đến 7,1% trong năm 2018. Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng ổn định 7% và được đánh giá là một trong những câu chuyện kinh tế thành công của thế kỷ 21. Tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2018 cao gấp 1,7 lần so với Thái Lan.

Các chỉ số khác như thu hút FDI, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và chi tiêu tiêu dùng cũng đã vượt Thái Lan. Số liệu phân tích xuất khẩu mặt hàng công nghệ cao năm 2016 cho thấy, Việt Nam đạt tổng kim ngạch là 55,2 tỷ USD, trong khi Thái Lan chỉ đạt 8,8 tỷ USD. Con số này phản ánh rằng, dù đi sau hàng thập kỷ, nền kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh và vượt qua Thái Lan, tờ Bangkok Post viết.

Trong bài viết với tựa đề “Điều gì khiến Việt Nam hấp dẫn hơn Thái Lan trong thu hút vốn đầu tư vào sản xuất” mới đây, BW Industrial cũng cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, thúc đẩy làn sóng chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam được coi là hai điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư nước ngoài nhưng Việt Nam đang tỏ ra vượt trội hơn nhờ các yếu tố dân số, tham gia các hiệp định thương mại tự do, thị trường tiêu thụ nội địa mở rộng và tình hình chính trị ổn định.

Nguyên nhân chính làm động lực cho kinh tế Việt Nam sẽ sớm vượt Thái Lan chính là nhờ lực lượng dân số vàng. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), dân số Việt Nam năm 2020 là hơn 97 triệu người và dự kiến sẽ đạt 120 triệu người vào năm 2050. Trong đó, 70% dân số dưới độ tuổi 35 và tuổi thọ trung bình là 76 tuổi, cao nhất trong số các nước có mức thu nhập tương tự ở Asean. Chỉ số nhân lực của Việt Nam đứng thứ 48 trong tổng số 157 quốc gia và đứng thứ 2 ở Asean sau Singapore.

Trong khi đó, quy mô dân số của Thái Lan là 70 triệu người. Thái Lan được coi là xã hội “lão hóa” kể từ năm 2005 khi có 10% dân số từ 60 tuổi trở lên. Tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên của nước này dự kiến đạt 20% trong năm nay. Quỹ đạo của Thái Lan cho thấy nước này đang trên đường trở thành một xã hội “siêu già” vào năm 2031, nghĩa là 28% dân số sẽ từ 60 tuổi trở lên. Lực lượng lao động là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Lực lượng lao động thu hẹp có thể dẫn đến việc tăng lương mạnh, gây áp lực lên lạm phát trong nước.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự đoán lực lượng lao động sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Thái Lan trong 2 thập kỷ tới. Chưa kể Việt Nam đang từng bước mở rộng lợi thế cạnh tranh bằng việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn. Hiện số lượng các FTA mà Việt Nam tham gia nhiều hơn Thái Lan và các quốc gia trong khu vực, trong đó có những hiệp định lớn như, EVFTA, CPTPP, RCEP…

Khi các điều kiện kinh tế được cải thiện nhanh chóng, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng đã tăng gấp 3 từ 600 USD trong năm 2005 lên khoảng 2.800 USD vào năm 2019. Thu nhập tăng khiến sức mua cũng tăng lên. Theo báo cáo của WB, tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện chiếm 13% dân số cả nước và được dự đoán sẽ tăng lên 26% vào năm 2026.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới