Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCơ hội lớn cho xuất khẩu dệt may

Cơ hội lớn cho xuất khẩu dệt may

Trị giá xuất khẩu hàng dệt may trong quý đầu năm đã tăng hơn 20%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, đang mở ra cơ hội lớn cho ngành dệt may xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may tổ chức sản xuất tăng ca, tuyển thêm công nhân từ đầu năm đến nay.

Đơn hàng từ Trung Quốc chuyển qua nhiều

Tăng ca, tăng giờ làm vào ngày nghỉ, tuyển thêm công nhân liên tục… là những gì mà Công ty CP quốc tế Dony triển khai liên tục từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty Dony, cho biết lượng đơn hàng đổ về Dony và nhiều công ty trong ngành, khiến công ty phải liên tục tuyển thêm công nhân và tăng giờ làm.

Đến nay, số công nhân của công ty tăng 20% so cùng kỳ năm ngoái. Những khó khăn trong tuyển dụng, tìm người làm từ sau Tết Nguyên đán nay cũng đã được giải quyết. Về đơn hàng tăng, theo ông Phạm Quang Anh, là của khách cũ từ 2 thị trường lớn là Mỹ và châu Âu tăng, khách hàng mới cũng tìm đến. Đặc biệt, một số nhà mua hàng đang chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Indonesia vì bị trễ do chính sách zero Covid-19 của nước này. “Tất nhiên, thông tin là vậy, nhưng lượng đơn hàng chốt từ họ lại chưa có bởi giá cả họ đưa ra với các mặt hàng vải cao cấp, mình không cạnh tranh nổi với các nhà sản xuất ở Trung Quốc”, ông Anh nói.

Cụ thể, theo ông Quang Anh, nhiều mặt hàng vải tại Trung Quốc rẻ hơn mua tại Việt Nam từ 20%. Nếu nhập về làm thì phải lấy khoản phí gia công để bù giá vải, giá trị thu về sẽ vô cùng thấp, không đáng để gồng mà nhận. “Thế nên, quan điểm của chúng tôi là nếu có đơn hàng của nhà cung ứng đưa về từ Trung Quốc mà phía khách hàng cung cấp vải, mình chỉ gia công thì làm, còn giao công ty mua vải luôn thì thôi”, ông Anh nói.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cũng thông tin, lượng đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ tăng. Tuy nhiên, tăng là do quý 1 năm ngoái bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hoạt động thương mại ngưng trệ nên giờ tăng mạnh cũng điều dễ hiểu. Qua trao đổi với các đối tác, ông Phạm Văn Việt cũng nhận thấy có những khách hàng mới chuyển đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang các nhà máy tại phía bắc do các lệnh phong tỏa liên tục của Trung Quốc khiến tiến độ thực hiện thời trang vào hè bị chậm, khách không chờ được nên chuyển sang các thị trường khác. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Việt cảnh báo: “Việc dịch chuyển này có thể không lâu dài. Nếu phía Trung Quốc thay đổi chính sách, gỡ phong tỏa và đưa xã hội trở lại bình thường như chúng ta hiện nay, cục diện thị trường có thể khác”.

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng xuất đi các nước phương Tây đều khá lạc quan bởi đến nay, họ đã nhận được đơn hàng làm… đến hết quý 3/2022, thậm chí có đơn vị ký đơn hàng làm hết năm nay luôn rồi. Đại diện Công ty May 10 cho hay những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của công ty đều nhận “kín đơn hàng” đến hết quý 3/2022.

Tận dụng lợi thế từ các Hiệp định FTA

Trong 13 DN dệt may trên sàn, có 9 DN kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng và 4 DN đặt kế hoạch thận trọng. Cụ thể, Dệt may Thành Công có kế hoạch đem về 4.183 tỉ đồng (tăng 18%) doanh thu và gần 254 tỉ đồng lãi sau thuế (tăng đến 76%); May Việt Tiến đặt kế hoạch tổng doanh thu và lãi trước thuế năm nay lần lượt đạt 6.500 tỉ đồng và 150 tỉ đồng, tăng 8% và 50% so với năm trước; TNG cũng đặt kế hoạch lãi sau thuế tăng 20%, lên mức 279 tỉ đồng; Sợi Thế có kế hoạch doanh thu gần 2.606 tỉ đồng (tăng 28%), lãi sau thuế hơn 300 tỉ đồng (tăng 8%). Báo cáo triển vọng ngành dệt may xuất khẩu năm nay tăng 23% so cùng kỳ nhờ “nhu cầu thị trường bị dồn nén sau giai đoạn đóng cửa tại nhiều nước”.

Tuy nhiên, theo bà Tôn Nữ Cát Ngọc, Giám đốc điều hành Công ty T.Y (TP.HCM), đơn hàng tăng, đơn giá có tăng là tín hiệu tích cực, song cũng không ít lo lắng. Bà nói: “Ngành dệt may đang đối diện khó khăn từ việc Trung Quốc kiên trì áp dụng chính sách zero Covid-19. Bởi đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn các loại nguyên phụ liệu phục vụ ngành hàng dệt may xuất khẩu. Họ ngưng sản xuất để chống Covid-19, đồng nghĩa với chuỗi cung ứng toàn cầu lại tiếp tục bị đứt gãy. Thêm vào đó, nếu tìm được nguồn hàng mua khác, hoặc mua từ Trung Quốc thì đơn giá đầu vào cũng cao hơn nhiều, nên lợi thu về không bù với công sức bỏ ra”.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2022, ngành dệt may dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu từ 42 – 43,5 tỉ USD. Để đạt được kế hoạch này, thực tế các DN đang đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt tận dụng tốt nhất các lợi thế mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Đặc biệt là Hiệp định CPTPP và EVFTA. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10, cho biết DN đang đẩy mạnh làm hàng xuất đi các thị trường trong khối EU. Đặc biệt, thị trường EU hiện rất tiềm năng, trong quý 1 tăng 31% là dấu hiệu tích cực cho ngành tăng tốc tìm lợi thế, cơ hội từ thị trường lớn này. Nhiều dự báo cho rằng, EU sẽ là thị trường xuất khẩu dệt may thu về hàng tỉ USD cho Việt Nam trong tương lai gần.

Nguồn tăng chưa bền vững

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, nhận xét kim ngạch xuất khẩu trong quý đầu năm tăng mạnh đã “lên dây cót tinh thần” rất lớn cho DN. Phần lớn họ đang nỗ lực hết mình, tăng ca liên tục để thực hiện các đơn hàng. “Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, tình hình sản xuất xuất khẩu của ngành chỉ mới đạt mức độ ổn định, chứ giàu có thì chưa. Cho dù mức độ tăng trưởng quý cao nhất trong vòng 10 năm qua nhưng vẫn còn lắm thách thức phía trước. Chi phí sản xuất tăng mạnh quá, lợi nhuận của DN thu về lại không tăng như triển vọng. Lợi thế của Việt Nam là quay trở lại bình thường mới sớm hơn rất nhiều so với các nước, trong đó có Trung Quốc. Song nếu tháng 3 tăng mạnh nhờ vào dịch chuyển đơn hàng thì rõ ràng không bền. Bởi khi Trung Quốc “đùng một phát” ban bố lệnh bình thường mới, với lợi thế nhân công giá rẻ, vật liệu mua rẻ… họ lại thu về các đơn hàng tạm mất của mình”, ông Phạm Xuân Hồng cảnh báo.

Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Anh cũng nhận xét mọi chiến lược mở rộng đầu tư máy móc của DN cũng còn khá thận trọng bởi đà phục hồi kinh tế toàn cầu là có thật, nhu cầu có tăng. Tuy nhiên, việc tăng trưởng nếu nhờ vào dịch chuyển đơn hàng do chính sách phòng chống dịch từ Trung Quốc thì chỉ diễn ra trong ngắn hạn thôi, sẽ thay đổi khôn lường. “Thực tế là qua dịch bệnh Covid này, các quốc gia có chính sách đóng cửa, mở cửa rất nhanh khiến DN không thể trở tay kịp. Tôi không tin Trung Quốc sẽ kéo dài chính sách cứ phong tỏa toàn bộ thành phố này, khu vực nọ đến hết năm. Nếu vậy, khi DN mình có lượng đơn hàng tăng, lại đầu tư mở rộng máy móc để đón làn sóng này thì rất dễ bị hớ. Thế nên, quan điểm của tôi là tuy tăng trưởng 20% trong quý 1, chưa thể nói được điều gì, chỉ chọn cách vừa làm vừa theo dõi để có sự phát triển bền vững mới quan trọng”, ông Phạm Quang Anh chia sẻ.

Số liệu thống kê hết quý 1 năm nay từ Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ riêng trong tháng 3, tăng trưởng của nhóm hàng dệt may ở mức kỷ lục, đạt hơn 3 tỉ USD, tăng hơn 48%, tương ứng tăng hơn 1 tỉ USD so với tháng 2. Tính lũy kế hết quý đầu năm, ngành dệt may, xơ sợi, vải xuất khẩu của Việt Nam đạt 10,85 tỉ USD, chiếm hơn 25% so với mục tiêu xuất khẩu của cả năm 2022. Trong đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 4,3 tỉ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 50% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; thứ hai là thị trường EU với 896 triệu USD, tăng 31%; thị trường Hàn Quốc với 754 triệu USD, tăng 7%…

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới